ĐBQH Lê Thanh Vân lên tiếng sau phát ngôn “nguy hiểm” của Phó Chánh án TAND Tối cao

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng bản thân ông tìm không ra quy định nào cho phép Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ được “kết tội” ĐBQH là phát ngôn “nguy hiểm”.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ – một trong 17 thành viên Hội đồng thẩm phán giơ tay biểu quyết y án tử hình Hồ Duy Hải tại phiên giám đốc thẩm ngày 8/5 cho rằng, trên mạng xã hội có nhiều thông tin bịa đặt về vụ án, bôi nhọ, quy kết trách nhiệm nền Tư pháp, đặc biệt là bôi nhọ Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình,…

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ. (Ảnh chụp màn hình)
“Nguy hiểm hơn nữa là có 3 Đại biểu Quốc hội phát biểu không đúng nội dung vụ án, đưa ra những nhận xét chủ quan dựa trên thông tin mạng xã hội” – ông Tuệ nhận xét.

Trước phát ngôn của ông Tuệ, ĐBQH Lê Thanh Vân đã lên tiếng. Trên trang Facebook cá nhân, ông Lê Thanh Vân viết:

“Tôi tìm mãi trong Hiến pháp cùng các đạo luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội nước ta, để tìm xem có quy định nào cho phép Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao được “kết tội” đại biểu Quốc hội là phát ngôn “nguy hiểm”, khi đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình không, nhưng tìm không ra. Phải chăng ông Nguyễn Trí Tuệ tự cho mình cái quyền nhân danh cơ quan xét xử để phán quyết ý kiến của đại biểu Quốc hội – người mà Hiến pháp trao sứ mệnh đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân?”

ĐBQH Lê Thanh Vân lên tiếng sau phát ngôn của Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ.
Trước đó, sau phiên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, với nhiều tình tiết vụ án thiếu sức thuyết phục như: con dao, cái thới mua ở ngoài chợ; dấu vân tay tại hiện trường không phải của Hồ Duy Hải; nghi phạm lớn nhất là Nguyễn Văn Nghị lại không đưa vào hồ sơ vụ án;…, 3 Đại biểu Quốc hội là ĐB Lưu Bình Nhưỡng, ĐB Lê Thanh Vân và ĐB Trương Trọng Nghĩa đã lên tiếng.

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng: “Việc thực hiện ngay một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động xét xử trong vụ án này là rất cần thiết. Tôi nguyện sẽ hết sức mình để thúc đẩy công việc ấy!”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Khi Chánh án TAND Tối cao từng là Viện trưởng Viện KSND Tối cao, là người trực tiếp không kháng nghị vụ việc, mà bây giờ lại ngồi ghế chủ tọa để xét xử thì đương nhiên xã hội, người dân, cử tri có quyền nghi ngờ tính công minh, thiên vị, vô tư của Chánh án TAND Tối cao; nghi ngờ việc mang tính định kiến tư pháp vào ghế chủ tọa”;

“Việc kết luận Hồ Duy Hải có tội là một sự khiên cưỡng”;

“Cần xem lại tính độc lập của nền Tư pháp”.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Vật chứng trong vụ Hồ Duy Hải là cái thớt thì lại được đi mua cái khác giống như vậy. Nếu không đủ chứng cứ thì phải thả ra, tiếp tục theo dõi, thu thập chứng cứ chứ không thể xử ép”.