“Cách ly tiền cũ” chống Corona: Hoảng hồn với sáng kiến của các nhà quản lý kinh tế đại tài
Nghe mà hết hồn, NHNN hôm trước chỉ đạo ngân hàng các tỉnh, thành phố tính toán đưa tiền mới vào lưu thông để giảm rủi ro lây nhiễm của dịch bệnh Corona. Số tiền cũ nhận về từ khách hàng sẽ tạm thời để lưu trong khu vực cách ly…
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, việc thanh toán bằng tiền mặt hiện nay đang chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch ở Việt Nam nhưng cho đến thời điểm này NHNN vẫn chưa có đủ phương tiện để khử trùng tiền mặt. Việc này có thể gây chậm trễ, gián đoạn giao dịch. Đặc biệt là trong bối cảnh diễn biến ngày càng phức tạp của dịch viêm phổi cấp do virus Corona (nCoV) gây ra thì nguy cơ lây nhiễm bệnh khi kiểm đếm tiền cũng là vấn đề đáng quan ngại.
Về “sáng kiến” này, chúng ta nên hiểu rằng tiền là vật trung gian trao đổi trong xã hội, tiền mới in hàng loạt và đưa vào lưu thông, qua tay 2,3 người lại sẽ trở thành tiền cũ và tiếp tục “có khả năng” truyền bệnh, chứ không thể cách ly tiền cũ, in tiền mới rồi “nhốt” nó vào tủ và không đưa vào lưu thông được. Mà đã lưu thông thì dù có thay thế tiền cũ bằng tiền mới là vô nghĩa, là một sự lãng phí khủng khiếp trong bối cảnh đất nước đang chống chọi với đại dịch toàn cầu, cần tập trung mọi nguồn vốn để chiến đấu với dịch bệnh thay vì phục vụ cho một sáng kiến thiếu tính khả thi như thế.
Nói về mặt tài chính, lượng tiền mặt lưu thông mỗi năm vào khoảng 1,1 triệu tỷ đồng. Không biết tới mùa quýt Công Gô nào mới “bắt nhốt” hết tiền cũ khi mà xã hội đang bị đứng hình vì dịch, tiền mặt không có nơi để chi xài. Đó là chưa nói đến, dân đã nghèo, giá cả đã đắt đỏ rồi nay lại in thêm lượng tiền mặt lớn đồng loạt nhồi vào xã hội, gia lực cho lạm phát.
Đó là chưa kể, NHNN đã tung ra lượng lớn tiền mới ngay trước tết Nguyên đán, tạo áp lực lạm phát khủng khiếp thì nay tiếp tục tính đến chuyện “thay mới toàn bộ” và bắt nhốt tiền cũ trong mùa dịch. Nói thẳng, sẽ chẳng giải quyết được gì. Việc in tiền lúc này chỉ làm hàng hóa trở nên đắt hơn, trong khi số lượng hàng hóa sản xuất ra vẫn không đổi, thậm chí giảm mạnh vì người dân ru rú trong nhà. Quyết định này sẽ dẫn đến tình trạng siêu lạm phát, đẩy nền kinh tế đất nước tiến đến đe dọa lớn hơn. Nói về những thảm họa kinh tế từ việc in tiền, thế giới mới đây đã chứng kiến sự sụp đổ của Zimbabwe và Venezuela, đây là hai ví dụ nhãn tiền cho Việt Nam.
Việc bơm tiền vô tội vạ vào nền kinh tế đồng loạt như sáng kiến “hết hồn” này lại càng thảm họa hơn, nó sẽ tích lũy một thứ bong bóng kinh tế khổng lồ, và một khi vỡ, sẽ dẫn đến một sự sụp đổ dây chuyền. Vậy chúng ta có cần chấp nhận đánh đổi như thế? Vì sao phải in tiền mặt khi bài toán cách ly chẳng thể nào giải quyết được? Hay sẽ cho tiền qua tay 2,3 lần rồi lại bắt nhốt để tiền “sạch sẽ” trong lúc chờ “cách ly khử trùng” tiền cũ? Tại sao không phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán điện tử, thanh tóan một chạm, mà lại là in tiền hàng loạt?
Năm ngoái, nhà máy in tiền báo lỗ. Trước đó, suốt giai đoạn 2013 – 2018, lợi nhuận sau thuế của nhà máy này tăng trưởng khá đều đặn qua các năm và đạt 51 tỷ đồng trong năm 2018. Một nguyên nhân chính là tồn kho lên đến 950 tỷ đồng. Nhà máy in tiền là đối tác độc quyền “mẹ bồng con” của NHNN. Lượng tồn kho lớn cho phép người dân nghi ngờ về khả năng đo định và quản trị dòng tiền mặt lưu thông trong xã hội.
Lẽ nào những nhà quản lý tài ba của chúng ta không nhìn ra điều đó, hay cố tình kiếm việc làm cho nhà máy in tiền? Dân cần những não bộ đi trước thời đại chứ không phải những tâm hồn hụt hơi đuổi theo thời đại!
Theo Tâm Bão