Bộ Công thương đang đùa giỡn với Thủ tướng?
Vấn đề an ninh lương thực chưa khi nào được các quốc gia đặt lên cấp thiết như bây giờ. Chiến tranh thì sơ tán, dịch bệnh và mất mùa thì tích trữ. Đó là phản ứng sinh tồn mà bất kể quốc gia nào cũng ưu tiên lên hàng đầu. Nay Việt Nam đang đối diện với cả hai thảm họa thiên tai và dịch bệnh, thì đột nhiên Bộ Công thương lại đi xuất khẩu gạo ồ ạt mà không tích trữ. Trước tình hình trên, Thủ tướng chỉ đạo dừng xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực. Thế nhưng quyết định chưa ráo mực thì Bộ Công thương lại lật kèo, đề nghị tiếp tục xuất.
Ở đây người viết không bàn đến chuyện dừng hay tiếp tục xuất khẩu gạo, mà bàn đến vấn đề cách điều hành, tham mưu của Bộ Công thương.
Trong cuộc họp Chính phủ hôm 23/3, chính Bộ Công thương đã đề xuất việc tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020. Theo Bộ này, mục đích của việc tạm dừng xuất khẩu gạo là nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước.
Đề xuất này của Bộ cũng là một trong những lý do chính để Chính phủ ra lệnh dừng xuất khẩu gạo. Khi chỉ thị được ban hành, ngay lập tức cả hệ thống chính trị từ TƯ đến địa phương phải căng mình chạy đua hết tốc lực với thời gian khi chỉ có chưa đầy 6 giờ đồng hồ để thực thi. Các cấp các ngành đang chuẩn bị thực thi, thì ngay ngày hôm sau cũng chính Bộ Công thương ký tiếp một văn bản đề nghị tạm dừng lệnh dừng này với lý do “Sau khi tiếp nhận phản ánh của một số DN”.
Lạ là Bộ Công thương vội vàng đề nghị cho xuất khẩu gạo bình thường, trong khi Bộ này chưa có trong tay con số dự trữ tại kho Quốc gia và kho của các doanh nghiệp. Chưa biết còn hay hết, còn bao nhiêu nhưng cứ đề nghị cho xuất thì quả là Bộ Công thương đang làm bừa! Làm bừa thế này, nếu cứ cho xuất khẩu gạo đến khi trong nước cạn kiệt nguồn cung ứng liệu người đứng đầu Bộ Công thương có gánh nổi trách nhiệm hay không?
Dư luận đang tự hỏi khi tham mưu cho Thủ tướng ký chỉ thị dừng xuất khẩu thì Bộ Công thương căn cứ vào đâu, dựa vào những số liệu nào, mà sao không căn cứ vào các chỉ tiêu đánh giá sản lượng vụ Đông Xuân, sao không rà soát lại các hợp đồng trước rồi mới ra quyết định kiến nghị Thủ tướng ngừng xuất khẩu gạo? Giờ mọi chuyện đã đâu vào đấy thì Bộ lại nói là cần phải xem xét thực tế này nọ, sao Bộ Công thương – một cơ quan chủ quản về kinh tế lại xem quyết sách có tầm ảnh hưởng quốc gia như trò đùa như thế?
Nếu Bộ Công thương có trách nhiệm, có tinh thần muốn chia sẻ gánh nặng cùng Thủ tướng, muốn giúp người nông dân, vì nền kinh tế nước nhà, thì sẽ không thay đổi 180 độ trong vòng 24 tiếng đồng hồ như thế. Là Bộ ngành quan trọng nhất của đất nước mà lại có những quyết định sáng nắng chiều mưa như thế, thì người dân có quyền lo sợ với cách điều hành, tham mưu và tư vấn để ra những quyết sách ảnh hưởng đến hàng chục triệu nông dân, hàng ngàn DN và tác động mạnh đến xã hội của ông Bộ trưởng.
Chưa kể, rồi đây trên trường quốc tế ai sẽ tin tưởng làm ăn, kinh doanh, sản xuất với Việt Nam khi có ông Bộ trưởng Bộ Công thương thay đổi quyết định như thay áo thế này. Chắc sẽ chẳng ai dám hợp tác phi vụ bạc tỷ với VN nữa, bởi ông Bộ trưởng không kiên định có khi khiến người ta tán gia bại sản cũng nên.
Cấm xuất khẩu gạo trong lúc này để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vì sự no ấm của người dân cả nước là nhiệm vụ quan trọng. Thế nhưng người đứng đầu Bộ Công thương lại xem như một trò đùa muốn đề xuất dừng là dừng, muốn đề xuất tiếp tục là tiếp tục, xem Thủ tướng như con rối muốn giật dây thế nào thì giật, như thế sẽ làm nhân dân mất niềm tin vào lãnh đạo cao cấp. Thiết nghĩ cần phải xem xét lại năng lực của người đứng đầu Bộ Công thương, vì làm việc một cách bất chấp mà không nghĩ đến hậu quả, có như thế người dân mới an tâm đặt trọn niềm tin.
Theo Tâm bão