2018 – Năm của nhân sự chiến lược và loại bỏ tham nhũng (Kỳ 1)
Năm 2018 khép lại với những quyết tâm của Đảng, Bộ Chính trị, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã mang lại những niềm tin mạnh mẽ trong nhân dân về một đội ngũ cán bộ, lãnh đạo trong sạch, vững mạnh.
Năm 2018 là năm mà Đảng phải nỗ lực gấp bội lần so với các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, vì những kẻ giặc nội xâm – lợi ích nhóm, quốc nạn tham nhũng, mô hình gia đình trị… đã và đang làm “tự diễn biến – tự chuyển hóa” không ít cá nhân. Mà thậm chí, những vấn đề này đã được ví von là “khối u ác tính” làm băng hoại chế độ, làm suy vong hệ thống Đảng và niềm tin của nhân dân.
Có thể nói, chống tham nhũng và xây dựng đội ngũ nhân sự chiến lược là một cuộc đấu tranh khổng lồ và là “cuộc tự giải phẫu”, lớn nhất mà nhân dân được chứng kiến. Đây được xem là hành động vô cùng lớn mạnh vì sự sống còn của chế độ, vì danh dự của đất nước và dân tộc.
Kỳ 1: Năm 2018 – Năm của công cuộc phòng chống tham nhũng
“Danh thơm còn mãi, đừng ham chức tước, địa vị, vật chất, tiền tài, nhất là khi có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, lắm kẻ nịnh xu…”. Là sự quyết tâm làm trong sạch bộ máy của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhắn nhủ trong thời gian gần đây nhất khi năm 2018 chuẩn bị đã khép lại.
Xuyên suốt từ năm 2017 tới nay, trong 2 năm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định, phong chống tham nhũng vừa kiên quyết, vừa quyết liệt nhưng cũng rất nhân văn. Bởi hành động “bao che cho cán bộ mới làm mất uy tín của Đảng, làm cán bộ hư hỏng; còn xử lý cán bộ chỉ làm cho Đảng mạnh thêm. Cuộc đấu tranh này càng lấy lại uy tín của Đảng”. Minh chứng cho những lời phát biểu, chỉ đạo mạnh mẽ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đó là danh sách cán bộ bị kỷ luật trong năm qua ngày một “dày thêm”.
Năm 2018 – Năm mà Tổng Bí thư đã nỗ lực loại bỏ những “con sâu” nằm trong “vùng cấm” ra khỏi bộ máy
Với sự kiên quyết, “Khâu nào yếu là phải chỉnh ngay, mắt xích nào hỏng phải thay ngay”, bằng bước ngoặt từ việc việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (T2/2013). Thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về phòng chống giặc “nội xâm”, một trong những quy cơ chính đe dọa sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước.
Tiếp đến là Chỉ thị 50-CT/TW ngày 7/12/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng của Bộ Chính trị; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”.
Về mặt thể chế, Đảng cũng xác định những giải pháp phòng chống tham nhũng một cách toàn diện, đồng bộ trong mọi mặt của đời sống xã hội, từ hoạt động của các tổ chức Đảng đến các lĩnh vực kinh tế -văn hóa – xã hội.
Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp mang tính mạnh mẽ, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng. Quốc hội và Chính phủ cũng đã thực hiện rất tốt việc rà soát, sửa đổi, bổ sinh, ban hành nhiều quy định pháp luật về quản lý kinh tế – xã hội và phòng chống tham nhũng, khắc phục được những bất cập, tiêu cực trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Minh chứng là trong 2 năm vừa qua giữa cấp ủy và Ủy ban kinh tra các cấp đã tiến hành kỷ luật hơn 490 tổ chức Đảng và hàng ngàn đảng viên vi phạm. Trong đó, có một số Đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng và cố ý làm trái. Số cán bộ thuộc Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật là 59 cán bộ, trong đó có 12 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương và 1 ủy viên Bộ Chính trị.
Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nỗ lực không ngừng trong suốt 1 năm qua
Nếu so sánh với năm 2017, thì năm 2018 số cán bộ bị kỷ luật, truy tố trước pháp luật có chiều rộng và nhiều hơn. Trong đó, có rất nhiều cán bộ các ngành, các cấp, từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là hàng loạt các tướng trong ngành công an, quân đội – hai ngành dường như bị coi là “vùng cấm” cũng đã bị xử lý trước pháp luật.
Nếu tính chung từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII thì đến nay đã có gần 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng và cố ý làm trái. Trong đó có nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và được xã hội đặc biệt quan tâm. Về phía tòa án nhân dân các cấp cũng đã tiến hành xét xử sở thẩm 436 vụ án với 1.118 bị cáo về các tội tham nhũng. Qua đó, chuyển qua xử lý hình sự 118 vụ với 355 đối tượng, dự kiến thu hồi về ngân sách nhà nước 65.000 tỷ đồng. Điều này đã cho thấy “sức nóng” của công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua.
Năm 2018, có thể nói đến những cái tên đã bị kỷ luật, thi hành kỷ luật như: Tất Thành Cang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Trương Minh Tuấn; Nguyễn Bắc Sơn; Bùi Quang Vinh; Phan Văn Anh Vũ; Bùi Văn Thành; Trần Việt Tân; Trần Văn Minh; Văn Hữu Chiến; Phan Văn Vĩnh; Nguyễn Thanh Hoá; Phan Thị Mỹ Thanh; Trần Quốc Cường; Lê Phước Hoài Bảo; Lê Phước Thanh; Đinh Văn Thu; Ngô Văn Tuấn; Trần Vũ Quỳnh Anh…
Tất Thành Cang – “củi tươi cũng phải cháy” cuối cùng của năm 2018
Sau hơn 30 năm đổi mới đất nước và vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những thành tựu to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được, chúng ta còn phải đối mặt với nhiều hạn chế yếu kém, khuyết điểm. Trong đó, tình trạng tham nhũng được xác định là một trong những nguy cơ mà dẫn tới sự tồn vong của chế độ.
Với sự quyết tâm ngăn chặn và hành động mạnh mẽ đó, Đảng và Nhà nước đã thực hiện hàng loạt các biện pháp ngăn ngừa và loại bỏ những “con sâu gặm tiền”, ra khỏi bộ máy và phải trả giá cho hành động đó trước pháp luật.
Niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ hiện nay ngày càng được củng cố và tăng cường hơn bao giờ hết. Năm 2018 là năm tạo khí thế phấn khởi, lan tỏa và là động lực để nhân dân tích cực, hăng say trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Năm 2018 là năm ấn tượng nhất của chặng đường đổi mới, khi hàng loạt các sự kiện văn hóa – kinh tế – chính trị – xã hội mà Việt Nam đã đạt được. Tăng tưởng GDP 2018 dự tính cao nhất trong 10 năm qua và cao hơn các nước trong khu vực, khi chúng ta vượt chỉ tiêu đề ra là 6,7% và ước đạt 7%.
(Theo But Danh)