Loại bỏ những cán bộ đi lên bằng ‘chạy chọt’

Trao đổi với Tiền Phong về việc Trung ương sẽ kiểm tra việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, đây là quyết định đúng đắn. Bởi thực tế cho thấy, công tác cán bộ thời gian qua vẫn có dư luận bức xúc về tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, người tài không có cơ hội vào làm việc trong bộ máy.

Vừa qua tại phiên họp thứ 14, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng cho biết, “sẽ kiểm tra việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước”. Là người từng nhiều năm công tác ở Ban Tổ chức Trung ương, ông đánh giá thế nào về quyết định này?

Công tác cán bộ là công việc trọng yếu của Đảng và Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Tuy nhiên, những năm gần đây, trong công tác cán bộ nảy sinh nhiều phức tạp, có hiện tượng tiêu cực, “lợi ích nhóm”. Nhiều vụ việc bổ nhiệm sai quy trình, bổ nhiệm “thần tốc”, bổ nhiệm người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, gây bức xúc trong dư luận. Trước tình trạng này, trung ương đã có nhiều đổi mới, ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm bịt kín các kẽ hở trong công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc một cách quyết liệt và xử lý nghiêm minh các vi phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Lần này, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng quyết định sẽ kiểm tra việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước là một quyết định đúng đắn, được nhân dân đồng tình cao.

Ông đánh giá thế nào về tình trạng “chạy chức, chạy quyền” vừa qua và những hệ lụy của nó đối với sự phát triển của đất nước?

Cái này thì các nghị quyết của Đảng cũng đã đánh giá khá sát rồi. Còn thực tế, lâu nay, trong dư luận vẫn cứ đồn thổi về việc “chạy” một suất biên chế mất bao nhiêu tiền? Muốn lên chức này, chức kia, giá bao nhiêu…? Có dư luận còn nói chạy lên chức “nhỏ” ở cấp cơ sở thôi cũng đến cả trăm triệu (?). Tất nhiên những cái đó mới chỉ là đồn thổi râm ran trong dư luận. Nhưng những đồn thổi đó có xác thực hay không thì cơ quan chức năng cũng cần phải vào cuộc xem xét. Bởi chúng ta vẫn thường nói “không có lửa thì làm sao có khói”… Hơn nữa thực trạng, nhân dân biết cả đấy, chứ không phải không biết đâu.

Số lượng cán bộ được điều động, bổ nhiệm hàng năm là rất lớn. Vậy theo ông có cách nào để việc kiểm tra trong công tác này được hiệu quả?

Nếu thực hiện việc kiểm tra trong cả nước thì Trung ương khó có thể làm hết được. Do đó, theo tôi trước mắt Trung ương nên thành lập một số đoàn, lựa chọn một số địa phương, một số vụ việc mà lâu nay dư luận vẫn nghi ngờ có việc bổ nhiệm không đúng người, bổ nhiệm không trong sáng, bổ nhiệm không đúng quy định để rà soát, kiểm tra. Còn lại giao cho các địa phương, bộ ngành, tự kiểm tra, rà soát đánh giá lại về công tác bổ nhiệm. Sau đó căn cứ vào các báo cáo và phản ánh của dư luận, nếu thấy không đồng tình với kết quả rà soát của các địa phương, cơ quan, đơn vị thì trung ương có thể kiểm tra lại. Như thế thì sẽ bảo đảm được yếu tố khách quan, kịp thời…

Xin cảm ơn ông.

 

“Tôi mong Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng kiểm tra, rà soát một cách công tâm, khách quan và xử lý nghiêm những trường hợp có sai phạm. Nếu không ngăn chặn được tình trạng này thì bộ máy sẽ không có người tài giỏi. Như thế là rất nguy hại”.

 

Ông Lê Quang Thưởng

 

(Theo Tien Phong)