16 cán bộ sỹ quan quốc phòng chỉ đạo sản xuất 54 triệu lít xăng giả ra tòa
Hàng triệu lít xăng Ron92, Ron95 được các bị cáo pha trộn từ nguồn hóa chất rẻ tiền rồi “mua đường” bằng cách chi hoa hồng cao để nhập vào kho của Cục hậu cần Quân khu 7, Bộ Quốc Phòng.
Các bị cáo tại tòa sáng 30-12 – Ảnh: Trịnh Anh Tuấn
Sáng nay (30-12), Tòa án quân sự Quân khu 7 đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với 16 bị cáo trong vụ án “giả mạo trong công tác”, “sản xuất, buôn bán hàng giả” xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô – Bộ Quốc Phòng và một số công ty, đơn vị khác.
16 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó có Trần Văn Đồng (đại tá, phó tổng giám đốc kiêm giám đốc chi nhánh đầu tư xây dựng miền Nam, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Bộ Quốc Phòng); Lê Quang Hiếu Hùng (công nhân viên quốc phòng, chi nhánh đầu tư và xây dựng miền Nam, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô)…
Chi “hoa hồng” để nhập xăng giả vào kho quân đội
Cáo trạng thể hiện trên cương vị là phó tổng giám đốc Công ty Xây dựng Lũng Lô, kiêm giám đốc chi nhánh Lũng Lô miền Nam, Trần Văn Đồng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, làm giả bản sao lục quyết định của tổng tham mưu trưởng về việc nâng bậc lương và phiên quân hàm thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp cho Lê Quang Hiếu Hùng.
Đồng ký quyết định bổ nhiệm Hùng giữ chức vụ “phụ trách trưởng phòng kinh doanh xăng dầu”. Trong khi tổ chức biên chế của chi nhánh Lũng Lô miền Nam không có phòng kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời, Đồng còn chỉ đạo cấp dưới mua quân hàm, quân phục, đặt biển tên, giao ô tô biển quân sự cho Hùng đi giao dịch với các đối tác trong và ngoài quân đội.
Giữa năm 2015, Hùng quen biết Nguyễn Văn Phương (giám đốc Công ty Thái Sơn), Phan Trường Sơn và Lê Minh Anh (tổng giám đốc Công ty Đông Phương). Biết nhà máy Công ty Đông Phương được phép sản xuất Naphtha là sản phẩm của dầu mỏ có thể dùng để pha chế xăng nên các đối tượng bàn nhau pha chế xăng giả từ Naphtha để kiếm lời.
Để phục vụ cho việc sản xuất xăng giả, Hùng mua lại Công ty TNHH Năng Lượng ITAVINA và đổi tên thành Công ty Vạn Xuân.
Các bị cáo tại tòa – Ảnh: Trịnh Anh Tuấn
Thông qua các mối quan hệ, Hùng liên hệ Công ty cổ phần Vật tư giao thông là thương nhân đầu mối được phép pha chế xăng để làm trung gian mua Naptha của Công ty Đông Phương rồi bán lại cho các công ty do Hùng giới thiệu.
Mặt khác, Hùng bàn bạc, thỏa thuận với Phan Hữu Phúc – thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên thống kê của kho VK102 Cục hậu cần Quân Khu 7 – về việc pha chế xăng giả bằng cách pha trộn dung môi Naptha với các loại hóa chất nhằm tăng Ron.
Công ty Vạn Xuân của Hùng có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ hợp thức hóa đầu vào là xăng Ron 92, Ron 95. Mỗi lít xăng giả nhập vào kho của Cục hậu cần, Hùng chi cho Phúc 300 đồng.
Sau khi thống nhất với Hùng, Phúc đã bàn bạc với Nguyễn Minh Nhân là thượng tá, chủ nhiệm kho VK102. Ngày 27-10-2015, Nhân đã ký hợp đồng tiếp nhận giữ hộ và bơm rót xăng dầu với công ty Vạn Xuân, đồng thời giao cho Phúc chịu trách nhiệm về hồ sơ, chất lượng hàng hóa…
Các loại hóa chất sau khi nhập vào kho VK102 được pha trộn thành xăng rồi xuất bán ra thị trường.
Tiêu thụ hết hàng triệu lít xăng giả
Nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng trong việc mua bán, vận chuyển dung môi để pha chế xăng giả, các đối tượng thống nhất phương án Công ty Đông Phương sẽ ký hợp đồng, xuất hóa đơn chứng từ bán Naptha cho doanh nghiệp thương nhân đầu mối có chức năng pha chế xăng hoặc doanh nghiệp quân đội làm kinh tế.
Toàn cảnh phiên xét xử – Ảnh: Trịnh Anh Tuấn
Tuy nhiên trên thực tế, dung môi Naptha sẽ được Công ty Đông Phương thuê tàu vận chuyển từ Công ty Đông Phương về kho VK102 giao cho Công ty Vạn Xuân.
Hùng thuê các đối tượng hướng dẫn công thức, giới thiệu, tìm mua các loại hóa chất để pha trộn làm tăng trị số Octan (Ron) để làm giả xăng Ron92 hoặc Ron95. Sau đó chỉnh sửa hồ sơ từ hàng hóa dung môi thành xăng, lấy tư cách pháp nhân là Công ty Vạn Xuân để bán ra thị trường.
Sau hai lần pha chế xăng Ron92 bằng hóa chất Toluen và hỗn hợp không đem lại hiệu quả vì hóa chất phải dùng nhiều, việc pha trộn thực hiện ngay trong khi kho VK102 nên khó khăn… Hùng và các đối tượng thống nhất nhờ Trần Anh Việt cung cấp hóa chất từ T.Q, có khả năng làm tăng chỉ Ron mạnh.
Các đối tượng đã pha trộn dung môi Naptha, Solmix… với hóa chất NMA và bột màu tạo thành 50 triệu lít xăng giả Ron92 và Ron 95
Kết quả định giá cho thấy 54 triệu lít xăng giả mà các bị cáo sản xuất có giá trị tương đương với hàng thật là hơn 850 tỉ đồng.
Từ tháng 10-2015 đến tháng 10-2017, các bị cáo khác trong vụ án đã lợi dụng danh nghĩa chi nhánh Lũng Lô miền Nam, Công ty Vật tư giao thông, Công ty Vĩnh Phong…ký các hợp đồng mua bán với hai Công ty Đông Phương và Công ty cổ phần XNK tổng hợp miền Nam nhằm mục đích hợp thức hóa hồ sơ vận chuyển, che giấu nguồn đầu vào để Công ty Vạn Xuân sử dụng hơn 52 triệu lít các loại dung môi làm giả hơn 54 triệu lít xăng.
Toàn bộ số xăng giả này được nhập vào kho VK102/ Cục hậu cần Quân khu 7 và kho VK102 Thanh Lễ. Toàn bộ số xăng giả này đã được bán hết ra thị trường.
Kết quả điều tra cho thấy Công ty Vạn Xuân không phải là thương nhân đầu mối, chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng, không đủ điều kiện pha chế xăng.
Ngoài ra, Hùng, Phương đã có hành vi làm giả hồ sơ hàng hóa để thế chấp vay vốn tại ngân hàng nhằm lấy tiền sử dụng vào việc sản xuất, buôn bán xăng giả. Các bị cáo đã chiếm đoạt của các nhân ngàng NVB, Lienviet, VietinBank số tiền hơn 500 tỉ đồng.
Ngoài 16 bị cáo bị xử lý, có hàng loạt cán bộ thuộc Cục hậu cần Quân khu 7, cán bộ và nhân viên thuộc kho VK102/ Cục hậu cần Quân khu 7… bị cơ quan điều tra kiến nghị xử phạt hành chính
Tuổi Trẻ