Có phải sai lầm trong cách ly khiến du thuyền ở Nhật Bản biến thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất ngoài TQ?

Một số chuyên gia về y tế trên thế giới cho rằng chính sai lầm nghiêm trọng trong việc cách ly đã khiến con tàu Diamond Princess trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới nằm ngoài Trung Quốc đại lục.

Sáng 20/2, Đài truyền hình NHK của Nhật Bản dẫn nguồn tin từ chính phủ cho biết 2 du khách trên tàu Diamond Princess đang bị cách ly vì virus Covid-19 đã tử vong. 2 người này gồm 1 cụ ông và 1 cụ bà trong độ tuổi 80. Một số nguồn tin cho rằng họ là công dân Nhật Bản.

Ngoài ra, theo Kyodo News, hiện trên tàu Diamond Princess đang có 29 trường hợp bệnh nhân ở trong tình trạng nguy kịch. Trong số đó, có 1 trường hợp từng cho kết quả âm tính với virus Covid-19. Tính tổng từ ngày Diamond Princess bị cách ly, con tàu này đã có 621 trường hợp âm tính với virus Covid-19, 79 trường hợp mới được xác nhận ngày 19/2. Đặc biệt hơn, 68/79 trường hợp nhiễm bệnh mới không có biểu hiện triệu chứng nhiễm bệnh.

Tàu Diamond Princess chở tổng cộng 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các hành khách trên tàu được yêu cầu ở yên trong cabin từ ngày 5/2 để hạn chế sự lây lan của virus Covid-19. Đến nay, sau thời hạn 14 ngày cách ly, rất nhiều hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được trở về nhà.

Nhóm hành khách đầu tiên rời khỏi Diamond Princess từ ngày hôm qua (19/2). Hôm nay, sẽ có khoảng 500 hành khách dự kiến được rời du thuyền. Nhóm 106 hành khách Hongkong trên du thuyền kể trên đã về đến đặc khu và tiếp tục bị cách ly thêm 14 ngày. Các quốc gia khác cũng đang bắt đầu sơ tán công dân của mình về nước sau 14 ngày cách ly tại ‘ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc’. Nhiều người đang chỉ trích các chiến dịch sơ tán người khỏi tàu Diamond Princess bởi dù đã được cách ly 14 ngày thì vẫn có lo ngại rằng họ chưa chắc đã không nhiễm Covid-19. Nhiều chuyên gia gần đây cho biết có khả năng Covid-19 ủ bệnh tới 24 ngày.

Lỗ hổng cách ly lớn?

Dù các cơ quan chức năng của Nhật Bản cho rằng tàu Diamond Princess đã được thực hiện các biện pháp kỹ lưỡng ngằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 thì vẫn có rất nhiều chuyên gia ở cả trong và ngoài nước này phản bác lại luận điểm nói trên.

Nổi tiếng nhất trong số đó là chuyên gia về dịch tễ học, giáo sư người Nhật Bản tại Đại học Kobe – ông Kentaro Iwata. Vị giáo sư này đã đến thăm Diamond Princess và tuyên bố tự cách ly 14 ngày sau khi đi khảo sát du thuyền vì quá kinh hãi trước các biện pháp chống dịch ở đây.

Trong một thông điệp bằng video, ông đã mô tả nỗi sợ của mình khi bước lên tàu Diamond Princess. Ông nói: ‘Những gì mà tôi chứng kiến thực sự đáng sợ. Tôi đã làm công việc về dịch tễ học hơn 20 năm và từng ở châu Phi trong thời dịch Ebola, ở Trung Quốc trong thời dịch Sars hoành hành và dĩ nhiên tôi biết có nguy cơ lây nhiễm khi đến tàu Diamond Princess. Nhưng khi ở còn tàu này thì tôi cảm thấy nỗi sợ hãi từ tận đáy lòng. Tôi nhận ra rằng khi ở đây thì hoàn toàn có khả năng bị lây nhiễm virus Covid-19’.

Giáo sư Kentaro Iwata cho biết thêm tại bất kỳ nơi đâu có người bị nhiễm bệnh thì đều có sự phân chia rõ ràng ‘vùng đỏ’ là nơi có thể lây nhiễm và phải mặc quần áo bảo vệ và ‘vùng xanh’ là khu vực an toàn, có thể mặc quần áo bình thường. Tuy nhiên, trên tàu Diamond Princess thì các khu ‘màu xanh’ và ‘màu đỏ’ này bị lẫn lộn với nhau, hoàn toàn không thể biết đâu là nơi an toàn, đâu là nơi nguy hiểm. Ngoài ra, ông còn cho biết trên tàu mọi người mặc các bộ quần áo khác nhau, một số mặc đồ bảo hộ, một số đeo mặt nạ còn một số khác lại không. Sau khi đăng tải và nhận được rất nhiều quan tâm của người dân, giáo sư Kentaro Iwata đã xóa video chỉ trích nói trên vì được thông báo tình trạng cách ly trên tàu đã được cải thiện.

Cùng với đó, theo ông Shigeru Omi – cựu giám đốc khu vực của WHO thì việc cách ly trên tàu Diamond Princess chủ yếu được áp dụng với hành khách. Các thủy thủ đoàn vẫn ở chung, ăn uống chung và tiếp tục phục vụ khách. Đó là lý do giải thích việc một số người trong số thủy thủ đoàn bị nhiễm Covid-19 ngay cả khi quá trình cách ly đã bắt đầu.

Ngoài ra, một số hành khách trên tàu Diamond Princess đã mô tả nó như một ‘nhà tù nổi trên biển’ nhưng vẫn được phép đi lại trên boong tàu mỗi ngày khi đeo khẩu trang, đeo găng tay… Tiến sĩ Paul Hunter – giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia nghi ngờ về việc Nhật Bản cách ly hành khách và thủy thủ đoàn ngay trên con tàu mà không phải trong đất liền. Ông cho biết: ‘Thật khó để cách ly tại môi trường trên tàu. Nếu hành khách được cách ly trên đất liền thì sẽ có nhiều không gian hơn cho việc kiểm soát lây nhiễm’. Còn giáo sư Arthur Caplan thì cho biết: ‘Tàu thuyền là nơi có tiếng nuôi dưỡng virus’.

Buses arrive at Yokohama Port, near Tokyo, as the Japan Self-Defense Forces prepare to move American passengers from the quarantined Diamond Princess cruise ship on Sunday.
Hiện tại, với số lượng trường hợp nhiễm bệnh khổng lồ và đã có người tử vong, tàu Diamond Princess đã trở thành ổ dịch virus Covid-19 lớn nhất thế giới nằm ngoài Trung Quốc đại lục. Tiến sĩ Nathalie Macdermott – chuyên gia về dịch bệnh tại Đại học King (một trong những đại học danh giá nhất của Anh) cho rằng: ‘ Rõ ràng các biện pháp kiểm dịch trên tàu không có tác dụng và giờ nó trở thành nguồn lây nhiễm’.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng của Nhật Bản đang phản bác lại các chỉ trích về việc cách ly thất bại trên tàu Diamond Princess. Bộ trưởng bộ Y tế Nhật Bản cho biết: ‘Chúng tôi đang kiểm soát được dịch bệnh trên tàu. Bất kỳ ai có triệu chứng thì không chỉ người đó mà cả người tiếp xúc gần cũng được chăm sóc y tế và khuyến cáo tránh xa người khác. Chúng tôi đã cử chuyên gia y tế giám sát tình hình trên tàu’.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản – Yoshihide Suga cũng cho rằng: ‘Kể từ ngày 5/2, các biện pháp cách ly đã được thực hiện kỹ lưỡng nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Chúng tôi đã cố hết sức và đưa ra hành động tốt nhất để ngăn chặn lây nhiễm’.

VNReview