Xử lý nghiêm những “chuyến tàu vét” lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ”
Hiện Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã vào cuộc thanh tra toàn diện việc ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam ký 76 quyết định bổ nhiệm cán bộ trước khi nghỉ hưu, tuy nhiên sự việc cũng dấy lên lo ngại về những “chuyến tàu vét” trước khi “hạ cánh” an toàn của một số cán bộ lãnh đạo.
Gần đây, dư luận xôn xao trước việc ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ký 76 quyết định bổ nhiệm cán bộ trong Tổng công ty thời điểm trước khi nghỉ hưu.
Hiện Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã vào cuộc thanh tra toàn diện, tuy nhiên sự việc cũng dấy lên lo ngại về những “chuyến tàu vét” trước khi “hạ cánh” an toàn của một số cán bộ lãnh đạo.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Bình.
PV: Thưa ông, việc bổ nhiệm cùng lúc hơn 70 người khi thời gian nghỉ hưu chỉ còn ít ngày như vậy đã khiến dư luận không khỏi hoài nghi. Quan điểm của ông về vấn đề này?
ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Hiện tượng bổ nhiệm cán bộ sai quy định như một loạt vụ việc đã được báo chí, cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra các bộ, ngành phát hiện thời gian gần đây đã gióng lên một hồi chuông về công tác cán bộ. Trung ương đã có Nghị quyết, các cơ quan cũng đang triển khai rà soát, đánh giá nhưng vừa rồi một vài vụ việc vẫn tiếp diễn, gây bức xúc cho dư luận, người dân và cán bộ, đảng viên. Nhất là việc người sắp về hưu bổ nhiệm một lúc nhiều cán bộ.
Hành động bổ nhiệm cán bộ là công tác thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo, nhưng rõ ràng ở những thời điểm nhạy cảm sẽ tạo dấu ấn không tốt, đem lại hoài nghi cho xã hội.
Theo đánh giá của bản thân tôi, để xảy ra việc này là do người lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thấy hết ý thức, trách nhiệm của mình. Việc triển khai tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của cấp trên về công tác cán bộ chưa thực sự quyết liệt, thấu đáo. Đối với các hoạt động bổ nhiệm ở thời điểm nhạy cảm phải làm thận trọng, chặt chẽ, bài bản và đúng quy định, tránh gây hiểu lầm cho dư luận.
Như trường hợp ở ACV, bổ nhiệm ở thời điểm sắp nghỉ hưu và bổ nhiệm tới hơn 70 cán bộ, tôi cho rằng, việc làm đấy thiếu thận trọng, chưa thấu đáo. Bổ nhiệm cán bộ là việc làm thường xuyên thôi, nhưng tại sao lại làm dồn dập? Tất nhiên sau này cơ quan thanh tra sẽ kết luận cụ thể, nhưng hiện tượng này sẽ để lại điều tiếng không tốt.
PV: Đại diện ACV cho rằng, việc bổ nhiệm đúng quy trình và là quyết định của cả tập thể. Nhưng ở thời điểm nhạy cảm như vậy, dư luận có quyền đặt dấu hỏi, liệu có bình thường không…?
ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Rõ ràng chỗ nào cũng báo cáo là đúng quy trình cả. Kể cả những vụ việc đã kiểm tra và xác định là có sai phạm thì cũng báo cáo đúng quy trình. Quy trình ấy là do ai? Quan trọng nhất là anh tạo ra dư luận xã hội không đồng tình. Công tác cán bộ không phải làm ngày một ngày hai, trong cơ quan cũng có người trước, người sau. Thiếu chức danh nào thì kiện toàn chức danh ấy và làm thường xuyên chứ sao lại phải gom vào một thời điểm. Giải thích là đúng quy trình mà phải làm trong một thời điểm với số cán bộ quá đông như thế, tôi cho rằng không thuyết phục dư luận xã hội.
PV: Vừa qua, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá Lê Như Tuấn cũng ký hàng loạt quyết định trước khi về hưu, và đã có ít nhất 4 quyết định bổ nhiệm trái quy định bị bãi bỏ, ông Tuấn đang bị đề nghị kỷ luật. Như vậy lo ngại “chuyến tàu vét” là có thật, thưa đại biểu?
ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Dấu hiệu trước khi nghỉ hưu làm cái này cái khác, nhất là công tác cán bộ thường nhạy cảm, không dễ chứng minh được sự nghiêm ngắn. Sau khi nghỉ hưu thì trách nhiệm để lại cho người ở lại.
Theo tôi, quy trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ của Đảng, Chính phủ và mỗi cơ quan, đơn vị đều rõ ràng rồi. Phải xây dựng các tiêu chuẩn, yêu cầu đặt ra với từng chức danh, số lượng cấp trưởng, cấp phó ở từng vị trí, chức danh… Quy định về quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đều có các bước cụ thể. Khuyết chức danh nào thì người đứng đầu ở đơn vị ấy phải làm thủ tục để đề bạt, bổ nhiệm, không tạo ra gì đấy khác biệt để người ta nghi ngờ, đánh giá.
Qua những sự việc như thế thấy rằng trách nhiệm là ở người đứng đầu. Người lãnh đạo phải công tâm, khách quan, vô tư, phát huy dân chủ trong cơ quan, đơn vị. Còn nếu dân chủ bị hạn chế, tập thể lãnh đạo và cán bộ công chức, viên chức không có tiếng nói thì sẽ dễ dẫn tới sai phạm, việc này việc kia.
Nhưng bên cạnh trách nhiệm của người đứng đầu thì cũng phải có trách nhiệm của tập thể, cấp uỷ và từng cán bộ, đảng viên. Cấp uỷ, tập thể các cơ quan, đơn vị khi thấy hiện tượng bất thường, thấy công tác cán bộ được làm rầm rộ như vậy thì anh phải có tiếng nói, tham gia góp ý với cán bộ lãnh đạo.
Kể cả các cán bộ công chức, đảng viên cũng có trách nhiệm tham gia giám sát… Có gì khuất tất, không đúng thì anh có quyền đề xuất quan điểm, ý kiến. Nếu cơ quan, đơn vị không đồng tình thì có thể đề nghị lên cơ quan cấp trên. Nếu có sai phạm nhưng tập thể, cơ quan đơn vị không có ý kiến thì sẽ dẫn tới sai phạm chung của toàn thể cơ quan…
PV: Việc bổ nhiệm ồ ạt trước lúc nghỉ hưu không phải hiện tượng mới, trước đó, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, ông Vũ Huy Hoàng ở Bộ Công Thương… cũng từng bị xử lý kỷ luật do bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, hoặc mắc sai phạm khi sắp nghỉ hưu. Nhưng dường như chuyện này vẫn cứ lặp lại thưa ông?
ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Việc xử lý đương nhiên chỉ được thực hiện sau khi phát hiện sai phạm, sau khi hậu quả đã xảy ra. Phát hiện muộn thì xử lý muộn, có thể sau hàng tháng hoặc hàng năm. Vấn đề ở đây theo tôi là việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu và người giới thiệu, đề bạt bổ nhiệm cán bộ chưa rõ ràng, chưa thể hiện tính răn đe.
Quan trọng nhất hiện nay là kỷ luật về Đảng, cần phải mạnh tay hơn nữa. Đó là danh dự, uy tín chính trị của một con người. Mà kỷ luật về Đảng thì phải kỷ luật nghiêm minh, mới răn đe được cán bộ. Hiện nay cũng còn có tình trạng nể nang, kỷ luật chưa đúng mức, kỷ luật một người nhưng chưa răn đe được nhiều người.
PV: Xử lý kỷ luật là hết sức cần thiết, khi phát hiện cán bộ sai phạm. Nhưng phòng ngừa và ngăn chặn mới là quan trọng, ông có thêm giải pháp nào khác không?
ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Công tác thanh tra, kiểm tra phải được tăng cường, tiến hành thường xuyên và phát hiện, xử lý kịp thời sai phạm trong công tác cán bộ. Phát hiện sớm, phát hiện ngay sau khi sự việc xảy ra.
Nếu đưa vào bộ máy Nhà nước những cán bộ không đủ tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất thì còn kéo lùi cả bộ máy cơ quan, đơn vị ấy xuống. Cả phong trào, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị chứ không chỉ đơn giản là việc rút lại hay huỷ bỏ một vài quyết định của người này, người kia.
Thêm nữa, mỗi cơ quan, đơn vị cần có quy chế về đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo đặc thù, có yêu cầu cụ thể. Số lượng trưởng phòng, phó phòng, cấp lãnh đạo ở từng bộ phận là bao nhiêu; cách thức, quy trình đề bạt, bổ nhiệm… phải thực sự dân chủ, phát huy được trí tuệ của tập thể, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cán bộ, đảng viên. Đòi hỏi tổng thể các nội dung công việc ấy thì sẽ đem lại hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: CAND