Virus không lây cho vợ mà lây cho hàng xóm và chị dâu – Chuyện nghiêm túc chứ không phải đùa

Sáng nay, có thêm 2 đồng chí mắc Covid mới, nhưng lại có thêm 4 đồng chí ra viện, tức là VN đã có 50% số người được chữa khỏi. Đây thực sự là tin để cho chúng ta lạc quan.

Tại cuộc họp BCĐ Quốc gia về dịch bệnh sáng nay, từ 2 bệnh nhân 237 và 243 không xác định được nguồn lây, Bộ Y tế cho rằng đã có lây nhiễm cộng đồng. Lúc này, thực sự là lo ngại khi có chắc không phải là một F0 “lang thang” như Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Nhưng mình còn nhận thấy có những vấn đề về dịch bệnh này ở Việt Nam rất khác với đánh giá ban đầu: Khi dịch mới bùng phát ở Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng virus Vũ Hán “kiêng” trẻ em, “né” phụ nữ. Tuy nhiên, ngay khi đến Việt Nam, một cháu bé 3 tháng tuổi đã bị nhiễm virus này, sau đó có thêm 1 cháu bé 9 tuổi vừa ra viện hôm qua và chiều qua, nghi ngờ (đã cách ly) 1 bé 4 tuổi. Như vậy, virus Vũ Hán không hề kiêng nể trẻ em. Số phụ nữ mắc cũng không ít.

Tuy nhiên, một điều nữa, tưởng buồn cười, nhưng thực sự là vấn đề dịch tễ đáng lưu ý: COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nên lây truyền rất mạnh và thông thường là người thân gần trong gia đình sẽ bị lây trước. Nhưng đã có nhiều trường hợp không lây cho người trong gia đình, trong khi lại lây cho hàng xóm.

Trước đây ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) đã có trường hợp cháu bé 3 tháng tuổi lây từ hàng xóm, nhưng mẹ cháu chăm bẵm cháu suốt, kể cả khi ở BV, mà không hề bị lây từ cháu. Hoặc 2 cặp vợ chồng người Anh đi du lịch, 2 bà vợ không lây dù 2 ông chồng bị. Mới nhất là bệnh nhân ở Mê Linh, mặc dù người vợ có khá nhiều bệnh nền, nhưng vẫn không bị lây từ chồng, trong khi hàng xóm (và chị dâu) lại lây (Tôi không rõ chị dâu ở cùng nhà hay ở cạnh, vì không có thông tin).

Dù muốn dù không, thì đây vẫn là vấn đề nghiêm túc được đặt ra như có phải những người phụ nữ đó có kháng thể gì với COVID-19, nhất là khi PGS.TS Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương, vừa cho biết: Virus corona chủng mới ở Việt Nam đã biến đổi thành các biến thể khác hẳn nhau và hoàn toàn không giống virus ban đầu gây bệnh viêm phổi ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Tại sao đây không phải là lúc các nhà khoa học y tế Việt Nam vào cuộc?

Nói thêm, trước thông tin này, không ít người dân đã đặt ra câu hỏi: Tại sao vợ của bệnh nhân 243 – người sinh hoạt sát sao nhất bên cạnh – không sao, trong khi chị dâu và hàng xóm – những người tần suất tiếp xúc thấp hơn – lại mắc Covid-19?

Mới đây, bác sĩ Trần Văn Phúc – hiện công tác tại BV Xanh Pôn – đã có bài viết trên trang cá nhân để giải thích về vấn đề này. Theo anh, đây không phải là một chuyện gì khó hiểu trong y học. Mấu chốt của mọi chuyện nằm ở căn bệnh Lupus ban đỏ mà người vợ đã nhiễm trong vòng 12 năm qua.

“Nguyên do người vợ không lây, là bởi tiền sử của người phụ nữ này mắc bệnh Lupus ban đỏ hệ thống đã 12 năm, mà bệnh này được bác sĩ kê đơn thuốc chloroquine hoặc hydroxychloroquine”, anh viết. Đây cũng là loại thuốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn để điều trị bệnh COVID-19, trước khi bị chính FDA bác bỏ.