Tính giá đất: một thông tư, 120 điểm vướng mắc

Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết thông tư 36 có đến 120 điểm vướng mắc, nếu không sửa thì rất khó thực hiện.

Tính giá đất: một thông tư, 120 điểm vướng mắc - Ảnh 1.
Hội nghị diễn ra trong ba ngày, và sẽ bế mạc vào chiều nay 6-7 – Ảnh: TỰ TRUNG

Trong phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 17 (diễn ra sáng 6-7), có tới 50 lượt ý kiến góp ý liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó chỉ ra nhiều hạn chế và cả các giải pháp.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho biết, thời điểm này công việc đang dựa vào hai luật chính để tham mưu là Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường. Nhưng bản thân hai luật này qua quá trình thực hiện đã thể hiện nhiều bất cập cần sửa chữa. Bởi vậy triển khai công việc khi chờ sửa luật sẽ có những khó khăn nhất định.

Liên quan đến việc tính giá đất, ông Thắng chia sẻ thêm: hiện nay tính giá đất là dựa vào thông tư 36. TP.HCM đã có 22 văn bản, nêu 120 điểm vướng của thông tư này mà nếu không sửa thì rất khó thực hiện, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới tiếp thu được 50 điểm vướng.

“Bởi vậy rất khó cho chúng tôi trong giai đoạn này, phải thận trọng. Chúng tôi cũng cố gắng không vì quá thận trọng mà làm chậm công việc của thành phố”, ông Thắng nói.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Xuân Cường thì nêu vấn đề ở một góc độ khác. Đó là việc phối hợp giữa các cơ quan với nhau. Khi gửi văn bản xin ý kiến, theo quy định quá bao nhiêu ngày mà không có ý kiến thì coi như đồng ý.

Nhưng tới khi xảy ra chuyện thì việc truy cứu trách nhiệm lại không được rõ ràng. Thành ra đơn vị nào từ đầu thiếu trách nhiệm, không có ý kiến, thì cuối cùng lại không phải chịu trách nhiệm gì.

Ông Nguyễn Thành Chung, Bí thư Quận ủy quận Tân Phú nêu dẫn chứng khác về mâu thuẫn trong các quy định.

Theo ông Chung, việc bồi dưỡng chính trị cho cán bộ và các đối tượng khác là việc rất cần thiết. Nhưng theo quy định hiện nay, ở các phường xã cán bộ không chuyên trách mà muốn được đi học thì phải nằm trong quy hoạch. Mà muốn nằm trong quy hoạch lại phải có trình độ. Như vậy là hơi mâu thuẫn.

“Cần đưa ra chuẩn của việc này”, ông Chung nói.

Ông Nguyễn Thành Chung cũng cho rằng 70% sinh hoạt chi bộ chưa hiệu quả, còn qua loa. Ông Chung nói: “Việc này cần chấn chỉnh, vì sinh hoạt chi bộ không chất lượng sẽ thể hiện sự đáh mất vai trò lãnh đạo của mình”.

Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận Trịnh Xuân Thiều nêu thực trạng, việc phát biểu trong tổ chức thì ít đi, thay vào đó là nói ở bên ngoài, là việc rất nguy hiểm.

Chiều nay, các đại biểu tiếp tục phần thảo luận tại hội trường, sau đó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân sẽ phát biểu bế mạc hội nghị Thành ủy.

Đột phá mà phải theo trình tự thủ tục thì rất khó

Ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP, phân tích về vướng mắc nổi cộm trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp.

Ông Năng nói: “Đột phá mà theo trình tự, thủ tục thì rất khó. Kể cả áp dụng Nghị quyết 54 vẫn chưa thể tháo gỡ những vướng mắc mà TP đang gặp phải.

Ví dụ, UBND TP triển khai quyết liệt khoán xe công nhưng cũng bị vướng quy định chung nên kế hoạch này bị dừng lại. Như vậy thì làm sao mà đột phá?”.

Theo Tuổi Trẻ