Thủ tướng chỉ đạo ngừng XK gạo, cớ sao Bộ Công thương phản đối, đòi tiếp tục bán gạo thì lấy gì cho dân ăn?

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến thất thường và ngày càng phức tạp, ngày 23/3 sau phiên họp với lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương, Người đứng đầu Chính phủ đã lập tức ra quyết định dừng xuất khẩu gạo, “dành tích trữ cho dân”. Quyết định hầu như có hiệu lực ngay lập tức kể từ 0h ngày 24/3, cho thấy sự quyết liệt của Thủ tướng trong vấn đề an ninh lương thực, đảm bảo gạo cho dân bất kể có hy sinh lợi ích kinh tế.

Quyết định ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của người dân cả nước, bởi lẽ những ngày này, ai là con dân Việt Nam đều lo lắng khi đất nước rơi vào cơn đại dịch toàn cầu, các cường quốc châu ÂU, Anh, Mỹ thậm chí phải ban bố tình trạng thảm họa, thực phẩm khan hiếm là mối đe dọa cho toàn cầu. Hơn thế nữa, mặt dù là nước nông nghiệp, nhưng “vựa lúa” ĐBSCL lại rơi vào tình trạng hạn mặn hết sức khốn đốn, nguy cơ mất trắng vựa lúa sắp tới không phải chỉ là tưởng tượng nữa. Sẽ ra sao nếu cơn đại dịch này kéo dài đến hết năm, thậm chí qua năm sau? Sẽ ra sao nếu ĐBSCL khô cạn, những cánh đồng sắp tới mùa thu hoạch lại lăn đùng ra “chết”? Và sẽ ra sao nếu cứ vì bài toán kinh tế mà ta tiếp tục XK gạo, đến lúc không còn dự trữ, dân ta lấy gì để duy trì sự sống? Hay một nạn đói kinh hoàng như năm 45 sẽ tái diễn lần nữa?

Những điều này liệu Bộ Công thương – cơ quan chủ quản về kinh tế có nghĩ đến không? Khi hôm 24/3, Bộ này đã có văn bản “đòi” Thủ tướng cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo? Lý do đưa ra là các ông cần thời gian đánh giá sản lượng thực tế vụ Đông Xuân, rằng phải đảm bảo các hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như xem lại lượng tồn kho thực tế của doanh nghiệp.

Hài thật, vậy dân chúng tôi muốn biết, một Bộ ngành đồ sộ quản lý XNK mà những vấn đề này không nắm được, cần thời gian dài để tính toán lại. Trong khi đó, Thủ tướng dù trăm công nghìn việc lo đối phó đại dịch, chỉ đạo toàn diện các bộ ngành và bộ máy chính quyền địa phương hoạt động vẫn có thể nắm số liệu, thông tin đầy đủ và ra quyết định tức thời trong thời khắc quan trọng. Bộ Công thương, không biết quý Bộ có hổ thẹn không?

Chẳng lẽ các ông chỉ biết bán và bán, còn tình hình trong nước ra sao mặc kệ ư? Dịch Covid-19 diễn ra bao lâu rồi, mà mấy người chẳng những không quan tâm vấn đề thiếu lương thực trong nước, lại đi đẩy mạnh xuất khẩu gạo thậm chí vượt trội hơn năm trước, các ông nếu không điên thì chỉ là những kẻ hại nước hại dân, vì thành tích, lợi ích trước mắt mà cái gì cũng dám bán. Các ông chỉ biết đến bài toán kinh tế, thế còn bài toán an ninh lương thực, đảm bảo đời sống cho dân trong bối cảnh đại dịch toàn cầu diễn biến phức tạp các ông giải quyết sao?

Quyết định NGỪNG XUẤT KHẨU GẠO được đánh giá là một sự đánh đổi vô cùng khó khăn vì liên quan đến khả năng cầm cự của nền kinh tế, về thu nhập ngân sách dùng để vận hành và thậm chí chống đỡ đất nước trong mùa đại dịch khi mà hàng loạt DN trong và ngoài nước đóng cửa, số lượng người lao động mất việc hoặc chờ trợ cấp đột ngột leo dốc thẳng đứng đồng thời gánh nặng ngân sách ngày càng khủng khiếp khi vận hành hệ thống cách ly, chữa bệnh cho dân HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ như hiện nay. Nhưng rất xứng đáng có phải không?

Bài học nhiệt điện than chưa đủ để Bộ Công thương sáng mắt sao? Trước thì VN đào than lên bán cho TQ với giá cực rẻ, rồi ngay lập tức nhập về với giá chênh hàng chục lần vì không có than trong nước dùng. Nay thì dốc hết gạo trong nước đem bán với giá rẻ, đến khi dân đói, không có lương thì thì đi năn nỉ để nó bán lại với giá trên trời, cao hàng chục lần để ăn chênh lệch nữa hay sao?

Quốc gia lâm nguy, thất phu hữu trách, nhưng lại càng đáng trách hơn nữa với những cán bộ có chức có quyền mà chỉ nghĩ đến thành tích, đến lợi nhuận mà đi ngược lại lợi ích của người dân.

Tâm Bão