Thủ tướng ban hành “vũ khí” dẹp bỏ “sân sau của quan chức”, sẽ có không ít vị ra trước vành móng ngựa trong nay mai
Cách đây đúng một tháng, ngày 1 tháng 7 năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Nghị định này được cho là “vũ khí” hữu hiệu để dẹp bỏ các doanh nghiệp “sân sau”, chống tham nhũng. Liệu có dẹp nổi?
Doanh nghiệp “sân sau” từ đâu ra?
Với dư luận trong nước, nhiều năm qua, khái niệm “sân sau” không còn xa lạ gì. Đây thực chất là “loại mô hình” để một số quan chức biến chất trong bộ máy nhà nước trục lợi, thông qua việc nắm giữ cổ phần sở hữu được che giấu nhằm ăn chia lợi nhuận một cách thường xuyên từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Nói một cách nôm na là “doanh nghiệp dùng tiền nuôi quan chức và quan chức dùng quyền bảo kê cho doanh nghiệp”.
Vậy những doanh nghiệp này xuất hiện từ khi nào, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng nhớ lại:
“Vấn đề “sân sau” của các quan chức bắt đầu nổi lên từ những năm 2009 – 2010. Đến năm 2012 nó chính thức được nêu ra bởi một trang web không hề chính thức tên “Quan làm báo”. Trang này chuyên chĩa vào “sân sau” của các quan chức; chỉ trích, tố cáo “sân sau” của các quan chức.”
Ông Phạm Chí Dũng cũng nêu nhận xét của ông rằng càng về sau này chính trường VN càng lộ ra một đặc điểm rất lớn là một số quan chức từ cao cấp xuống đến trung cấp đều có sân sau. Có nghĩa là đã có sự kết hợp một cách hữu cơ giữa các nhóm chính trị, quan chức chính trị, cá thể chính trị với những nhóm lợi ích tài phiệt kinh tế, những cá thể kinh tế để trở thành những mối quan hệ chính trị và lợi ích xen kẽ lẫn nhau.
Trước đây, “sân sau” là một từ ngữ ít gặp, nhưng bây giờ nó phổ biến đến nỗi được dùng trong các văn bản chính thông.
Tại buổi báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật ngày 19 tháng 9 năm 2017, Chủ nhiệm Ủy Ban Tư pháp Quốc Hội, bà Lê Thị Nga phát biểu rằng: “Kết quả kiểm tra gần đây của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho thấy những nghi ngờ của cử tri về ‘lợi ích nhóm’, ‘sân sau’ là có căn cứ.”
Nhà báo Đường Văn Thái, người từng có thời gian làm việc tại Ủy ban kiểm tra Trung ương cho biết “sân sau” của quan chức rất phổ biến, có những ông còn có “cổ phần hơi”, nghĩa là mọi thứ được thỏa thuận bằng lời nói, chỉ cần vài cú điện thoại là giải quyết xong mọi thỏa thuận. Có thể hiểu đại loại là – doanh nghiệp và quan chức sống dựa vào nhau:
“Có tiền sẽ có quyền – có quyền sẽ ra tiền. Thế nên các doanh nghiệp phải chạy theo dùng tiền “nuôi” một chính trị gia, rồi chính trị gia dùng quyền bảo kê cho các doanh nghiệp này.”
Quan chức có thể “lách” luật để “sân sau” tồn tại?
Đa số người đứng đầu những doanh nghiệp “sân sau” là người thân, bà con họ hàng với người đứng đầu địa phương, cơ quan, chính quyền, nhưng theo Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 thì chỉ quy định “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp” chứ chưa có quy định hình thức xử lý.
Nay, Nghị định 59/2019/NĐ-CP vừa mới ban hành quy định rõ tại Điều 83: “Cách chức đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó mà đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.”
Tuy Nghị định 59 có nêu cụ thể hình thức xử lý nhưng do vừa mới ban hành, chưa biết khi áp dụng vào thực tế có chặn đứng, xử lý nghiêm khắc các quan chức sử dụng sân sau để trục lợi hay không nhưng để dẹp được sân sau có vẻ rất khó khăn:
“Đã gọi là công ty “sân sau” thì ông này dính đến ông kia.Loại bỏ sân sau là chuyện rất khó”
Với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì việc dẹp tham nhũng hay dẹp “sân sau” đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn với độ trong sạch và minh bạch rất cao.
Ông Phạm Chí Dũng nêu ra giải pháp mà theo ông có thể làm giảm chứ không thể loại trừ hoàn toàn “sân sau” của các quan chức: khi phát hiện dấu hiệu có “sân sau” của các quan chức thì người đứng đầu nhà nước phải luân chuyển ngay, không chờ hết nhiệm kỳ.
Điều đó cho thấy rằng, công cuộc chống tham nhũng trường kỳ nay đã có thêm công cụ mới là Nghị định 59. Thêm công cụ này, ắt hẳn sẽ có không ít quan chức đang tại nhiệm sẽ bị đem ra trước vành móng ngựa?
(Nguồn: Bão lửa)