Tại sao cứ mãi bạo lực học đường?
Bạo lực học đường đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục nói riêng và cả xã hội nói chung. Trong khi chúng ta ngồi chỉ trích ông này bà nọ làm việc vô trách nhiệm thì ngoài kia, con em của mình vẫn có thể sẽ trở thành nạn nhân hoặc thủ phạm của hành động vô đạo đức. Đã vậy, Bạch Hoàn, Hoàng Hải Vân, Nguyễn Tiến Tường lên án theo kiểu “bày tỏ thái độ phẫn nộ với ngành giáo dục và yêu cầu xử lý nghiêm” thì có tác dụng gì?
Trong vụ nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị bạn cùng lớp đánh hội đồng, lột quần áo và quay clip tung lên mạng xã hội thì đáng trách nhất vẫn là giáo viên chủ nhiệm, đã biết sự việc nhưng lại quyết định giấu nhẹm đi. Cô ta lựa chọn sự im lặng để bảo toàn danh tiếng của nhà trường. Đã vậy, thầy hiệu trưởng còn trả lời báo chí rất hồn nhiên: “Chắc do em ấy hiền quá nên bị bắt nạt”. Thật buồn cười làm sao, từ khi nào “hiền” lại trở thành lí do “chính đáng” để bị ăn đòn vậy? Điều đáng buồn nữa là thái độ thờ ơ của các em học sinh cùng lớp, biết mà không ngăn cản. Nếu các em sợ thì có thể báo cho phụ huynh để nhờ họ can thiệp cơ mà? Từ bao giờ mà cả thầy và trò lại sống vô cảm như thế?
Sau mỗi vụ việc, các giáo viên liên quan đều bị xử lý nghiêm. Còn mấy đứa học sinh phạm sai lầm thì nghỉ học một tuần, chứ cũng chẳng thế đuổi học chúng được. Nếu chúng phải thôi học hẳn thì xã hội sẽ được gì ngoài việc thêm vào mấy đứa hư hỏng, đã vô tâm lại càng vô cảm hơn? Ở lại trường may ra còn dạy dỗ, thay đổi được. Dù hình phạt dành cho thầy cô và học sinh có nặng thế nào đi nữa thì cũng không ai đảm bảo tương lai sẽ không có bạo lực học đường nếu như đạo đức xã hội đang trượt dài như vậy.
Nhiều người réo tên Bộ trưởng sau mỗi vụ việc tiêu cực của ngành giáo dục cũng dễ hiểu thôi. Bởi vì suy cho cùng sau những bức xúc đang chất chứa họ cần tìm cho mình một địa chỉ để trút giận. Nhưng thực sự suy thoái đạo đức đang là vấn nạn mà chúng ta đều cảm nhận thấy rất rõ trong cuộc sống thường nhật. Còn nhớ, tại phiên chất vấn ở Quốc hội cuối năm ngoái, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đặt vấn đề: “Tại sao khi xã hội nghèo, khó khăn thì đạo đức được duy trì và văn hoá rất tốt. Bây giờ thoát nghèo, trở thành xã hội có thu nhập trung bình thì nền tảng đạo đức lại xuống cấp trầm trọng?”.
Rõ ràng, suy thoái đạo đức không còn là câu chuyện riêng của ngành giáo dục nữa. Bởi, nếu bố mẹ không gương mẫu, thầy cô không nhận được sự tôn trọng của học trò, cán bộ có chức có quyền hư hỏng, sa ngã thì rất khó để duy trì đạo đức, tôn ti trật tự trong xã hội. Hơn nữa, suy thoái đạo đức có thể là “mặt trái” của nền kinh tế thị trường. Biết bao nhiêu giá trị tốt đẹp bị xói mòn và tàn phá bởi chính tác nhân này. Cũng giống như gia đình của ông trùm cà phê Trung Nguyên đấy, có hàng nghìn tỷ nhưng đâu có được mái ấm hạnh phúc, nuôi dưỡng tâm hồn trọn vẹn cho những đứa trẻ. Nếu chúng trở nên thờ ơ với mọi người xung quanh, vô cảm với xã hội thì chúng ta cũng không quá ngạc nhiên. Chưa kể, đạo đức của xã hội hiện nay còn chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thông tin báo chí, mạng xã hội. Ai cũng biết vai trò phản ánh hiện thực và định hướng xã hội của báo chí, phương tiện truyền thông. Thế nhưng, xã hội này sẽ ra sao, ngành giáo dục có tốt hơn được không nếu như báo chí nghiêng hẳn về các sự việc tiêu cực. Chưa cần nói đến việc khuếch đại, chỉ cần ra rả giật tít câu view hàng loạt cái xấu cũng đủ khiến xã hội này nháo nhào rồi. Còn ai muốn cống hiến trong các xã hội đầy rẫy tiêu cực, nhìn đâu cũng thấy cái xấu như vậy nữa?
Đạo đức xã hội đang xuống cấp như thế, chẳng lẽ chúng ta cứ ngồi lên án ngành giáo dục mãi được sao? Trút mọi trách nhiệm cho Bộ trưởng thì dễ nhưng liệu có lấy lại được đạo đức xã hội hay chấm dứt được vấn nạn bạo lực học đường như Bạch Hoàn, Hoàng Hải Vân, Nguyễn Tiến Tường lu loa những ngày qua?
Dẫu biết rằng, chữa trị căn bệnh suy thoái đạo đức để đầy lùi nạn bạo lực học đường là vô cùng khó nhưng chúng ta cần phải đối diện với nó không sợ hãi và không lấp liếm. Tiến sĩ Micere Keels viết cho The New York Times rằng: “Bạo lực học đường phải trở thành một phần của chương trình giáo dục thường xuyên. Ngoài các tiết học về đạo đức, phòng tránh bạo lực học đường, cần xây dựng mô hình các nhóm học sinh tự quản (nơi các em thẳng thắn trao đổi và nắm rõ tình hình của nhau để tự phát hiện khi bạn là nạn nhân bị tấn công bạo lực), bác sĩ tâm lý tư vấn ngay trong trường và phòng an toàn”. Quan trọng nhất, cần lắm sự phối hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường để giúp trẻ xây dựng và hoàn thiện nhân cách đúng đắn hơn.
Vấn đề bạo lực học đường không phải câu chuyện của bọn trẻ, dù chúng vừa có thể là thủ phạm vừa là nạn nhân. Đó cũng không phải là câu chuyện của riêng nhà trường hay ngành giáo dục vì chính các thầy cô đôi khi cũng không theo kịp những diễn biến quá phức tạp của xã hội. Mà đó là câu chuyện của một đất nước, ý thức được ngày mai của mình cần được giáo dục và bảo vệ như thế nào. Nói về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với giữ gìn đạo đức, văn hóa, lối sống và tình người trong xã hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh rằng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Con người mới là yếu tố quyết định, đạo đức là nền tảng của xã hội, chứ không thể chạy theo tăng trưởng”.
Thu Huyền (xahoivn.net)