Tại sao bị nhà thầu Nhật thúc giục đòi nợ nhưng TP HCM vẫn quyết chi 1.500 tỉ để xây bảo tàng?
Khi những tranh luận về việc xây nhà hát giao hưởng nghìn tỷ tại Thủ Thiêm vẫn còn chưa lắng xuống, khi tuyến đường sắt metro Suối Tiên cần gấp 1.000 tỉ đồng để trả nợ nhà thầu Nhật nếu không sẽ bị hủy dự án và bồi thường hợp đồng, khi tình trạng kẹt xe và đường ngập nước vẫn là nỗi ám ảnh của người dân thì TP HCM vẫn nhất quyết chi 1.500 tỉ để xây bảo tàng.
Cụ thể, theo tờ trình của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM gửi Thường trực UBND thành phố về đề án xây dựng Bảo tàng TP.HCM, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.430 tỉ đồng, nguồn vốn từ ngân sách thành phố. Sở Văn hóa và Thể thao kiến nghị thường trực UBND TP. HCM chấp thuận địa điểm xây dựng bảo tàng TP. HCM tại khu 1 (Thời cổ đại) trong Khu công viên lịch sử – văn hóa dân tộc (Quận 9). Địa điểm này thay cho phương án xây Bảo tàng thành phố đặt tại khu đô thị Thủ Thiêm trước đó.
Không hiểu vì sao TP HCM nằng nặc đòi xây bảo tàng vào thời điểm này trong khi nhà thầu Nhật vẫn đang đe dọa hủy dự án và đòi bồi thường hợp đồng nếu không thanh toán số nợ ở tuyến metro số 1 – công trình được xem là trọng điểm và được kì vọng là sẽ thay đổi được bộ mặt của TP HCM vào năm 2020. Phải chăng, TP HCM cảm thấy bất mãn vì bấy lâu nay bị vắt kiệt như con bò sữa, làm ra 100 đồng thì phải nộp ngân sách hết 82 đồng, nên cứ quyết xây cho nó đúng với phương hướng đã đề ra?
Hay là vì mình phải è cổ ra đống thuế, trong khi Hà Nội rục rịch được nhận 1500 tỉ từ tiền ngân sách để xây 4 trường đua ngựa quy mô quốc tế để xứng tầm với thủ đô của một nước? Hay là vì tiền ngân sách cứ phải chi cho những tỉnh mãi mãi ngửa tay xin gạo nhưng biệt phủ mọc lên ầm ầm? Hay vì ngân sách phải gánh cho những dự án nghìn tỷ bỏ phế, những trụ sở nghìn tỷ vừa xây xong đã đòi bỏ phế vì không thuận tiện?…
Việc TP HCM vẫn nhất quyết đòi xây bảo tàng 1.500 tỉ dù hệ lụy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của không chỉ người dân mà với cả các nhà đầu tư nước ngoài đã cho thấy sự phân bổ ngân sách không hợp lý của nước ta ở mức báo động.
Không hợp lý và có chính sách rõ ràng nên mới dẫn đến tình trạng tỉnh nào cũng đòi xây sân bay, xây tượng đài, nhà hát, trường đua ngựa… Trong khi những công trình đó trái ngược hoàn toàn với đời sống nghèo nàn của dân, với hình ảnh bệnh nhân nằm la liệt từ hành lang ra đến ngoài sân, chờ mổ mà phải trùm bạt nilon che chắn mưa tại các bệnh viện; Nó vô cùng phản cảm với những trường học vùng núi không đủ cơ sở vật chất, xập xệ, gió lùa mang theo những cơn rét cắt da cắt thịt cứa vào trẻ em vùng cao, đường xá ngập ngụa mỗi khi mưa về, trẻ em vùng cao phải đu dây hay chui vô bịch nilon để quần áo không bị ướt khi đến trường.
Vậy nên dù hiện nay, dù đã có 7 bảo tàng, dù bài học nhãn tiền của Bảo tàng Hà Nội xây 2300 tỉ, bỏ hoang 8 năm, dù tình trạng kẹt xe vẫn là nỗi ám ảnh hàng ngày với người dân… nhưng TP HCM vẫn kiên quyết phải chi được 1500 tỉ.
Hạ Anh