Sự thật đằng sau việc nhiều lãnh đạo xin nghỉ hưu sớm?

Việc sắp xếp lại tổ chức, tinh gọn bộ máy, giảm số lượng biên chế và nâng cao chất lượng hoạt động tại Bộ Công an đang diễn ra dưới sự đồng lòng, nhất trí của nhiều người dân. Trong đó có nhiều lãnh đạo các cấp Tổng cục, cục, phòng và đội dù chưa đến tuổi nhưng đã tự nguyện xin nghỉ hưu sớm đang nhận được quan tâm của đông đảo dư luận. Vậy ta thấy gì ở những hành động này?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn trao Quyết định của Bộ trưởng Công an cho các lãnh đạo thuộc Tổng cục VIII nghỉ công tác.

Khi nhiều người thời nay day dứt với câu hỏi: Có hay không văn hóa từ chức chốn quan trường thì có lẽ, chúng ta còn nhớ đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm Nói về ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, ở tuổi 45, dù được các vua nhà Mạc trọng vọng, ban chức và phong tước rất cao nhưng khi nhận ra bản chất của vương triều nhà Mạc, ông đã dâng sớ xin chém đầu 18 đại thần ỷ thế lộng hành. Song vua không nghe, ông liền “rũ áo từ quan” về quê dạy học, bốc thuốc chữa bệnh, cứu giúp người cơ nhỡ. Đó là câu chuyện từ quan để giữ gìn khí tiết thanh liêm trong quá khứ còn hiện tại thì sao? Việc 5 vị tướng thuộc Bộ Công an lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Như chúng ta thấy: Việc từ chức ngày nay rất khó thực hiện ở người lãnh đạo bởi “cái ghế” mà họ đương nhiệm còn gắn liền với rất nhiều lợi ích và tâm lý từ chức giống như một sự kỷ luật. Một phần bên ngoài có không ít lời dèm pha khi thấy quan chức nghỉ hưu sớm và chẳng mấy trường hợp được ghi nhận. Có người cho rằng: Có thể ông A, bà B muốn “nhường ghế cho đàn em” hay vì đã nhận thấy “thời tiết” thay đổi nên “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”? Chính bởi nhận thức và tâm thế của người trong và ngoài cuộc như thế nên mới có nhiều lãnh đạo không nỡ buông “ghế”, có người “chạy ghế”, có người cố níu giữ “ghế” rồi có người hụt hẫng, buồn bã rời “ghế” của mình. Đặc biệt là trong ngành Công an khi “ghế ít đít nhiều” thì “sự buông tay” của một lãnh đạo càng trở nên không dễ dàng.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn trao quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an cho 2 đồng chí Cục trưởng C10 và C11. Ảnh: Công an nhân dân.

Ấy vậy mà, hiện nay, bộ máy Bộ Công an đã giảm 6 tổng cục, tinh giản gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng. Cấp công an địa phương sau khi tinh gọn, sáp nhập cảnh sát PCCC giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng và gần 1.000 đơn vị cấp đội. Trước thay đổi vị trí của một người đã khó, nay xóa bỏ gần 1.900 đơn vị thì không biết sẽ có bao nhiêu con người buộc phải rời “ghế”? Rồi họ sẽ đi về đâu cùng với những quyền lợi vốn có?

Việc sắp xếp tổ chức, cán bộ lãnh đạo cấp cao xin nghỉ hưu sớm có ý nghĩa kinh tế không hề nhỏ, có thể tiết kiệm ngân sách vài chục tỷ đồng là ít. Lấy một ví dụ đơn giản, tiền lương cấp Tướng khoảng 18 triệu/tháng, phụ cấp lãnh đạo tầm 2 triệu/tháng, chi phí mua sắm thiết bị, bàn ghế văn phòng, rồi mua một chiếc xe dưới 1 tỷ đồng kèm theo tài xế đưa đón hàng ngày, vé máy bay đi công tác, tiền điện thoại,…. Tính sơ sơ, nếu một vị Tướng tại vị thì ngân sách đã tốn không ít chứ chưa nói đến sự tồn tại nguyên cả Tổng cục. Điều đó chứng tỏ rằng: Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Đề án 106 của Bộ Công an sắp xếp bộ máy Bộ Công an có ý nghĩa to lớn như thế nào trong thời buổi kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Bộ Công an thực hiện Đề án 106 về đổi mới, tinh gọn bộ máy, giảm 1.900 đơn vị.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) đã có nhận định rất đúng khi cho rằng: “Đây là cuộc cách mạng của tổ chức, minh chứng cho quyết tâm chính trị cao trong Đảng ủy Công an Trung ương và đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng”. Cuộc cách mạng này chẳng đơn giản bởi nó đụng chạm đến lợi ích của hàng trăm tướng tá và hàng chục ngàn cán bộ công chức ngành Công an. Đột phá lớn này không chỉ đơn thuần giúp cho bộ máy tinh gọn, tiết kiệm ngân sách nhà nước, mà trên hết còn giúp lãnh đạo ngành Công nắm việc trực tiếp, chỉ đạo công việc mạch lạc, nhanh chóng. Lực lượng công an gần dân hơn, phát huy tối đa nguồn nhân lực trong thực thi nhiệm vụ. Công an xã, địa phương được tăng cường lực lượng chính quy thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ nhân dân và giữ gìn trật tự xã hội.

Với góc nhìn khách quan bên ngoài nhưng cùng thuộc lực lượng vũ trang,Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu 4) đã rất hoan nghênh hành động xin nghỉ hưu sớm của 5 lãnh đạo Tổng cục ở Bộ Công an: “Việc 5 lãnh đạo Tổng cục VIII nghỉ hưu sớm đã đề cao tinh thần của cán bộ Đảng viên, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân của mình để tự nguyện nhường “ghế” cho đồng chí mình, tạo điều kiện cho lớp trẻ có cơ hội được phấn đấu. Để làm được điều này đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm rất cao”. Không phải ai cũng dễ nhấc mông ra khỏi cái “ghế” của mình. Hơn nữa, việc làm này cũng góp phần làm giảm áp lực thực hiện chủ trương tái cơ cấu bộ máy của Bộ Công an.

Thực tế, đã có không ít cán bộ lãnh đạo các ban ngành khác đã tự nguyên thôi chức vụ hoặc về hưu sớm để thực hiện niềm đam mê hoặc nhường cơ hội phấn đấu cho người trẻ. Như Luật sư Huỳnh Quý, nghỉ làm Phó tổng biên tập Báo Pháp luật TP (quy hoạch Tổng biên tập) ra mở văn phòng luật sư J&Q để được hành nghề mình yêu thích. Hay như nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Vĩnh Nghiệp khi còn đương nhiệm, xin nghỉ để ra làm Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo. Với cương vị mới, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, được nhân dân cả nước mến mộ.

Đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Thành phố tặng quà cho các em được Hội hỗ trợ chữa trị khuyết tật.

Ở lĩnh vực y tế, chúng ta có Anh hùng Lao động, Giáo sư – Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, nhất quyết không chịu làm Giám đốc Sở Y tế, dù thành phố đã có quyết định và báo chí đã thông tin. Trước đó, khi đang làm Phó chủ tịch Quốc hội, bà nằng nặc xin nghỉ vì nếu tiếp tục, phải làm chuyên trách, rời xa vị trí chuyên môn. Bà tâm sự: “Ai cũng tưởng Phó chủ tịch Quốc hội nhiều quyền lực. Dân oan đến thỉnh cầu, mình chỉ biết ghi nhận và đề nghị lên trên, chẳng làm được gì. Còn chị làm ở bệnh viện, ai cần là chị mổ ngay, giúp ngay được”. Ở lĩnh vực du lịch, có ông Lê Công Giàu, nguyên Phó bí thư thường trực Thành Đoàn TP.HCM, Phó Tổng giám đốc thường trực Saigontourist, được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời ra Hà Nội làm Tổng cục phó Tổng cục Du Lịch (quy hoạch Tổng cục trưởng) nhưng ông đã từ chối. Khi đang làm Giám đốc Trung tâm Xúc tiến – Đầu tư TP.HCM, ông đã xin nghỉ hưu trước 2 năm, nhường “sân chơi” cho đàn em.

Ở nước ta, còn rất nhiều người đầy ắp lòng tự trọng, biết từ chức và cả từ chối lộc quyền nhưng báo chí chưa có dịp nêu danh. Lòng tự trọng, biểu hiện cụ thể qua việc từ chức, nhường chức là nét đẹp văn hóa của người Việt từ xưa nhưng đang dần bị mai một. Tin rằng, việc nhiều lãnh đạo các cấp của Bộ Công An và các ban ngành khác xin nghỉ hưu sớm sẽ mở đầu cho câu chuyện lớn hơn, đó là phục hồi những giá trị đạo đức và văn hóa của cha ông, mà lòng tự trọng là điều căn bản, cấp bách đầu tiên.

Và rõ ràng, khi Bộ Công an vốn được dư luận lâu nay coi là cơ quan quyền lực mà thực hiện tái cơ cấu bộ máy được thì không có lý do gì các bộ, ngành, địa phương khác không làm được. Thành công của Bộ Công an trong việc triển khai đề án này sẽ là động lực, tiếp sức cho các ban ngành cùng lãnh đạo khác mạnh dạn tái cơ cấu để phục vụ nhân dân tốt hơn và xây dựng đất nước vững mạnh hơn.

Quốc Dân