Sự kh ốn n ạn tột độ của trường Gateway

Tôi ít khi dùng lời lẽ nặng nề, nhưng đọc cái thông báo của trường Gateway – nơi một đứa trẻ 6 tuổi bị bỏ quên đến chết trên xe đưa đón – thì không thể không dùng từ “khốn nạn” và “bẩn thỉu” để nhắc tới cái gọi là trường này và bà chủ Trần Thị Hồng Hạnh.

Hình ảnh người đàn ông bế cháu L. từ trên xe đưa đón học sinh vào phòng y tế của nhà trường cấp cứu.

Trước sự việc đau đớn trên, trang chủ website nhà trường vẫn tràn ngập những hình ảnh quảng cáo cười đùa vui vẻ. Trang chủ trường “quốc tế” nên mặc định là tiếng Anh. Phải tìm sang phần tiếng Việt, bỏ qua hàng loạt hình ảnh cười đùa, nhạc mix vui nhộn và hình ảnh những ông Tây phốp pháp, vào mục Tin tức mới thấy dòng thông báo gọn lỏn bằng tiếng Việt về sự việc đau lòng trên đây.

Điều đáng nói, đây lại là một cái thông báo giả dối trơ trẽn, khi nói rằng phát hiện cháu bé bất tỉnh trên xe và trường đã sơ cứu, đưa vào bệnh viện và được bác sĩ “tận tình và làm tất cả biện pháp để cứu chữa”.

Nhưng sự thật thì sao? Bác sĩ xác nhận cháu bé đã chết trước khi nhập viện. Cháu bé đã chết trên xe đưa đón sau 9 tiếng bị nhốt trong xe.

Sự tắc trách thì không phải bàn nữa. Chiếc xe 16 chỗ, mà lái xe và cô giáo đón không kiểm tra? Học sinh vắng học không lý do nhưng nhà trường khong liên lạc với phụ huynh?

Nhưng sự khốn nạn và giả dối của trường và bà chủ trường thì phải bàn, bàn cho đến khi cái trường này đóng cửa.

Trong thông báo ban đầu đầy giả dối và hôi tanh kia, khi bị công chúng phát hiện, nhà trường đã lặng lẽ thay thông báo, trong đó thêm vào những cụm tính từ hoa mị như “nghiêm trọng”, “đáng tiếc”, “đau lòng”, “trách nhiệm cao nhất” để giảm bớt sự vô cảm của mình trước nỗi đau tột độ của gia đình cháu bé và sự bàng hoàng của những người làm cha mẹ nói chung.

Thay vì gửi tới toàn bộ phụ huynh của hệ thống trường Gateway, nhà trường chỉ gửi đến phụ huynh có con học tại điểm trường Cầu Giấy.

Đồng thời, thay vì ký tên “Ban giám hiệu” như trong thông báo đầu tiên, các vị đã chấp nhận để cái tên Trần Thị Hồng Hạnh – bà chủ trường – xuất hiện.

Nhưng tồi tệ nhất, là âm thầm xóa dấu vết sự dối trá bằng cách cắt bỏ đoạn thông báo về việc “bác sĩ tận tình cứu chữa”.

 

Tôi là một người viết, là người làm nghề câu chữ. Tôi thấy khinh bỉ trò đánh đu câu chữ của các vị. Tôi có thể làm giỏi gấp 100 lần các vị về câu chữ, nhưng sự việc này không phải là nơi để những người làm giáo dục phô diễn khả năng chữ nghĩa.

Không ngôn từ nào thay thế được sự thật: một đứa trẻ 6 tuổi đã bị bỏ quên cho đến chết ở trên xe.
Làm giáo dục với tư duy dối trá, quanh co và hoa mị, xin các vị hãy đóng cửa trường.

Hãy đi buôn lừa bán lậu bất kỳ mặt hàng gì cũng được, nhưng xin đừng là giáo dục.

Bởi mặc một cái áo giả không ai chết. Ăn một kg táo có chất cấm cùng lắm chỉ một người chết. Nhưng làm giáo dục giả dối thì giết chết cả một thế hệ, một xã hội.

Cái chết về xã hội cũng đáng đau lòng như cái chết sinh học của sinh linh bé bỏng chiều qua.

(Theo nhà báo Lê Hồng Kỹ/ Vietnammoi.vn)