Ông chủ Trường Sinh, thủ phạm của “ổ dịch Bạch Mai”, bù đầu với bất động sản rảnh đâu mà quan tâm dịch bệnh

Trước khi đẩy Bệnh viện Bạch Mai thành ổ dịch, vào khoảng nửa năm trước, tức tháng 8/2019, Công ty Trường Sinh từng có đợt tăng vốn mạnh từ 10 tỷ đồng lên mức 50 tỷ đồng. Ngoài lãnh vực chủ chốt là y tế, Trường Sinh còn đang lấn sân sang thị trường làm giàu quen thuộc của các tỷ phú Đôla Việt là bất động sản, trở thành chủ đầu tư của hàng loạt dự án khủng tại tỉnh Thái Nguyên.

Trường Sinh có tên đầy đủ là Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trường Sinh, thành lập tháng 9/2002, địa chỉ trụ sở chính tại số 43 Hoàng Văn Thái, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Ngoài ra, công ty này còn có chi nhánh tại xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên.

Để Trường Sinh có thể lớn mạnh được như hiện giờ là nhờ ông chủ Trần Doãn Sinh đã lợi dụng tốt mối quan hệ thân hữu với cựu Bộ trưởng ngành y, nguyên Chủ tịch UBND tp Hà Nội, Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe trung ương Nguyễn Quốc Triệu, giúp Trường Sinh len lỏi và trở thành công ty cung cấp xuất ăn cho nhiều bệnh viện hàng đầu: Bạch Mai, Bệnh viện nội tiết trung ương và Việt Đức.

Không dừng lại tham vọng ở lĩnh vực mà ông đã có quá nhiều bề dày kinh nghiệm, ông Sinh hiện còn vươn vòi bạch tuộc vào lĩnh vực bất động sản, đầu tư vào dự án Dự án Khu du lịch sinh thái và an dưỡng Đường Trường Sinh tại xã Phúc Xuân, Tp. Thái Nguyên có diện tích 11,2 ha, tổng mức đầu tư 112 tỷ đồng và được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 8/2011.

Bên cạnh đó, Trường Sinh còn là chủ Dự án Đầu tư xây dựng đường nối từ đường Tố Hữu đến đường vành đai Hồ Núi Cốc và Tổ hợp thương mại- dịch vụ Trường Sinh, nằm trong 12 dự án thuộc quy hoạch xây dựng vùng du lịch Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên được chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2011.

Các dự án được kỳ vọng sẽ đưa Hồ Núi Cốc trở thành một trong những điểm du lịch cấp quốc gia và quốc tế. Song, phần lớn các dự án đều rơi vào tình trạng “chết yểu”, được đầu tư cầm chừng. Hoạt động khá tích cực tại tỉnh Thái Nguyên, dễ hiểu khi nhiều nhân viên của Trường Sinh có địa chỉ tại địa phương này.

Được xác nhận là nguồn lây nhiễm chính tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Trường Sinh hiển nhiên phải chịu trách nhiệm trước những hậu quả đã gây ra. Những trách nhiệm của Trường Sinh là như thế nào trong vụ “ổ dịch ở Bạch Mai”?

Là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp suất ăn và nước sôi cho bệnh viên Bạch Mai, vậy các nhân viên của Trường Sinh đã lây nhiễm virus cho bệnh viện Bạch Mai bằng cách nào? Khi thực hiện chế biến thực phẩm, nước uống nhân viên Trường Sinh có được yêu cầu đeo găng tay, đồ bảo hộ và khi giao thực phẩm, thức uống nhân viên của Trường Sinh có chắc chắn mang đồ bảo hộ hay không khi biết dịch bệnh đang lây lan hết sức nguy hiểm? Nếu thực hiện tốt các khâu kể trên liệu Bạch Mai có thành “ổ dịch” như bây giờ?

Hiển nhiên trách nhiệm phải kể đến người đứng đầu, ông Sinh liệu có còn đầu óc để mà xử lý nghiêm ngặt từ khâu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lẫn đảm bảo không lây lan dịch bệnh trong mùa dịch Covid19 này khi ông còn đang bận toan tính cho các dự án bất động sản còn đang dang dở, chưa biết đi đâu về đâu vì sự non nớt, thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này của mình.

Một Trường Sinh có thể xâm nhập vào nhiều địa bàn kiếm ăn “lớn” ở Hà Nội, lại còn lấn sân vào lĩnh vực địa ốc ở địa phương, Trường Sinh đã âm thầm lớn mạnh và có lẽ cứ đều đặn hốt tiền mà chẳng ai quan tâm nếu không có vụ việc ở Bạch Mai nổ ra.

Thử hỏi nếu không có bàn tay nâng đỡ của hai cây cổ thụ của ngành y là ông Nguyễn Quốc Triệu và phu nhân là bà Trần Thúy Hạnh, nguyên giám đốc bệnh viện Bạch Mai, hiện đang làm Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai liệu Trường Sinh có cơ hội bành chướng đến vậy? Thế mới thấy mặt tối của bức tranh phát triển kinh tế Việt Nam – nơi luôn có sự hiện diện của tiền bạc, quan hệ, sân sau, sân trước. Vậy thì đến bao giờ mới chấm dứt thực trạng quan mãi giàu, dân mãi nghèo đây?

Hà Min