Phải kiểm soát quyền lực người đứng đầu
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhận xét, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là nhiệm vụ khó. Ban Tổ chức Trung ương hiện đang chủ trì xây dựng quy định về việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực người đứng đầu, chống chạy chức, chạy quyền…
Sáng 1-8, Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết Công tác tổ chức xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm và triển khai chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2018.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.
Nhiệm vụ quan trọng: Kiểm soát quyền lực người đứng đầu
Tại hội nghị, nhiều ý kiến thảo luận về công tác xây dựng tổ chức đảng; đánh giá cán bộ; về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… Đặc biệt, nhìn từ địa phương, Bí thư Quận ủy quận Tân Bình Kiều Bình Chung đã có các phân tích, kiến nghị cụ thể về công tác kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Theo đồng chí Kiều Bình Chung, quận Tân Bình là một Đảng bộ lớn ở TPHCM với trên 11.000 đảng viên. Vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ được Quận ủy quận Tân Bình xác định là một nhiệm vụ quan trọng.
“Hội nghị Trung ương 7 đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW một cách kịp thời, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm giải quyết vấn đề bức xúc, cấp bách trong công tác cán bộ”, đồng chí Kiều Bình Chung nhận xét và đặt vấn đề vậy giải pháp thế nào để kiểm soát hiệu quả quyền lực trong công tác cán bộ?
Theo đồng chí Kiều Bình Chung, trong thời gian qua, tình trạng chạy chức, chạy quyền cũng như việc lợi dụng quyền lực người đứng đầu để bố trí người thân quen, họ hàng, người cùng phe cánh, cùng lợi ích… xảy ra ở một số nơi. Cùng với đó là việc ký hàng loạt quyết định bố trí cán bộ trước khi nghỉ hưu.
Đây là sự lợi dụng, lạm dụng quyền lực để bố trí cán bộ phục vụ cho lợi ích nhóm, vụ lợi cá nhân.
“Bản thân Đảng bộ quận Tân Bình cách nay 3-4 năm cũng có tình trạng này”, Bí thư Quận ủy quận Tân Bình thẳng thắn nhìn nhận.
Đó là tình trạng “ưu tiên” bố trí cán bộ thân quen, họ hàng, đồng hương. Ví dụ, trong một cơ quan, đơn vị thì chồng làm thủ trưởng, vợ là kế toán… Từ thực tiễn này, Ban Thường vụ Quận ủy kiên quyết chỉ đạo tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê và “giải quyết” các mối quan hệ bằng cách điều chuyển, bố trí lại nhiệm vụ đối với những trường hợp này. Đến nay, Quận ủy quận Tân Bình đã giải quyết cơ bản, ổn định và ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền.
“Muốn kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thì quan trọng nhất là phải kiểm soát quyền lực của người đứng đầu”, đồng chí Kiều Bình Chung phân tích và nhấn mạnh đến cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Hiện nay, do chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực đã dẫn đến tình trạng người đứng đầu lợi dụng quy chế, quy trình; lợi dụng tập thể để bố trí cán bộ, phục vụ lợi ích cá nhân.
Đánh giá về quy trình, đồng chí Kiều Bình Chung nhận xét dù các quy định trong công tác cán bộ rất chặt chẽ nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng lợi dụng. Như vậy, do quy trình còn có kẻ hở và một số người đã lợi dụng điều này để hợp pháp hóa, bố trí cán bộ thân quen để vụ lợi cá nhân.
“Rất dễ, không có gì khó khăn cả!”, đồng chí Kiều Bình Chung khẳng định và nhận xét đó là vì có tình trạng nhân danh tập thể, nhân danh làm đúng quy trình để bố trí cán bộ.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hiện công tác cán bộ chưa đảm bảo công khai, minh bạch dẫn đến tình trạng lợi dụng từ các khâu đánh giá cán bộ, quy hoạch cán bộ và bố trí, bổ nhiệm cán bộ. Đồng thời, trong quy trình thực hiện công tác cán bộ được khẳng định là dân chủ nhưng thực chất nhiều nơi xảy ra tình trạng độc quyền, lạm quyền.
Từ đó, Bí thư Quận ủy quận Tân Bình đề xuất cần quán triệt, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, nhất là đối với cấp ủy, chính quyền về công tác cán bộ. Đồng thời, công tác cán bộ phải thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo dân chủ và công bằng, nhất là sự công bằng, khách quan của người đứng đầu.
“Bản thân người đứng đầu phải nêu gương, liêm khiết, công tâm khách quan, nếu không rất dễ làm sai”, đồng chí Kiều Bình Chung đánh giá.
Ngoài ra, từng cấp ủy phải xây dựng và thực hiện nghiêm các quy định, quy chế công tác cán bộ. Dẫn chứng ở địa phương, đồng chí Kiều Bình Chung chia sẻ, bên cạnh quy chế làm việc của cấp ủy, Quận ủy quân Tân Bình còn ban hành quy định tiêu chuẩn các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định phân cấp quản lý cán bộ, nhất là quy định bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ… Cùng với đó là quy chế phối hợp giữa cơ quan đảng với chính quyền. Đồng thời, các đồng chí đứng đầu như bí thư, chủ tịch phải thường xuyên thông tin về công tác cán bộ cho ban thường vụ.
Một kinh nghiệm nữa là phải thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác cán bộ. Trong đó, việc thực hiện nghiêm Quy định 1374-QĐ/TU năm 2017 của Ban Thường vụ Thành ủy TP về giải quyết thông tin từ 4 nguồn (báo chí, ý kiến cử tri, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo) sẽ giúp giám sát, đảm bảo công tác cán bộ được thực hiện một cách nghiêm túc, công bằng và khách quan.
Đặc biệt, đồng chí Kiều Bình Chung cũng kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương xây dựng, hoàn chỉnh cơ chế kiểm soát quyền lực đối với công tác cán bộ.
Trong cơ chế này phải nêu rõ nhiệm vụ giao cho ai kiểm soát, cơ quan nào kiểm soát, tổ chức nào giám sát quyền lực người đứng đầu. “Ví dụ như ở Tân Bình, liệu HĐND, MTTQ giám sát Bí thư Quận ủy được không?”, đồng chí chí Kiều Bình Chung dẫn chứng.
Xây dựng quy định chống chạy chức, chạy quyền
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá 6 tháng đầu năm 2018 ngành tổ chức xây dựng Đảng TPHCM đã nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao.
Đồng chí Phạm Minh Chính cũng biểu dương những kết quả trong công tác tổ chức xây dựng Đảng TPHCM đạt được trong thời gian qua.
Phân tích một số khó khăn, hạn chế còn tồn tại, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu TPHCM cần khắc phục trong thời gian tới.
“Công tác tổ chức cán bộ là công việc khó khăn, nhạy cảm”, đồng chí Phạm Minh Chính nhận xét và nhấn mạnh, TPHCM đã đạt được một số kết quả trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng nhưng chưa thực sự toàn diện, vững chắc.
Hội nghị Trung ương 7 nêu rất rõ, sắp tới cần làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, phân công hợp lý cán bộ để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới.
Trong công tác cán bộ, cần nhắc lại 2 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện. Đó là việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác cán bộ và chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Đi đôi với đó là phải tạo điều kiện cơ chế, môi trường và điều kiện thuận lợi để phát huy sáng tạo, đổi mới phục vụ phát triển; đồng thời có cơ chế bảo cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bày tỏ đồng tình với ý kiến của Bí thư Quận ủy quận Tân Bình về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đồng chí Phạm Minh Chính cũng nhận xét đây là nhiệm vụ khó. Hiện nay, Ban Tổ chức Trung ương đang chủ trì xây dựng quy định về việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực người đứng đầu, chống chạy chức, chạy quyền.
“Đội ngũ làm công tác cán bộ phải gương mẫu, tinh thông, trong sáng và cương quyết chống tiêu cực trong công tác cán bộ. Nội dung dung này cần được quán triệt một cách nghiêm túc, đầy đủ vì có chạy chức chạy quyền hay không cũng có phần xuất phát từ đây”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, cũng đánh giá thời gian qua TPHCM giữ vững phát triển, ổn định mà công tác xây dựng Đảng có vai trò quyết định.
“TPHCM muốn tăng tốc hơn, đột phá hơn thì phải tăng hiệu quả sử dụng con người, phát huy sáng tạo”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích và khẳng định, bên cạnh phong trào khơi dậy truyền thống sáng tạo để đột phát, phát triển thì việc bố trí con người năng động, sáng tạo vào các vị trí quản lý là rất quan trọng. Đây là nhiệm vụ chính của những người làm công tác cán bộ trong bộ máy của Đảng.
Đặc biệt, sắp tới trong công tác quy hoạch phải lựa chọn, đề xuất được những người vào vị trí then chốt là rất quan trọng, sẽ giúp TPHCM phát triển hơn.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, yêu cầu khơi dậy sáng tạo là quan trọng nhất cho nên mỗi chi bộ phải là nơi khuyến khích, cỗ vũ sáng tạo, đổi mới. Mỗi đảng viên là một tấm gương, hỗ trợ quần chúng sáng tạo.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP, cho biết trong 6 tháng đầu năm, Ban Tổ chức Thành ủy đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như đã trình Ban Thường vụ Thành ủy TP kế hoạch thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Một trong những nhiệm vụ cụ thể là đề xuất chủ trương sắp xếp, cơ cấu lại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận – huyện (theo hướng Trưởng Ban Tuyên giáo quận ủy, huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận – huyện); đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập khối Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội…
Ban Tổ chức Thành ủy TP cũng rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp. Cùng với đó là việc thông báo giao biên chế trong cơ quan MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội TP, quận – huyện và định hướng biên chế trong doanh nghiệp, đơn vị, ngành tự trả lương năm 2018 theo hướng giảm bình quân 3% – 6% tại từng đơn vị.
Đồng thời, triển khai đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ từ công tác nhân sự thường xuyên đến công tác quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và chính sách cán bộ.
Ban Tổ chức Thành ủy cũng tham mưu Thành ủy củng cố, kiện toàn nhân sự một số cơ quan, đơn vị, trong đó điều động, bổ nhiệm 12 cán bộ, chỉ định, chuẩn y cấp ủy 38 trường hợp, chỉ định 7 ủy viên Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng…
(Theo SGGP)