Những bất thường của nguyên đơn trong vụ kiện tranh chấp kinh doanh thương mại

Trong suốt quá trình khởi kiện năm 2014-2015, TAND quận Nam Từ Liêm, (Hà Nội) đã nhiều lần yêu cầu nguyên đơn là phía Công ty TNHH Posco VST bổ sung tài liệu để chứng minh yêu cầu khởi kiện.

Tuy nhiên Công ty Posco VST cuối cùng chỉ cung cấp một số hợp đồng và hóa đơn mang tính chất tham khảo cho Tòa án.

6 lần xin hoãn phiên tòa

Theo tìm hiểu của PV, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Nam (Công ty Thành Nam) được thành lập năm 2004, có trụ sở tại quận Nam Từ Liêm thành phố Hà Nội, chuyên cung cấp các mặt hàng thép không gỉ, thép cacbon, thép cán nóng, cán nguội, mạ kẽm, thép kỹ thuật điện.

Từ cuối năm 2014 Công ty Thành Nam bị Công ty TNHH Posco VST khởi kiện đòi tiền hàng với số tiền lên tới 58 tỷ đồng. Công ty TNHH Posco VST cho rằng công nợ được phát sinh từ biên bản đối chiếu công nợ ngày 27/11/2013 do kế toán trưởng 2 công ty ký.

Sau khi xem xét hồ sơ và các tài liệu kèm theo, ngày 19/10/2015 TAND quận Nam Từ Liêm ra thông báo thụ lý vụ án số 29/2015/TLST-KDTM và chuyện lạ kỳ là sau đó chính phía nguyên đơn đã luôn tìm cách trì hoãn xét xử với số lần “kỷ lục’’ trong lịch sử tranh tụng giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại Việt Nam.

Cụ thể, ngày 15/04/2016: TAND quận Nam Từ Liêm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử số 18/2016/QĐST-KDTM và ấn định mở phiên tòa ngày 29/04/2016 nhưng ngay sau đó ông Vũ Văn Tú đại diện theo ủy quyền Công ty Posco VST đã làm đơn đề nghị hoãn phiên tòa với lý do: cần thêm thời gian để đàm phán, thương lượng với Công ty Thành Nam và thu thập các chứng cứ bổ sung về việc chứng minh số nợ của Công ty cổ phần Tập Đoàn Thành Nam. Xét thấy yêu cầu hợp pháp nên TAND quận Nam Từ Liêm đã ra Quyết định số 11/2016/QĐ-KDTM hoãn phiên tòa và ấn định ngày xét xử tiếp theo là 20/05/2016.

Ngày 15/05/2016, luật sư Nguyễn Thanh Hiền – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn vắng xin hoãn vì lý do: chưa có nhiều thời gian để sao chụp tài liệu cũng như chưa nghiên cứu được hồ sơ kỹ lưỡng, thường xuyên phải đi công tác dài ngày …

Đơn xin hoãn phiên tòa của ông Nguyễn Thanh Hiền
Đơn xin hoãn phiên tòa của ông Nguyễn Thanh Hiền

Ngày 19/07/2016, TAND quận Nam Từ Liêm có Quyết định số 34/2016/QĐST-KDTM đưa vụ án ra xét xử vào ngày 08/08/2016 nhưng phiên tòa vẫn không được diễn ra vì TAND quận Nam Từ Liêm nhận được đơn xin hoãn phiên tòa ngay đúng ngày xét xử với lý do ông Phạm Trung Hiếu – đại diện theo ủy quyền của Công ty Posco VST bị ốm, không đủ sức khỏe để tham dự phiên tòa. Vì vậy, Tòa tiếp tục phải hoãn và ấn định lại thời gian xét xử vào hồi 14 giờ 00 phút ngày 17/08/2016.

Những tưởng lần xét xử tiếp theo này, Công ty Posco VST để bảo vệ lợi quyền và lợi ích hợp pháp của mình sẽ đến để vụ án được giải quyết nhanh chóng thì đúng 14 giờ 50 phút ngày 17/08/2016, đại diện hợp pháp của Công ty Posco VST gọi điện xin hoãn phiên tòa vì lý do bị ốm phải nhập viện truyền nước, hiện không thể đến Tòa án được và cử nhân viên của công ty đến cung cấp sổ y bạ.

Nhận thấy dấu hiệu bất thường và lần trước ông Phạm Trung Hiếu đã vắng mặt vì lý do bị ốm trong khi được triệu tập hợp lệ, TAND quận Nam Từ Liêm đã đi xác minh chứng cứ và phát hiện ra rằng hồ sơ bệnh án mà ông Nguyễn Trung Hiếu cung cấp là hoàn toàn giả mạo do bác sĩ Bùi Thanh Hà của Bệnh viện An Việt “tiếp tay”. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự thì trường hợp này nguyên đơn bị coi là từ bỏ việc khởi kiện. TAND quận Nam Từ Liêm đã ban hành quyết định số 07/2016/QĐST – KDTM đình chỉ giải quyết vụ án.

Quyết định đình chỉ vụ án của TAND quận Nam Từ Liêm
Quyết định đình chỉ vụ án của TAND quận Nam Từ Liêm

Chưa dừng lại ở đó, ngày 04/11/2016, Công ty Posco lại tiếp tục nộp đơn khởi kiện đòi nợ Công ty Thành Nam với toàn bộ nội dung khởi kiện như lần trước, không có tình tiết mới. TAND quận Nam Từ Liêm đã ra thông báo thụ lý số 49/2016/TLST-KDTM ngày 01/12/2016 và Quyết định xét xử số 14/2017/QĐXX-DS ngày 02/03/2017 ấn định xét xử vào ngày 16/03/2017.

Đến ngày 16/03/2017, TAND quận Nam Từ Liêm phải hoãn phiên tòa do ông Phạm Trung Hiếu đại diện theo ủy quyền của Công ty Posco VST có đơn xin hoãn vì lý do: để chuẩn bị, củng cố thêm chứng cứ, tài liệu.

Vào ngày ấn định xét xử (22/12/2017), đại diện theo pháp luật, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của Công ty Thành Nam, HĐXX, Viện kiểm sát đều có mặt thì nhận được đơn xin hoãn xét xử của ông Phạm Trung Hiếu với lý do: bận đi công tác nên không thể tham gia phiên tòa. Và TAND quận Nam Từ Liêm lại phải ra quyết định hoãn phiên tòa.

Với tổng số sáu lần trì hoãn của chính nguyên đơn  là Công ty Posco VST, do vậy mãi đến ngày 5/1/2018 TAND quận Nam Từ Liêm mới đưa được vụ án ra xét xử.

Bị đơn phải gửi công văn tới các cấp đề nghị Tòa xét xử

Với kịch bản giống nhau hết lần này đến lần khác, dù là người khởi kiện để đòi quyền và lợi ích hợp pháp nhưng Công ty TNHH Posco VST luôn trì hoãn và trốn tránh các phiên xét xử với các lý do không chính đáng nên đã gây mất rất nhiều thời gian cho Tòa án và gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín của Công ty Thành Nam. Vì vậy, trong suốt quá trình giải quyết vụ án cấp sơ thẩm đã rất nhiều lần Công ty Thành Nam phải gửi công văn thúc giục TAND quận Nam Từ Liêm, cũng như kêu cứu đến TAND tối cao, Viện kiểm sát quận Nam Từ Liêm, VKSND tối cao có ý kiến chỉ đạo nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử để không làm mất uy tín của Công ty Thành Nam.

Mặc dù là bên khởi kiện nhưng mỗi khi TAND quận Nam Từ Liêm mở phiên xét xử, đại diện Công ty Posco VST đều có đơn xin vắng mặt
Mặc dù là bên khởi kiện nhưng mỗi khi TAND quận Nam Từ Liêm mở phiên xét xử, đại diện Công ty Posco VST đều có đơn xin vắng mặt

Bị đơn thì luôn thúc giục Tòa án và mong muốn nhanh chóng xét xử và trong khi nguyên đơn lại luôn tìm mọi lý do thậm chí ngụy tạo chứng cứ để xin hoãn xét xử là điều “bất bình thường” trong lịch sử tố tụng Việt Nam.

Theo đại diện của Công ty Thành Nam cho biết vụ việc kéo dài hơn 4 năm đã gây mất nhiều thời gian của các cán bộ nhân viên làm việc trong công ty, nguy hại hơn ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của Công ty Thành Nam trên thị trường. Bản chất vấn đề đây là một vụ kiện đòi nợ không có thực bởi số tiền đòi nợ không dựa trên hợp đồng, hóa đơn cụ thể và thực tế phía Công ty Thành Nam chưa được nhận hàng. Trong rất nhiều lần hai bên gặp nhau để trao đổi và hòa giải tại tòa cấp sơ thẩm, Công ty Thành Nam luôn hợp tác và yêu cầu phía Công ty Posco VST cung cấp các biên bản giao nhận hàng hóa, hợp đồng vận chuyển để chứng minh cho việc thực tế Công ty Posco VST có giao hàng cho Công ty Thành Nam nhưng phía Công ty Posco không thể đưa ra bất kỳ một tài liệu chứng minh nào.

Căn cứ theo hợp đồng mua bán giữa hai bên đã được ký thì phía Công ty Posco sẽ xuất hóa đơn trước và chỉ giao hàng sau khi Công ty Thành Nam hoàn tất nghĩa vụ thanh toán. Biên bản đối chiếu công nợ được ký bởi kế toán trưởng của hai công ty vào ngày 27/11/2013 là chứng từ phục vụ cho mục đích hạch toán kế toán của cả hai bên, nên chỉ căn cứ trên tổng các hóa đơn Công ty Posco VST đã xuất mà không dựa vào biên bản giao hàng thực tế. Ngoài ra, phía Công ty Thành Nam đã có các công văn số 940/KTTC-TN ngày 11/12/2013, công văn số 0014/KTTC-TN ngày 11/02/2014, nêu rõ kế hoạch thanh toán để lấy hàng. Trong khi Công ty Posco VST lại “cố tình” hiểu sai và viện dẫn đây là các văn bản nhận nợ.

Theo Luật sư Bùi Thị Yến, Đoàn luật sư TP Hà Nội với các vụ án kinh doanh thương mại và cụ thể là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa liên quan tới nợ hàng hóa, việc Tòa án yêu cầu nguyên đơn cung cấp đầy đủ tài liệu chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật, đã được quy định tại Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005 sửa đổi bổ sung 2011 và khoản 5 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự.

TAND quận Nam Từ Liêm đã tuân thủ đầy đủ các quy định của bộ luật tố tụng dân sự để giải quyết vụ việc. Công ty TNHH Posco VST khởi kiện Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Nam để đòi nợ chỉ với biên bản xác nhận công nợ mà kế toán trưởng hai bên ký và các công văn do người đứng đầu Công ty Thành Nam gửi chưa đủ tài liệu để chứng minh cho công nợ phát sinh vì thông thường việc mua bán hàng hóa đều được xác lập bằng văn bản của hai bên có ký nhận của đại diện, khi giao nhận hàng hóa phải có biên bản giao nhận hàng, đây là căn cứ quyết định kiểm chứng cho hành vi người bán đã bán và người mua đã nhận được hàng hóa đúng theo yêu cầu, từ đó mới phát sinh nghĩa vụ phải thanh toán của người mua.

Theo congly.vn