Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol – Hai người được VKSND Tối cao đề cập trong vụ Hồ Duy Hải là ai?

Vụ án Hồ Duy Hải, quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND Tối cao đề cập, ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được thì còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra làm rõ. Vậy Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol là ai, liên quan và được đề cập như thế nào trong vụ án?

Sau khi Hồ Duy Hải bị tòa tuyên án tử hình, mẹ của bị án này là bà Nguyễn Thị Loan cùng luật sư bào chữa cho Hải nhiều lần làm đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị có dấu hiệu liên quan đến cái chết của 2 nạn nhân, nhưng nội dung tố giác đều không được giải quyết.

Luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải cho biết thêm, trong hồ sơ vụ án mà luật sư tiếp cận được, không hề có bản khai nào của Nghị, Mi Sol trước thời điểm Hồ Duy Hải bị bắt; đồng thời cũng không thấy có việc giám định dấu vân tay của 2 nghi can này có trùng với vết máu có dấu vân tay thu giữ tại hiện trường hay không.

DẤU HIỆU LỌT NGƯỜI LỌT TỘI

Với bằng chứng ngoại phạm rất quan trọng là dấu vân tay thu giữ được tại hiện trường không phải là của Hồ Duy Hải, lẽ ra phải ghi nhận, xem xét yếu tố vô tội của Hải. Và cơ quan điều tra phải xem xét vết vân tay ấy là của ai mà đã bỏ lọt, thì đại diện Viện KSND trước đây lại cho rằng: “Về dấu vân tay: Chúng tôi không chỉ dùng dấu vân tay là cơ sở duy nhất để buộc tội bị cáo mà căn cứ vào nhiều chứng cứ khác nữa!”…

Như vậy, theo cáo trạng, Hải khi giết 2 nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi, đã vào nhà vệ sinh đến 2 lần nhưng không lưu lại dấu vết nào. Ngược lại, có dấu vết vân tay của ai đó đã lưu lại tại nhiều nơi nhưng không được cơ quan điều tra làm rõ.

Biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận: “Trên kính (cửa vào buồng ngủ) có dấu vết đường vân”; “Ở mặt trong của kính trên cánh cửa (buồng vệ sinh) có một số dấu vết đường vân”; “Trên labo rửa có 1 số dấu vết đường vân”. Những vết vân tay này đều đã được thu giữ. Dấu vân tay tại hiện trường chắc hẳn là của hung thủ Hải? Không hề!

Theo Bản kết luận giám định số 158/KL-PC21 ngày 11/4/2008, thì: “Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên bản chỉ của Hồ Duy Hải”.

Vậy dấu vân tay này là của ai? Rất tiếc là hồ sơ vụ án chỉ thể hiện dấu vân tay không phải của Hải mà không thể hiện là của ai. Vì sao cơ quan điều tra lại bỏ qua chi tiết, chứng cứ hết sức quan trọng này?

Luật sư Nguyễn Văn Đạt – người bào chữa cho Hồ Duy Hải xuyên suốt từ sơ thẩm đến phúc thẩm và cả giai đoạn khiếu nại kêu oan sau phúc thẩm, từng nhiều lần đặt câu hỏi cơ quan điều tra có giám định dấu vân tay thu được tại hiện trường với dấu vân tay của các cá nhân có liên quan tới vụ án: những người từng là bạn trai thân thiết của nạn nhân Hồng như Misol, Nguyễn Văn Nghị,..

Vì sao không đưa các hồ sơ này vào hồ sơ vụ án? Chính thiếu sót này làm cho dư luận người dân địa phương băn khoăn là Hải đã thế mạng cho ai đó là hung thủ thật sự của vụ án này!

Đặc biệt, trong văn bản của 2 bản án và trong tài liệu hồ sơ vụ án có rất nhiều nhân chứng, như anh Vũ Đình Thường – người mà theo cáo trạng đã nhìn thấy Hải ngồi trong bưu điện; rồi Võ Văn Đang, Võ Minh Đương – những người từng đánh bạc và nhận sim điện thoại, tiền của Hải… Hay ông Thu, cô Hiếu và những người dân phòng đã phát hiện và đi mua hung khí (mua ở chợ, vì hiện trường không tìm thấy, nhưng vẫn kết tội là của Hải)… Nhưng tất cả những nhân chứng này đều không có mặt cả 2 phiên tòa sơ – phúc thẩm!

NGUYỄN VĂN NGHỊ, MI SOL LÀ AI?

Ngay trong chiều 14/1/2008, các trinh sát hình sự Công an tỉnh Long An đã triệu tập khẩn cấp Nguyễn Văn Nghị (28 tuổi, cư trú huyện Cai Lậy) tới CQĐT để làm rõ mối quan hệ với nạn nhân Ánh H., đặc biệt là những dấu hiệu bất thường trong đêm xảy ra án mạng. Theo các trinh sát thì nghi vấn lớn nhất là sau khi xuất hiện tại Bưu điện Cầu Voi vào đêm 13/1, Nghị đã đi đâu không rõ rồi đến chiều hôm sau mới trở về nhà.

Theo lời khai ban đầu của Nghị, thì vào khoảng hơn 20 giờ đêm 13/1, anh ta nhìn thấy 1 thanh niên khác ghé vào bưu điện Cầu Voi và người này cũng chính là bạn trai của H.(?). Nghị nói: “Chỉ nghe nói người thanh niên kia tên Trung, là kỹ sư đang làm việc cho 1 công trình đi ngang qua địa bàn tỉnh Long An. Còn quê quán, địa chỉ cụ thể thì không nắm được”.

Thông tin này cũng được 1 nhân chứng cung cấp tại cơ quan điều tra. Theo nhân chứng này, người kỹ sư tên Trung cũng quen với nạn nhân Ánh H. Ngoài ra, còn có 1 tài xế của cơ quan cấp tỉnh thỉnh thoảng cũng hay ghé ăn cơm trưa tại bưu cục.

Theo lời khai ban đầu của 4 nghi can, trong đêm xảy ra vụ án còn có 1 nghi can thứ 5, cao to, có nước da sáng, tóc xoăn, mặc quần jeans và áo khoác rộng.

Người này cũng là bạn trai của nạn nhân Ánh H. Nghi can Nguyễn Văn Nghị khai khi vào bưu điện đã thấy “tình địch” (biết mặt nhưng không rõ tên) ngồi bên H. từ lâu. Nghị còn khai sau khi chạm trán “tình địch”, anh ta bỏ ra ngoài và không quay trở lại Bưu điện Cầu Voi cho đến sáng hôm sau.

Với những đặc điểm mà Nghị đã miêu tả, nghi can Sol khai đó là Trung, 1 kỹ sư xây dựng, quê ở tỉnh Bình Dương, đang thi công 1 công trình ở tỉnh Long An. Sol cũng đã nhiều lần gặp người này và được Hồng giới thiệu là bạn mới… Trung có liên can không?..

Còn nghi can Sol? Quan hệ tình cảm giữa Hồng – Sol là sâu đậm. Ánh H. đeo trên tay nhẫn cưới do Sol tặng, 2 người đang sống “như vợ chồng”. Tại Biên bản ghi lời khai ngày 21/6/2008, Sol khai: “Sau khi lên TP.HCM thì tôi cũng thường xuyên về bưu điện sống chung như vợ chồng với H. Trung bình cứ 1 tuần thì về 1 ngày. Thời gian gần nhất trước khi H. và V. bị giết, về bưu điện vào ngày thứ Tư 9/1 đến sáng thứ Năm 10/1 tôi mới đi TP.HCM làm tiếp”.

Luật sư Hồng Phong đã trực tiếp gặp chị Hiếu, đồng nghiệp của 2 nạn nhân. Chị Hiếu khẳng định trước giờ chưa bao giờ nghe H., V. nhắc đến Hồ Duy Hải, và cũng chưa bao giờ gặp Hải tại bưu cục Cầu Voi. Nhưng Hiếu nhiều lần gặp Sol, Nghị.

Trong chiều 13/1/2008, chính chị thấy Ánh H. nói chuyện điện thoại di động với Sol 2 lần và khẳng định chắc chắn tối hôm đó Sol sẽ về Cầu Voi. Vì tới lúc 17 giờ chiều, không hề nghe nói Sol không về.

Còn có 3 nghi cán khác là 3 thanh niên quê Vĩnh Long được xác định tên là Nguyễn Văn Sơn (SN 1980); Nguyễn Tuấn Anh (SN 1981); Trần Văn Chiến (SN 1980) cùng là thợ bạc đến tạm trú và làm thuê cho 1 tiệm vàng tại địa phương. Được triệu tập đến cơ quan điều tra làm việc, cả 3 thanh niên đều cho biết có mối quan hệ quen biết với cả 2 nạn nhân, đều đang theo đuổi Ánh H. nhưng chưa ai được cô gái chấp nhận.

Đêm xảy ra vụ án, cả 3 đều đến chơi và trò chuyện với Hồng, rồi cùng đi về vào lúc hơn 19 giờ. Và 3 thanh niên này cũng là bạn của Nghị! Và Nghị khai nhận, đêm đó có đến gặp nạn nhân H., nhưng do gặp nhóm thợ bạc “bạn cũ”, nên khi những thanh niên kia ra về thì mình cũng về theo.

Theo thanh niên này, giữa anh và nạn nhân đang quen nhau nên không có lý do gì gây án. Chứng minh mình vô can, Nghị đưa ra nhân chứng xác định vào thời gian từ 20 giờ 10 tối 13/1, Nghị đã cùng bạn uống nước tại 1 quán cà phê tại thị tứ Cầu Voi.

Chủ quán cà phê cũng xác nhận điều này vì tối đó có 1 sự việc rất đặc biệt, lúc uống cà phê thì giữa Nghị và 1 thanh niên khác đã xảy ra tranh cãi về việc “nhìn đểu” khiến chủ quán phải can ngăn.

Các nghi can này ngoại phạm, nếu vụ án xảy ra vào khoảng 20 giờ 30 đến 21 giờ như cáo trạng. Nhưng nếu vụ án xảy ra sau 22 giờ, thì Nghị, nhóm thợ bạc, Sol, Trung có ngoại phạm không, khi dễ dẫn đến ghen tuông?

Rất tiếc là tất cả những tài liệu, lời khai của các nghi can này trước ngày Hải bị bắt đã bị loại bỏ ra khỏi hồ sơ vụ án. Đây là hành vi vi phạm tố tụng nghiêm trọng!

ĐÊM GÂY ÁN, NGHỊ CÓ MẶT VÀ BỎ TRỐN

Nhiều năm qua, trong quá trình hỗ trợ pháp lý kêu oan cho Hồ Duy Hải, luật sư Trần Hồng Phong còn tìm thấy những dấu hiệu phạm tội của Nguyễn Văn Nghị là 1 trong 3 thanh niên có quan hệ tình cảm với nạn nhân Nguyễn Thị Ánh H. Rất tiếc là cơ quan điều tra (CQĐT) đã bỏ qua, không làm rõ những dấu hiệu này.

Luật sư Phong đã đề nghị làm rõ tình tiết đêm 13/1/2008, sau khi rời khỏi quán cà phê (lúc khoảng 20 giờ 10) Nghị đã làm gì? Ở đâu? Làm rõ tình tiết ánh đèn sáng trên lầu lúc 22 giờ. Ai đã lên lầu và cắt điện tại Bưu điện Cầu Voi vào tối 13/1/2008? Xác định khoa học về thời gian chết của 2 nạn nhân. Qua đó xác định chính xác được thời gian gây án của hung thủ. Đồng thời, tiến hành giám định vân tay đối với Nguyễn Văn Nghị, so sánh với mẫu dấu vân tay của hung thủ thu giữ tại hiện trường. Giải thích vì sao không triệu tập Nguyễn Văn Nghị là nhân chứng trong vụ án? Vì sao toàn bộ thông tin, tài liệu, lời khai của Nghị đều đã bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án?

Theo luật Phong, phải điều tra Nghị: vì ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được thì còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra làm rõ. Sau khi vụ án 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi xảy ra, báo chí trong nước đã liên tục đưa tin diễn biến quá trình điều tra, nội dung chủ yếu từ nguồn thông tin của cơ quan điều tra được cập nhật mỗi ngày. Và nhiều tình tiết cho thấy hung thủ có thể là 1 người khác, không phải là Hồ Duy Hải!

Theo đơn tố cáo của luật sư Phong, qua thông tin báo chí do cơ quan điều tra cung cấp trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra cho thấy, Nguyễn Văn Nghị có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trong đêm gây án. Một trong những bài báo đó đưa chi tiết như sau:

“Manh mối đầu tiên, được một số người dân sống gần hiện trường cung cấp là có 4 thanh niên thường xuyên đến chơi với 2 thiếu nữ (nạn nhân) vào các buổi tối.

Điều tra nhanh, công an được biết trong số 4 thanh niên này, có 3 người quê ở Vĩnh Long, người còn lại thì nhà ngay tại xã Nhị Thành. 3 thanh niên quê Vĩnh Long được xác định tên là Nguyễn Văn Sơn (SN 1980); Nguyễn Tuấn Anh (SN 1981); Trần Văn Chiến (SN 1980) cùng là thợ bạc đến tạm trú tại địa phương”…

Trong lời khai của 3 thanh niên này có 1 chi tiết khiến các trinh sát chú ý. Vì thiếu nữ tên H. có nhan sắc khá mặn mà, là niềm mơ ước của nhiều chàng trai, trong đó có Nguyễn Văn Nghị (SN 1978, ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Theo tài liệu của Công an huyện Thủ Thừa chuyển về, Nghị từng là đối tượng nghiện ma túy!

Thêm một tình tiết xác định Nghị có thể liên quan đến vụ án là vào đêm xảy ra án mạng, có người dân thấy thanh niên này điều khiển xe máy đến gặp 2 thiếu nữ. “Anh ta lúc đó mặc quần jean, có mặc áo gió bên ngoài màu xám” – nhân chứng khẳng định. Ngay trong ngày, ban chuyên án cử trinh sát đến nơi Nghị ở trọ để triệu tập về cơ quan điều tra làm việc nhưng đối tượng không có tại đó.

Tìm đến những nơi nghi phạm thường lui tới, không ai thấy bóng dáng Nghị đâu. Để làm sáng tỏ vụ án, các trinh sát tìm sang tận huyện Cai Lậy “đón lỏng” nghi phạm tại nhà mẹ đẻ, đến khoảng nửa đêm thấy Nghị xuất hiện. Ngay lập tức thanh niên này được áp giải về cơ quan điều tra để lấy lời khai.

Hơn 2 tháng sau khi xảy ra vụ án, Cơ quan Điều tra (CQĐT) bắt Hồ Duy Hải vì cho rằng trong điện thoại của nạn nhân H. có lưu số điện thoại của Hải, trong đó có nhiều tin nhắn thể hiện 2 người có quan hệ tình cảm với nhau. CQĐT cũng cho rằng có 1 nhân chứng đã nhìn thấy 1 thanh niên ăn mặc giống như Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Nghị. Nhưng do Nghị có chứng cứ ngoại phạm nên… Hải chính là thanh niên đó.

Từ đó, chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội của Hải (trong khi Hải có kêu oan, hay lời khai mâu thuẫn thì không được xem xét), CQĐT đã kết luận Hồ Duy Hải là hung thủ giết 2 cô gái. Luật sư Phong khẳng định trong hồ sơ vụ án hiện nay, không có bất kỳ tình tiết nào thể hiện Hải có quan hệ tình cảm với nạn nhân H.; và Hải cũng không hề nhắn tin tình cảm nào với H.

Theo các luật sư, Nghị có quan hệ tình cảm khá sâu đậm và công khai với nạn nhân H. Do vậy, khi tới Bưu điện Cầu Voi nhìn thấy 1 thanh niên đang nói chuyện với H, Nghị ghen tức, nóng giận. Nghị đã bỏ ra ngoài uống cà phê mà không vào bên trong. Sau đó Nghị đã cãi cọ ở quán cà phê vào lúc khoảng 20 giờ 10?

Nghị nghiện ma túy, có mối quan hệ nam nữ phức tạp (đã biết H. có người yêu là Mi Sol), lại trong trạng thái tâm lý ghen tức và nóng giận ra tay sát hại chị H. là hợp lý.

Nghị có mặt tại quán cà phê lúc khoảng 20 giờ 10 không? Điều này chưa đủ cơ sở để kết luận Nghị ngoại phạm. Nếu Nghị chỉ đơn giản là tức giận bỏ đi đi uống cà phê rồi về luôn mà không quay lại Bưu điện Cầu Voi là không hợp lý về logic tâm lý tội phạm. Mặt khác nếu vậy thì Nghị phải chứng minh được trong đêm 13/1/2008 Nghị đã làm gì, ở đâu sau khi ra khỏi quán cà phê?

Cụ thể là vào các mốc thời gian: 21 – 24 giờ và nửa đêm về sáng Nghị đã ở đâu? Ai chứng kiến? Vì thời điểm này quán cà phê chắc chắn đã đóng cửa. Và đây cũng chính là khoảng thời gian mà hung thủ có lẽ đã sát hại 2 cô gái – như trình bày ở phần trên. Việc Nghị có mặt ở quán cà phê không thể là bằng chứng ngoại phạm!

Nếu thực sự không liên quan đến vụ án thì sao Nghị phải bỏ trốn trong đêm xảy ra vụ án mạng, đến nửa đêm hôm sau mới về nhà?

Ánh đèn sáng trên lầu 1 bưu điện vào lúc 22 giờ đêm cho thấy ít nhất 1 trong 2 nạn nhân đã ở trên lầu trong đêm hôm xảy ra án mạng. Điều này cũng chỉ ra khả năng có Nghị (hoặc ai khác, với tư cách là bạn trai của Hồng) có thể đã có mặt trên lầu 1 lúc 22 giờ tối.

FB Hung Ho