Người muốn dừng, kẻ muốn xuất khẩu Gạo: Vựa lúa ĐBSCL ban bố tình trạng khẩn cấp thì giải quyết sao?

Chỉ trong vài ngày, cư dân mạng tranh luận dữ dội trước việc Chính phủ cho dừng xuất khẩu gạo, sau đó là Bộ Công thương kiến nghị tiếp tục xuất dẫn đến việc Chính phủ chỉ đạo rà soát lại thật kỹ rồi mới quyết…

Xung quanh việc xuất hay dừng, tạm chia làm 2 phe. Phe muốn dừng, lấy lý do an ninh lương thực, nếu mở cửa xuất khẩu thì Trung Quốc sẽ gom hết gạo rồi đợi Việt Nam đói họ mở kho bán ngược về Việt Nam. Họ dựa vào việc TQ đầu năm nay mua gấp 6 lần so với năm 2019, cho nên việc tăng đột biến này là có vấn đề.

Dĩ nhiên, không tin TQ là có nguyên nhân: Ai coi TQ là bạn vàng thì coi, còn dân coi là giặc! Lịch sử đã chứng minh, mấy ngàn năm nay, và đặc biệt là mấy mươi năm nay, TQ chưa bao giờ là bạn tốt. Họ chỉ nhăm nhe lấn biên, cướp đảo, phá hoại kinh tế bằng hàng kém chất lượng…

Phe muốn xuất, đưa ra thông tin khá rõ ràng: Nhiều năm nay, năm nào VN cũng làm ra 30 – 32 triệu tấn gạo. Năm mất mùa khốc liệt nhất, cũng giảm khoảng 1 triệu tấn gạo. Mỗi năm, dân VN ăn không đến 10 triệu tấn. Phần gạo dư thừa, được dùng cho chế biến, thức ăn gia súc… Và có 6 – 7 triệu tấn xuất khẩu. Mấy tuần nay, giá gạo xuất khẩu đang tăng, nông dân bán tại ruộng cũng tăng giá từ 25 – 30%, nên có hy vọng mất mùa nhưng trúng giá.

Đùng một cái, thông tin cấm xuất đã làm thương lái ngừng mua, nông dân không bán được lúa trong khi chính phủ chưa có biện pháp hỗ trợ nào.

Hai phe, bên nào cũng có cái lý riêng của mình, cũng có nỗi băn khoăn riêng. Nhưng tựu chung lại, chưa thấy ai giành quyền lợi cho một đối tượng – người nông dân!

Hạn mặn và mùa khô ở ĐBSCL – nơi được coi là vựa lúa của cả nước ngày càng khốc liệt, tính đến tháng 3/2020,nhiều tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Nhiều diện tích lúa tại các tỉnh này chịu thiệt hại nặng nề.

– Tại Cà Mau: Hạn hán đã làm thiệt hại và sẽ có nguy cơ gây thiệt hại hơn 41 ngàn ha lúa, hơn 20 ngàn hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt; đê biển bị sạt lở; ở vùng ngọt nhiều tuyến lộ nông thôn bị sụp lún nghiêm trọng…

– Tại Kiên Giang: Theo Sở NN, tính đến đầu tháng 3, diện tích lúa bị thiệt hại chủ yếu tập trung tại các địa phương như: Hòn Đất (1.050ha), U Minh Thượng (888ha) và Kiên Lương (148ha). Cụ thể, có 307ha bị thiệt hại với tỷ lệ dưới 30%; 1.157ha tỷ lệ thiệt hại 30-70% và 622ha có tỷ lệ thiệt hại trên 70%.

– Tại Bến Tre: Ông Cao Văn Trọng – Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh có hơn 5.115ha diện tích lúa bị thiệt hại trong tổng số 5.287ha diện tích xuống giống. Trong đó có 5.087ha bị thiệt hại trên 70%, 28ha bị thiệt hại từ 30 đến 70%, diện tích còn lại đang bị ảnh hưởng và có khả năng cao là thiệt hại hoàn toàn.

– Tại Tiền Giang: Trong khoảng 10.200 ha tại huyện ven biển Gò Công Đông được gieo sạ thì có khoảng trên 2.800 ha do gieo sạ trễ có nguy cơ bị thiệt hại nặng do thiếu nước tưới. Huyện Gò Công Tây xuống giống gần 9.000 ha thì có 1.158 ha hiện đang ở giai đoạn trổ, nguy cơ thiệt hại rất cao.

– Tại Long An: Đến ngày 10/3, huyện Tân Trụ đã có gần 4.100ha lúa và thanh long bị thiệt hại. Trong đó, diện tích lúa thiệt hại trên 70% là 2.285ha; thiệt hại từ 30 – 70% là 1.275ha. Tại huyện Thủ Thừa, diện tích lúa có khả năng bị giảm năng suất từ 30 – 70% là 1.725ha; 77ha có khả năng mất trắng.

Trong câu chuyện xuất khẩu gạo đang xôn xao hôm nay, đã đến lúc chính phủ xem lại việc xuất khẩu lúa gạo. Đứng nhất nhì làm gì khi người nông dân chỉ biết ngồi khóc trên những cánh đồng khô cháy, sổ đỏ đua nhau chạy vào ngân hàng cầm cố, những đứa bé ở miền Tây: Càng làm ra nhiều gạo thì càng suy dinh dưỡng.

Hạn mặn càng lúc càng cực đoan, nguồn nước càng cho cây lúa càng lúc càng thu hẹp. Đã đến lúc nhìn lại cuộc sống của bà con nông dân, đừng để bà con mình cứ mãi cúi đầu như cây lúa!

Tổng hợp