Lý do không hủy vụ án Hồ Duy Hải dù vi phạm vật chứng cái thớt, con dao
Các cơ quan tố tụng không kịp thời thu hồi cái thớt, con dao làm vật chứng là có sai phạm nhưng bản chất hành vi Giết người, cướp của của Hồ Duy Hải là không thay đổi.
Tại giao ban báo chí sáng nay, Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ cung cấp nhiều thông tin về vụ Hồ Duy Hải.
Ông Tuệ cho biết trên cơ sở kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao, Tòa tối cao tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải từ ngày 6 8/5.
“Lần đầu tiên, Hội đồng thẩm phán Tòa tối cao tổ chức phiên tòa công khai có sự tham gia của các cơ quan tiến hành tố tụng ở TƯ và địa phương, từ sơ thẩm đến phúc thẩm và một số cơ quan TƯ cũng có mặt như Bộ Công an, Ban Nội chính TƯ, Văn phòng Chủ tịch nước, lãnh đạo các cơ quan khác”, ông Tuệ cho hay.
Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ. Ảnh: TTXVN
Theo ông, tại phiên tòa này, đại diện VKSND tối cao không cho rằng bị cáo Hồ Duy Hải bị kết án oan mà cần bổ sung làm rõ một số mâu thuẫn trong hồ sơ và các thiếu sót, vi phạm trong quá trình tố tụng, thậm chí còn đề nghị xem xét điều tra thêm hành vi hiếp dâm của bị cáo.
Không có sai lầm nghiêm trọng thì không phải là căn cứ để kháng nghị
Ông Tuệ chủ động giải thích về 3 băn khoăn mà dư luận đề cập liên quan đến đến kết luận của Hội đồng Thẩm phán Tòa Tối cao.
Thứ nhất, có vi phạm, thiếu sót trong quá trình tố tụng nhưng không hủy án có đúng không?
Theo ông Tuệ, bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định căn cứ để kháng nghị là “nếu thấy có vi phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng mà dẫn tới sai lầm nghiêm trọng thì là căn cứ kháng nghị, không có sai lầm nghiêm trọng thì không phải là căn cứ để kháng nghị”.
Do vậy, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm nhận thấy trong quá trình điều tra, các cơ quan tố tụng có vi phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.
“Các cơ quan tố tụng có sai sót, chúng tôi đều nhìn thấy. Ví dụ như không kịp thời thu hồi cái thớt, con dao làm vật chứng là có sai phạm”, Phó chánh án TAND tối cao nói.
Tuy nhiên, khi xem xét, đối chiếu với những lời khai, chứng cứ khác để củng cố thì Hội đồng thẩm phán thấy rằng bản chất của vấn đề ở đây là hành vi phạm tội Giết người, cướp của của Hồ Duy Hải là không thay đổi. Vì vậy, có sai lầm nhưng sai lầm này không làm thay đổi bản chất của vụ án.
Hội đồng thẩm phán hoàn toàn độc lập
Thứ 2, dư luận nói rằng Hội đồng thẩm phán không vô tư khách quan, không độc lập khi ông Chánh án giơ tay thì các ông thẩm phán khác giơ tay theo?
Giải thích điều này, Phó chánh án TAND tối cao cho hay, các thành viên Hội đồng thẩm phán hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc vào đâu hay ông Chánh án nào cả.
“Chúng tôi là thẩm phán do QH phê chuẩn theo hình thức bổ nhiệm. Bản thân Chánh án cũng chỉ là 1 trong các thành viên Hội đồng thẩm phán, không có gì chi phối mà chúng tôi phải nghe, chúng tôi biểu quyết bằng nhận thức pháp luật của mình và chịu trách nhiệm”, ông Tuệ phân tích.
Vì vậy việc biểu quyết của các thành viên Hội đồng thẩm phán là hoàn toàn vô tư khách quan và các thẩm phán chịu trách nhiệm về biểu quyết của mình. Tất cả vụ án đều như vậy, không riêng vụ Hồ Duy Hải.
Chủ tịch nước thay đổi quyết định thì mới thực hiện các biện pháp tố tụng khác
Thứ 3, dư luận nêu rằng việc Chánh án Tòa tối cao đã từng có quyết định không kháng nghị khi là Viện trưởng VKSND tối cao và hiện nay lại ngồi vào Hội đồng thẩm phán thì là có vi phạm không?
Ông Tuệ lý giải, trong giai đoạn tố tụng bình thường quy định tại bộ luật Hình sự, Hội đồng thẩm phán hoặc những người làm công tác tố tụng phải từ chối tham gia Hội đồng trong một số trường hợp.
Tuy nhiên, giai đoạn giám đốc thẩm là giai đoạn tố tụng đặc biệt. Luật quy định Chánh án, Viện trưởng không có quyền kháng nghị hoặc kháng nghị nhưng vẫn ngồi vào Hội đồng xét xử của Hội đồng thẩm phán và có thế tiến hành tố tụng nhiều lần.
Ví dụ, UB Thường vụ QH yêu cầu giám sát xem xét lại thì cả Hội đồng thẩm phán phải tiến hành xem lại một lần nữa. “Quy định đặc biệt của tố tụng giám đốc thẩm là như thế”, ông Tuệ khẳng định.
Báo chí hỏi: Tại sao không lựa chọn hình thức Hội đồng giám đốc thẩm khác mà không nhất thiết Chánh án Tòa tối cao phải chủ toạ hay Chánh án phải có mặt?
Ông Tuệ cho biết có 2 hình thức, một là hội đồng toàn thể, hai là hội đồng 5 người. “Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, do VKS kháng nghị kéo dài nhiều năm, dư luận xã hội nhiều thì đương nhiên phải xét xử bằng hội đồng toàn thể, quy định Chánh án chủ trì là theo quy định của pháp luật”.
Theo ông, quyết định của Chủ tịch nước là quyết định cuối cùng trong quá trình tố tụng. Sau quyết định của Chủ tịch nước thì các cơ quan tố tụng không được phép thực hiện bất kỳ hành vi nào khác ngoài hành vi thực hiện thi hành án. Đó là quy định của luật.
Với trường hợp này phải xin ý kiến của Chủ tịch nước thay đổi quyết định đó thì mới thực hiện các biện pháp tố tụng khác.
Về chuyện phối hợp giữa TAND tối cao với VKSND tối cao và các cơ quan tố tụng, ông Tuệ cho biết, trong thời gian mấy tháng từ kháng nghị đến lúc xử, tất cả những việc này các đơn vị đều thực hiện trong quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước về việc phối hợp, xử lý giải quyết vụ án trọng điểm.
Nhiều thẩm phán bị đe dọa, bôi nhọ sau phiên xử giám đốc thẩm
Ông Nguyễn Trí Tuệ cho biết, sau phiên tòa, nhiều thẩm phán là thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa tối cao nhận được những tin nhắn đe dọa, xúc phạm.
“Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt về vụ án, kêu gọi chống phá hệ thống tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng từ TƯ đến địa phương, bôi nhọ, quy kết trách nhiệm cả nền tư pháp và các đồng chí trưởng ngành tố tụng từ 2008 đến nay, đặc biệt là đồng chí Chánh án của chúng tôi.
Chúng tôi đánh giá đây là hành vi vi phạm pháp luật, chúng tôi đã có trao đổi với Bộ Công an xem xét những hành vi này cần xử lý như thế nào”, ông Tuệ nói.
Theo Phó chánh án Tòa tối cao, nguy hiểm hơn nữa là có 3 ĐBQH phát biểu không đúng nội dung vụ án, đưa ra những nhận xét chủ quan dựa trên thông tin mạng xã hội.
vietnamnet