Lãnh đạo “tham quyền, cố vị” thì đã làm sao?
Đi thẳng luôn vào vấn đề bằng những cái biển hiệu mà Việt Nam mình từng đề lên trong thời gian dài gần đây: “thực trạng chảy máu chất xám”, “chính sách thu hút nhân tài”, “đãi ngộ nhân tài”,… Nhưng thực tế là đến nay vẫn chưa có một địa phương, một cơ quan nào có cơ chế rõ ràng trong việc sử dụng người tài ở nước ta. Và người tài cứ dần dần ra đi…
Đầu tiên phải thừa nhận rằng, bộ máy nhà nước đang hoạt động kém hiệu quả, bộ máy đang tồn tại những người không đạt tiêu chuẩn, nhưng người không có năng lực. Thu hút người tài về thì đồng nghĩa với việc phải bỏ bớt những người kém năng lực đi. Tuy nhiên, người tài mới được tuyển về thì chức thấp, tiếng nói nhỏ trong khi kẻ kém năng lực có thể là người lãnh đạo cơ quan. Thế rồi, họ tìm mọi cách để không cho nhân tài, người trẻ được thu hút có cơ hội phát triển. Lâu dần, bị “o ép” và người tài tự rời bỏ công việc trong khối nhà nước mà chạy ra môi trường làm việc bên ngoài.
Vâng, nhắc đến người trẻ trong tình huống này, tức là đang nhắc đến cái nạn đề cao “kinh nghiệm” ở Việt Nam. Người ta cho rằng người trẻ thì cứ phải thử thách thật lâu, thật nhiều, người trẻ thì không bao giờ có kinh nghiệm. Nên không cần biết là tài giỏi hay dốt nát, tất cả đều phải đi theo một quy trình chung để tìm cách “thăng tiến” dần dần. Mà hỡi ôi, cứ thử tưởng tượng người dốt mà lãnh đạo người giỏi thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Nước bạn đã và đang trọng dụng người tài bất phân tuổi tác!
Ngay ở cạnh Việt Nam, có một quốc gia mà dường như giới hạn về tuổi tác đã trở thành thứ chẳng có ý nghĩa nữa, Malaysia. Bạn biết đấy, đất nước này có một vị Thủ tướng ở tuổi 92. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Mới đây, Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia cũng vừa công bố bổ nhiệm Syed Saddiq Abdul Rahman, 25 tuổi, vào vị trí Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao của Malaysia. Thật không thể tin nổi!
Nếu như ở Việt Nam, tôi dám chắc sẽ có những người nói “bổ nhiệm thần tốc rồi, kiểm tra lại ngay thôi” hoặc có những người sẽ bảo “trẻ có tí tuổi, làm gì có kinh nghiệm mà làm được Bộ trưởng”. Nhưng không, anh chàng Malaysia 25 tuổi này có cả một bề dày về thành tích quốc tế mà không chỉ khiến người dân Malaysia mà còn tất cả mọi người trong khu vực Đông Nam Á cũng như quốc tế phải kính nể. Syed Saddiq tốt nghiệp ngành luật trường Đại học Hồi giáo Quốc tế và từng 3 lần đoạt giải hùng biện xuất sắc nhất châu Á. Syed Saddiq từng 2 lần từ chối học bổng thạc sĩ trường Đại học Oxford bởi muốn ở lại quê nhà để “cải cách và phục vụ người dân Malaysia”.
Vậy đấy, hãy cứ thử nghĩ xem, nếu một người tài giỏi như thế mà ở Việt Nam, liệu cậu ấy có được làm Bộ trưởng, hay sẽ ngay lập tức sang học tại đại học Oxford. Câu trả lời nó nằm ở thực trạng suốt những năm qua rồi, lớp lớp người tài đều đi du học, và không trở lại…
Nước mình thì sao? – Sự “cũ kỹ” đã ăn sâu vào tiềm thức
Quay trở về với thực tại ở Việt Nam nhé, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi mới tái đắc cử thì bị một phần dư luận gán ghép cho cái danh “tham quyền cố vị dù nhiều tuổi” dù ông khi đó mới ở tuổi 72. Nhưng rồi, năng lực sự thực cũng chứng minh sau khi người ta thấy công cuộc chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng được Tổng Bí thư chỉ đạo mang lại hiệu quả thế nào.
Hay một câu chuyện khác, ở Quảng Trịnh có một Phó phòng Lãnh sự và người Việt Nam ở nước ngoài – Sở Ngoại vụ Quảng Trị rất trẻ (sinh năm 1988), nhưng rồi, anh này là con trai Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị. Vâng, chỉ có thế thôi là ngay lập tức anh này và bố anh bị quy tội “chạy chức”, “bổ nhiệm thần tốc”… Nhưng kết quả kiểm tra cuối cùng là anh này rất nhiều tài năng, được thu hút theo diện thu hút nhân tài để làm việc cho tỉnh Quảng Trị. Và việc bổ nhiệm là hoàn toàn đúng.
Vậy đấy, khi cơ chế thu hút nhân tài còn chưa rõ ràng, trong bộ máy nhà nước cũng có những kẻ năng lực kém không muốn mất việc, mà lại còn cả bộ phận dư luận xã hội chưa có tư duy thoáng về vấn đề sử dụng nhân tài tại Việt Nam. Cả xã hội cứ “nghi ngờ” thì đến bao giờ Việt Nam mới có người tài giỏi mà trẻ tuổi lên làm cán bộ cấp cao. Đến bao giờ người tài mới được thu hút mà không còn bỏ nước qua xứ người làm việc nữa?
Đừng lo, cứ thực chất!
Quay về với anh Bộ trưởng 15 tuổi ở Malaysia, anh này mới chỉ lên chức thôi và người ta cũng chưa biết đây là việc làm đúng hay sai. Nhưng Malaysia vẫn dám đánh đổi để tìm một động lực mới cho đất nước. Họ chấp nhận cho người trẻ như thế cơ hội để thể hiện sự ghi nhận của chính phủ với cống hiến của những người trẻ đồng thời cũng là sự sẵn sàng lắng nghe tiếng nói từ thế hệ có thể mang đến những đột phá cho đất nước.
Vậy thì ở Việt Nam, chúng ta cứ nghi ngại người trẻ thì bao giờ họ mới có cơ hội để cống hiến. Hay việc một người 25 tuổi làm Bộ trưởng ở Việt Nam sẽ là chuyện không bao giờ?
Tại sao không suy nghĩ khác đi và làm tốt hơn. Tôi nghĩ đến sự thực chất thế này! Những năm qua có bao nhiêu vị quan chức lên nhận chức hứa này, hứa nọ rồi hết nhiệm kỳ không làm được gì, rồi lại hứa tiếp? Câu trả lời là quá nhiều.
Vậy, nếu một người trẻ sẵn sàng dám đứng lên và nói “Trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, tôi sẽ thay đổi được nền giáo dục nước nhà, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm một nửa, chỉ số xếp hạng Việt Nam tăng 10 bậc,…” thì chúng ta có cho họ làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục không? Nếu một người dám cam kết: “trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, tôi sẽ xử lý hết được rắc rối tình trạng BOT, giải quyết được tắc đường, ngập lụt,…” thì chúng ta có cho họ làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Cái này khó nhỉ, vì người ta sẽ tiếp tục nghi ngại, nghi ngờ,… và rồi nhân tài lại tiếp tục lẳng lặng đi mất. Bất kể một cuộc chơi nào cũng cần có sự đánh đổi, quyết định càng bất ngờ thì càng mang lại sự thay đổi lớn. Đất nước chúng ta đang thiếu sự đánh đổi đó, vì chúng ta quá “cũ kỹ” và “lạc hậu” trong cách đánh giá kinh nghiệm của nhân tài.
Hãy thực tế đi, mấy chục năm kinh nghiệm cũng không bằng một kết quả thực chất là anh có giải quyết được vấn nạn nào của đời sống đang đặt ra hay không. Hãy cùng tôi, chúng ta cùng hướng đến những giá trị “thực chất”: Người tài phải giải quyết được thực tế xã hội…
(Theo But Danh)