Làm sao triệt dứt nạn “một anh có 14 sân sau”

Ngay sau khi ông Trần Bắc Hà bị bắt, hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa đã bị tòa tuyên án. Còn ở TP.HCM, Vũ “nhôm”, Trần Phương Bình và các cộng sự một thời lừng lẫy ở Ngân hàng Đông Á tiếp tục hầu tòa…

Như nhận xét của báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, không khí “đốt lò” đang làm cho người dân Việt Nam tin vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Nhưng đây chỉ là những nét chấm phá ở hiện tại trong cuộc chiến chống tham nhũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đảng khởi xướng. Từ trước tới nay, trong cuộc chiến chống tham nhũng, người ta thấy cả ủy viên Bộ Chính trị đến các ủy viên trung ương, các tướng, tá cả quân đội, công an, các yếu nhân ở khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân… vi phạm pháp luật đều bị xử lý.

Phải nói chưa bao giờ cuộc chiến chống tham nhũng lại quyết liệt như thế này. công chúng khó mà tưởng tượng được có ngày ngay cả ủy viên Bộ Chính trị cũng bị xộ khám.

Nhưng làm sao tình hình lại trở nên như vậy khi mà các nguyên tắc của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước chưa bao giờ khuyến khích tham nhũng. Dư luận đặt ra câu hỏi vì sao với một hệ thống nguyên tắc của Đảng và pháp luật khá đầy đủ về phòng, chống tham nhũng mà đến nay vẫn có quá nhiều nhân vật cộm cán “dính chàm”?

Thử nhìn vào trường hợp ông Trần Bắc Hà. Nếu những giai thoại về ông Hà như mắng bộ trưởng, tát phó chủ tịch tỉnh… là sự thật thì người ta cũng không khó lý giải vì sao ông Hà lại có thể khuynh loát, lấn át ngay cả những người có địa vị chính trị cao hơn mình rất nhiều. Hệ quả tất yếu của “quan hệ thân hữu” chắc chắn là nguyên cớ để sinh ra những người như ông Hà hay “Út bộ trưởng”.

Nhiều ý kiến nói về “chiếc lồng nhốt quyền lực” và coi đó như phương pháp giám sát, hạn chế và phòng ngừa việc lạm dụng quyền lực để tham nhũng. Mới đây, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 đặt ra vấn đề nêu gương và đề ra cả việc giám sát sự nêu gương của cả ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên trung ương. Điều này chắc chắn cần có thời gian để thẩm thấu và phát huy hiệu quả.

Nhưng xét cho đến cùng, nếu vẫn còn những quan hệ thân hữu kiểu “anh Ba, anh Tư, chị Năm”… hay những “Út bộ trưởng, Dương phò mã…” thì “chiếc lồng nhốt quyền lực” khó mà phát huy hiệu quả. Và rồi sẽ còn nhiều lần nữa khi báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng sẽ lại phải thừa nhận: “Thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu”. Hệ quả của thực thi yếu là sẽ có nhiều nhân vật cộm cán xộ khám vì tham nhũng.

Vì vậy, cần phải mạnh tay triệt phá mối quan hệ thân hữu, cần phải chỉ ra và xóa bỏ cho dù một “sân sau”, chứ không phải “một anh có 14 sân sau” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã nói. Có như thế may ra tham nhũng mới giảm thiểu.

(Theo Sputnik)