Kẻ trộm con gà và người nhận quà 3,7 tỷ – tội ai nặng, ai nhẹ?

Quá trình xét xử vụ gian lận nâng điểm thi THPT quốc gia năm 2018 ở 3 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La là một ví dụ rất điển hình về sự vênh váo rất không nên, cần sớm khắc phục.

Một xã hội được coi là công bằng, dân chủ và văn minh, trước hết cần phải có một hệ thống luật pháp thật hoàn hảo, nghiêm minh khi xét xử người sai phạm. Cách xét xử phải để người vi phạm bất kể là ai, làm công việc gì trong xã hội, đều phải bị xét xử công minh, không có vùng cấm. Chỉ có như vậy dân mới tuyệt đối tin vào chế độ và nhờ lòng tin đó, chế độ sẽ trường tồn, đất nước sẽ phát triển.

Muốn vậy, hệ thống luật hiện hành càng cần có đường lối xét xử đúng. Rất cần có thật nhiều án lệ để cùng có một khuôn thước chuẩn mực chung cho công tác xét xử của ngành toà án trên cả nước sao cho nhất quán. Nếu không, mỗi tỉnh thành sẽ xét xử vênh nhau. Khi ấy, nếu đem ra so sánh, bình phẩm thì thật không hay gì vì rất khó giải thích.

Tôi lấy làm băn khoăn khi mới đây có những câu chuyện xung quanh cách xử lý vi phạm pháp luật. Vẫn biết, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, và những sự việc đó hoàn toàn khác nhau, thế nhưng ngẫm lại thì vẫn thấy có gì đó không thật ổn.

Phiên xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang.

Chuyện thứ nhất:

Ngày 17.9.2019 mới đây, TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Võ Minh Triều (33 tuổi, ở xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) về tội trộm cắp tài sản. Triều bị tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù giam vì đã trộm 1 con gà của anh Lê Vũ Phương. Toà xử như vậy là rất nghiêm khắc, nhưng sao tôi vẫn thấy nghiệt ngã, khi người ta chỉ lấy có 1 con gà, giá trị không đáng bao nhiêu và đối tượng bị thiệt hại cũng trong một gia đình.

Vì thế, tôi cảm giác vụ này các cơ quan tố tụng kết luận và xét xử quá nặng tay, dù rằng Triều có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản, vừa ra tù không lâu thì đối tượng này lại chứng nào tật nấy.

Chuyện thứ hai:

Theo Thanh tra Chính phủ, năm 2019 có 9 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 4,172 tỷ đồng; trong đó có 2 trường hợp nhận quà tặng không đúng quy định, đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 5 người, khiển trách 1 người, sa thải 1 người vi phạm.

Một con số khiêm tốn đến ngạc nhiên. Trong đó, chỉ riêng vụ việc ở tỉnh Cao Bằng đã thật đáng suy nghĩ khi người ta nhận quà tặng lên tới hơn 3,7 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng xác định, Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp Tây Giang (TG Group) đã tặng lãnh đạo Công an tỉnh Cao Bằng một chiếc xe ô tô hạng sang trị giá hơn 3,7 tỷ đồng. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản. Sự việc xảy ra năm 2016 và bị vỡ lở vào năm 2018 khiến Bộ Công an phải vào cuộc điều tra rồi ra kết luận.

Theo giải thích của Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng, năm 2016, Đại tá Nguyễn Văn Hồng – Giám đốc Công an tỉnh thời điểm đó là người đứng ra nhận chiếc xe mà TG Group tặng. Sau đó, chiếc xe được đăng ký biển xanh và giao cho Đại tá Nguyễn Hữu Dũng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng thời điểm này sử dụng. Không lẽ doanh nghiệp tặng xe sang tiền tỷ cho công an tỉnh vô tư đến vậy, và công an tỉnh cũng dùng xe loại cực sang do doanh nghiệp tặng vô tư đến thế?

Sau đó, tôi được biết cả 2 vị lãnh đạo Công an tỉnh Cao Bằng nói trên đều bị kỷ luật cảnh cáo, cho nghỉ hưu trước tuổi. Chiếc xe cũng bị Bộ Công an thu giữ theo quy định.

Sự việc lớn đến mức như vậy mà sao chỉ có kỷ luật cảnh cáo và cho nghỉ hưu sớm mà không nghiêm trị theo luật pháp? Nghỉ hưu sớm vẫn chưa phải là biện pháp trị tội nghiêm khắc theo luật mà chỉ là cách để giúp họ “hạ cánh an toàn” thì đúng hơn (?).

Để kiểm soát việc tặng quà, nhận quà, Chính phủ vừa qua cũng đã rà soát, ban hành quy định mới về tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng. Điều này rất đúng và rất cần thiết. Chỉ có vậy mới ngăn được lằn ranh sai phạm hay tội phạm của mỗi người, tuy hơi quá muộn. Tuy nhiên, nó cần sự khách quan, công tâm, có lý có tình mà vẫn thể hiện tính nghiêm khắc.

Các bị cáo trong vụ gian lận thi cử Hà Giang tại tòa.

Chuyện thứ ba:

Những dấu hiệu “mua bán điểm thi” trong 3 vụ án ở Hoà Bình, Sơn La, Hà Giang là rất giống nhau, thế nhưng chỉ có vụ ở Hoà Bình là do Bộ Công an tiến hành điều tra, còn 2 tỉnh kia lại để địa phương đứng ra làm.

Và thực tế đã cho thấy sự hài hước đến tức cười khi ở Hà Giang, cách xét xử không như ở Hoà Bình là khá rõ. Ngay cả kết luận của Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Giang đưa ra cũng khiến người ta khó nhịn được cười khi họ “đánh võng” câu chữ rất “phô”, thật khó có thể thuyết phục nổi một ai.

Trừ việc Cơ quan điều tra vụ án ở Hòa Bình khởi tố hai đối tượng về tội đưa và nhận hối lộ, còn lại có tới cả trăm đối tượng trong 3 vụ án này có dấu hiệu thoát tội dù cũng có khai báo xung quanh việc đưa và nhận hối lộ, “vì chưa đủ cơ sở để kết luận”. Không lẽ có tỉnh thì người vi phạm thừa nhận đưa hối lộ cả tỷ để xin nâng điểm mà tỉnh khác thì vô tư, chỉ xin xem điểm hộ nhưng người ta lại cố ý nâng điểm giúp! Sao lại “trong sáng” và nhiệt tình đến thế?

Từ 2 vụ án tại Hà Giang và Sơn La, trong quá trình điều tra, xét xử cũng chưa có đối tượng nào bị khởi tố về tội đưa, nhận hối lộ. Thật lạ lùng nếu như ai đọc kỹ là có thể thấy rất rõ dấu hiệu tiêu cực trong đó. Ấy thế nhưng diễn biến ở hai phiên tòa là rất khác nhau.

Sự hài hước và phi lý còn ở chỗ, Hà Giang là tỉnh có số thí sinh, số bài thi được nâng điểm nhiều hơn hẳn so với Sơn La, Hòa Bình, nhưng lại có số đối tượng bị khởi tố ít nhất.

Trong kết luận điều tra ở 3 vụ án này, tôi thấy rất rõ những bất cập trong quá trình điều tra của 3 địa phương. Nếu như chuyện chỉ xảy ra ở 1 tỉnh nào đó thôi thì sẽ khó so sánh. Nhưng khi xảy ra cùng đợt, cùng điều tra rồi cùng xét xử thì rõ ràng rất không ổn. Nên chăng cần xem lại việc này để chấn chỉnh và sớm có ngay một án lệ riêng cho ngành giáo dục qua việc khép tội nâng điểm thi kiểu này. Đặc biệt là việc nên để Bộ Công an tiến hành điều tra và kể cả việc chuyển cho toà cấp cao khu vực tiến hành xét xử thì hy vọng sẽ nghiêm túc hơn.

Mấy vụ việc mà tôi vừa nêu đã cho thấy công tác thanh tra bên chính quyền, công tác kiểm tra bên Đảng, công tác điều tra xét hỏi, xét xử bên các cơ quan pháp luật đã và đang có những bất cập nhất định khiến dân chưa hài lòng. Không lẽ tình trạng này cứ để diễn ra mãi hay sao?

Trong vài năm gần đây, ngành toà án cũng đã rất quan tâm đến việc xây dựng án lệ và xác định rõ,việc xây dựng án lệ chính là nhu cầu tất yếu trong điều kiện cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ và đến nay, sau hơn 4 năm xay dựng và thực hiện đã cho thấy những mặt tích cực đáng khích lệ. Tuy nhiên, cuộc sống vốn dĩ rất phức tạp cho nên nó cũng bộc lộ những bất cập nhất định, dù cái tích cực vẫn là chủ đạo.

Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng án lệ cho thật phong phú, đa dạng sẽ tạo điều kiện để hệ thống toà án nước nhà xét xử nhất quán hơn. Vụ gian lận nâng điểm thi THPT QG năm 2018 với cách xét xử như vừa qua ở 3 tỉnh là một ví dụ rất điển hình về sự vênh váo rất không nên, cần sớm khắc phục. Hy vọng từ thực tiễn nói trên, mọi việc sẽ ngày một tốt hơn để không còn tình trạng xét xử các vụ việc, hoặc thậm chí cùng một hiện tượng, bản chất nhưng mỗi nơi lại xét xử khác nhau.

Theo Dân Việt