Cấm buôn bán tự do đồng USD nhưng vô tư cho đồng nhân dân tệ giao dịch như chốn không người ở Khánh Hòa?

Trong khi người dân đi đổi tài sản là đồng USD tại cửa hàng vàng bạc để lấy tiền tiêu dùng ở Cần Thơ thì bị phạt tới 90 triệu VND về hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép, trong khi ở Khánh Hoà thì người ta tự do trao đổi công khai Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc như chỗ không người.


Vậy phải chăng Khánh Hoà là khu vực mậu dịch tự do và hơn thế nó là tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc để có thể tự do lưu thông, giao dịch tiền mặt là Nhân Dân tệ (CNY) theo Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước vừa có hiệu lực mới đây?
Hay là trên đất nước này đang tồn tại hai loại luật pháp đối với cùng một đối tượng là ngoại tệ (USD và CPY đều là ngoại tệ)

Điểm đổi tiền đồng nhân dân tệ Trung Quốc công khai ở Nha Trang

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, 7 tháng đầu năm 2018, lượng khách du lịch quốc tế đến Nha Trang (Khánh Hòa) đạt trên 1,6 triệu lượt, tăng 44% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng khách Trung Quốc (TQ) đạt trên 1 triệu lượt, chiếm đến 65% lượng khách quốc tế đến tỉnh này. Với lượng khách áp đảo như vậy, việc phục vụ du khách TQ đang tồn tại nhiều vấn đề.
Ngày 30-9, tại các khu phố tập trung đông du khách như Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Hoa Thám, rất nhiều cửa hàng treo bảng chấp nhận thanh toán qua ví điện tử như: Alipay, Wechat pay hay sử dụng máy quẹt thẻ thanh toán ngân hàng trực tuyến (POS). Bên cạnh đó, tình trạng đổi đồng nhân dân tệ được công khai.
Các điểm đổi tiền treo bảng bằng tiếng TQ, khách TQ dễ dàng sử dụng nhân dân tệ để đổi qua tiền Việt. Thậm chí, khi mua hàng, mua tour…, khách TQ sẽ được hướng dẫn viên đổi tiền để mua sắm.
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết tất cả các giao dịch, đổi tiền bằng đồng nhân dân tệ trên lãnh thổ Việt Nam đều là trái pháp luật. Du khách phải đến các điểm đổi tiền được quy định ở các cửa khẩu. “Chúng tôi vừa tổ chức đoàn kiểm tra các cửa hàng đăng ký thanh toán bằng máy POS thì đều chấp hành đúng quy định. Còn những máy POS chui rất khó xử lý, đòi hỏi phải có lực lượng có nghiệp vụ như công an, quản lý thị trường kiểm tra đột xuất thì mới phát hiện được” – lãnh đạo này nói.
Bên cạnh đó, các cửa hàng chuyên phục vụ khách TQ vẫn tồn tại. Điển hình như cửa hàng đá quý, đá phong thủy Hoàng Gia (đường 23 tháng 10) chỉ bán cho khách đoàn TQ, cửa đóng kín mít chỉ để lối vào và lối ra. Nhân viên bán hàng chủ yếu là người TQ sống ở cách cửa hàng không xa. Tại khu vực đại lộ Nguyễn Tất Thành, có gần 10 cửa hàng chủ yếu là sản phẩm chăn ga, gối nệm cao su… có xuất xứ từ TQ được nhập khẩu TP HCM và các cửa hàng bán lại cho chính du khách… TQ.

Chi cục QLTT nhiều lần cử đoàn kiểm tra và phát hiện rất nhiều sai phạm. Vào tháng 4, chi cục kiểm tra 10 cơ sở thì phát hiện 8 cơ sở sai phạm, xử phạt trên 145 triệu đồng; tháng 5 kiểm tra 5 cơ sở thì 3 cơ sở sai phạm.
(Theo Lao Dong/Soha)