Huy động cả hệ thống chính trị, dời đồn biên phòng để giúp Quyết “còi” thâu tóm Lý Sơn, ông Trần Ngọc Căng, Lê Viết Chữ sẽ chịu trách nhiệm ra sao?

Kết luận trong kỳ họp lần thứ 44 của UBKTTW, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Trần Ngọc Căng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi “đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét kỷ luật”. Trong số hàng loạt sai phạm, gây ồn ào và phẫn nộ dư luận cả nước nhất phải kể đến vụ lãnh đạo Quảng Ngãi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp sức Trịnh văn Quyết – con rối dưới tay Trung Cộng thâu tóm Lý Sơn, nơi có vị trí địa chính trị và an ninh cực kỳ hiểm yếu, thậm chí, tỉnh này còn ứng trước cho F’LC 500 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, bao gồm giải tỏa luôn cả… một đồn biên phòng để làm dự án.

Về vụ ồn ào này phải nhắc đến sự tiếp tay trắng trợn của Trần Ngọc Căng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khi chỉ trong vòng 45 ngày có đến 12 công văn hỏa tốc phục vụ cho dự án của F’LC. Có lẽ tổ chức Kỷ lục Việt Nam nên xem xét trao 2 kỷ lục cho ông Căng đó là “Người có nhiều công văn hỏa tốc cho một dự án nhất” và “Người có nhiều công văn hỏa tốc trong thời gian ít nhất”.

Tiếp đến là ông Lê Viết Chữ – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, người cũng có nhiều sốt sắng liên quan đế dự án của F’LC lúc đó. Thậm chí khi ấy, khi đi tiếp xúc cử tri các xã ở huyện Bình Sơn, ông Chữ có nói vầy: “Tôi có xuống vùng làng chài gần dự án của F’LC ở Bình Định, thấy nhà cửa sạch sẽ, người dân làm cá, trồng rau, nuôi heo, gà cung cấp cho F’LC”. Nhưng thực tế là không có như vậy, và có thể hiểu là ông Chữ nói láo với cử tri của mình…

Với vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng về an ninh quốc phòng: nhìn ra bao quát cửa ngõ Biển Đông, nhìn vào là vị trí xung yếu của miền Trung, trước khi F’LC đòi triển khai dự án đã có một tập đoàn nhà nước Trung Quốc đến vung tiền đòi quy hoạch Lý Sơn, tuy nhiên lời đề nghị này đã bị báo chí và TTCP lên tiếng phản đối vì có thể đặt đất nước vào tình thế nguy hiểm, khó ai có thể an lòng. Lạ là ngay khi Tập đoàn nhà nước Trung Quốc rút lui, chẳng bao lâu sau thì Trịnh Văn Quyết rầm rộ kéo quân đến đòi đầu tư dự án tỷ đô ngay chính khu vực này. Và trước sự sốt sắng của Quảng Ngãi khi vội vàng giao vùng đất chiến lược Bình Châu – Lý Sơn cho Tập đoàn F’LC làm dự án du lịch bằng tiền vay Trung Quốc khiến dư luận rộn ràng cả thời gian dài.

BÌnh Châu, Lý Sơn vốn nổi tiếng trong lịch sử với nghề cá truyền thống và những hải đội Hoàng Sa, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia trên vùng biển này. Với ngư dân Lý Sơn, vùng biển Hoàng Sa nhiều thế kỷ qua giống như sân nhà của họ. Nhưng kể từ khi Trung Quốc bao vây Biển Đông và ra sức ngăn cản bằng vũ lực, dâm tàu, cướp bóc, bắt bớ, bắn giết ngư dân Việt trên Biển Đông, nghề cá của Bình Châu, Lý Sơn gặp kiếp nạn. Nhiều gia đình ngư dân mất của, mất người, không còn điều kiện ra biển nữa. Tuy vậy, Lý Sơn, Bình Châu vẫn luôn là biểu tượng, lịch sử và thực tế khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của người Việt từ nhiều thế kỷ qua.

Dự án du lịch cao cấp của F’LC với tiền vay Trung Quốc nay có khả năng xóa sổ ký ức ít ỏi còn lại về những đội hùng binh Hoàng Sa trong lịch sử cũng như nghề cá truyền thống Bình Châu – Lý sơn tại vùng biển Hoàng Sa.

Điều đáng nói, Quảng Ngãi là một tỉnh “nghèo rớt mùng tơi”, “chó ăn đá gà ăn sỏi”, hàng năm phải vác rá ra chính phủ xin gạo cứu đói, thì lấy đâu ra số tiền 500 tỷ đồng để đền bù giải tỏa trong thời gian sớm nhất để Tập đoàn F’LC có được “đất sạch” – mà hiểu một cách trần trụi là đuổi sạch ngư dân khỏi mảnh đất chôn rau cắt rốn và làm kiệt đường sinh nhai của họ? Không rõ vì lý do gì mà UBND tỉnh Quảng Ngãi vô cùng sốt sắng như thế? Khi nhà đầu tư không cần bỏ tiền ra trước, chỉ ra lệnh, thì lập tức cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ngãi nhanh chóng vào cuộc và lấy tiền thuế của dân ra để ứng trước cho việc giải phóng mặt bằng. Nói giải phóng theo thuật ngữ tự điển là làm cho đời sống người dân tốt hơn sau khi di dời, nhưng ở đây là cưỡng chế thu hồi đất trong một nốt nhạc, còn dân sống thế nào thì … để mai tính. Chẳng biết Trần Ngọc Căng ngồi vào vị trí Chủ tịch UBND tỉnh để phục vụ lợi ích của các cử tri hay lợi ích của các doanh nghiệp “biết điều” như F’LC? Chỉ riêng một dự án này, việc kỷ luật và điều tra ngài Căng là vô cùng bức thiết, là đòi hỏi chính trị cần trả lời cho nhân dân cả nước.

Nhiều nguồn tin bên lề từ các bạn học luật với ông Trịnh Văn Quyết cho hay, bản thân Trịnh Văn Quyết chẳng có tiền đồng nào, nói tập đoàn cho oai chứ năm 2008 mới thành lập kiểu “tay không bắt giặc”. Được thời, nhờ các thế lực ngầm chống lưng, rót tiền mà phất lên. Không biết tại sao mà đi đến đâu, Quyết cũng dễ dàng thâu tóm hàng loạt đất vàng mà không cần bỏ ra đồng nào, ngân sách tỉnh thậm chí còn làm đường sẵn tới tận dự án của y. Nhiều nguồn tin khẳng định anh Quyết có mối quan hệ thân thiết với Tàu Cộng khi vay nợ hàng trăm tỷ đồng của Ngân hàng Trung Quốc chỉ trong một cái búng tay. Tất nhiên, đằng sau đó là những khoản riêng ngoài giấy tờ và điều khoản “đen” nào thì nhiều người cũng có thể đoán được. Ngay từ khi thành lập, Quyết còn đánh tiếng sẵn sàng nhượng cả dự án – tất cả đều nằm ven biển và có địa thế hết sức quan trọng trong việc phòng thủ quân sự và bảo vệ đất nước – cho nhà đầu tư nào có nhu cầu. Rõ rồi, những vùng biển chiến lược đó, còn ai có nhu cầu chiếm hơn cả ngoại trừ Tàu Cộng đây?

Trở lại dự án ở Quảng Ngãi, nếu bàn giao mặt bằng cho Tập đoàn F’LC thì hơn 2.000 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có 790 hộ phải di dời nhà cửa, tái định cư. Về đất quốc phòng (0,77 héc-ta) thì ngoài Đồn biên phòng xã Bình Hải, còn có một ngôi chùa, ba nhà văn hóa thôn, một trường tiểu học và một trường mầm non cũng sẽ phải bị đập bỏ, di dời.

Trong số 12 công văn hỏa tốc mà lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi sốt sắng ban hành chỉ trong vòng 45 ngày liên quan đến dự án của F’LC, thì công văn ngày 18/4 là gây nhiều mối quan ngại nhất khi “yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc”, di dời đồn biên phòng, mỗi 8km mở 1 lối đi xuống biển… Đồng thời, để “phục vụ” F’LC, tỉnh Quảng Ngãi còn đề xuất cho doanh nghiệp này ứng 500 tỷ đồng để khẩn trương bồi thường giải phóng mặt bằng cho kịp khởi công vào ngày 19/5.

Trước đó, tỉnh Quảng Bình đã trở thành một “bài học” cho cả nước khi cũng sốt sắng cho F’LC ứng gần 200 tỷ để giải phóng mặt bằng, sau bao nhiêu năm mới trả được 70 tỷ rồi… im luôn. Vậy mà Quảng Ngãi chẳng những không lo ngại gì trước hồ sơ “đen thùi” của F’LC mà còn cả gan lặp lại sai lầm của Quảng Bình, phớt lờ luôn nỗi lo về an ninh quốc phòng, nhất là trong bối cảnh chủ quyền biển đảo bị Trung Quốc liên tục xâm phạm và có nhiều hành động gây hấn. Nguyên nhân vì sao? Các ông có “ăn chịu” của F’LC để lấy gần hết biển Quảng Ngãi cho tập đoàn này?

Nhìn bài học của các lãnh đạo Quảng Ngãi, liệu chính quyền các tỉnh thành khác đang sốt sắng, cả bộ máy vào cuộc để F’LC làm dự án có bao giờ tự hỏi: Vì sao Trịnh Văn Quyết liên tục đến các tỉnh thành ven biển để làm dự án? Các dự án trong đất liền của Quyết thì làm chơi, thậm chí để hoang nhiều năm không động đến, vậy mà các resort ven biển thì đua nhau mọc lên như nấm, gần như rải đều khắp đất nước, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung hiểm yếu. Vì sao hãng hàng không của Trịnh Văn Quyết là Bamboo Airlines lại rầm rộ thành lập lấy số má, tuyên bố không bao giờ lo nguồn vốn nhưng nhanh chóng bán đứt cho “nhà đầu tư nước ngoài” – nhiều nghi ngại chính là Trung Cộng – lên đến 49% chỉ vài tháng sau khi cất cánh? Rồi thì việc Quyết được Ngân hàng Trung Cộng rót vốn quá dễ dàng, lấy gì đảm bảo? Phải chăng là những bãi biển miền Trung, resort cao cấp ven biển, đất đặc khu, casino đã có giấy phép? Và có ai tự hỏi, vì sao chỗ nào càng có vị trí hiểm yếu về phòng thủ, an ninh quốc phòng thì Trịnh Văn Quyết càng “chơi lớn”, xây dựng những siêu dự án nghỉ dưỡng hay không?

Cũng may, trước sự vào cuộc rầm rộ của báo chí và phản đối của người dân, dự án này đã bị Chính phủ yêu cầu dừng ngay lập tức, nếu không cuộc sống của người dân Lý Sơn chắc chắn sẽ “đổi đời” như viễn cảnh tại các tỉnh thành khác: Không còn ra biển nữa, chỉ cần học nói tiếng Tàu, đổi đời bằng cách phục vụ khách du lịch Trung Quốc tràn ngập như nước lũ, phục vụ cho chúng để nhận lại những đồng Nhân dân tệ. Những ngôi mộ gió của cha ông, miếu âm hồn thờ cúng lính Hoàng Sa, các dòng họ nổi tiếng của đội hùng binh được triều đình phong tặng … nay trở thành địa chỉ du lịch, giải trí cho những người khách từ quốc gia luôn có dã tâm cướp biển, cướp đảo và cướp đi sư sống bình yên của vùng đất này.

Nhưng nay, phải điều tra thật kỹ không chỉ các cựu lãnh đạo Quảng Ngãi đã cố ý sai phạm đất đai, tiếp tay cho Quyết rước cáo vào nhà. Các vị này phải chịu trách nhiệm nghiêm khắc cho hành động đi ngược lại lợi ích tỉnh nhà và nhân dân Quảng Ngãi, làm gương cho các tỉnh thành khác nhìn vào đó mà rụt tay, không dám phớt lờ coi thường luật pháp đất nước này nữa.

Lan Anh