Hậu “bãi Tư Chính”: Việt Nam cần hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát Biển, chứ không phải “thắt chặt hữu nghị với TQ”

Sự kiện bãi Tư Chính đã kết thúc với việc Trung Quốc ôm hận mà lui binh về nhà, sau khi nỗ lực quấy nhiễu và khiêu khích Việt Nam không thành. Qua sự kiện này có thể thấy, chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – và hàng chục lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam đã không làm tàu Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc rời khỏi bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam mà chính sự kiên cường và bình tĩnh của lực lượng Cảnh sát biển và các chiến sĩ ngoài đảo xa mới là mấu chốt.

Từ hôm 03/7/2019, Cảnh sát biển VN phải đối mặt với đội tàu cảnh sát biển có vũ trang hùng hậu của Trung Quốc, đi theo bảo vệ cho Haiyang Dizi 8 thăm dò dầu khí tại bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Tàu cảnh sát biền Trung Quốc số 3901 rất lớn – đến 12.000 tấn, có máy bay trực thăng; Tàu thứ hai số 37111 có trọng tải 2.200 tấn. Trong khi đó, lớp tàu cảnh sát biển lớn nhất của Việt Nam hiện nay, như CSB 7011 chỉ có trọng tải 2.900 tấn, tải trọng giãn nước toàn phần khoảng 4.300 tấn, và lại có số lượng rất ít ỏi.

Phải nhìn một cách thẳng thắn rằng, dù lãnh đạo cấp cao và bộ quốc phòng hai nước có ký bao nhiêu văn bản hòa bình và hữu nghị, thì việc Trung Quốc không ngừng xâm chiếm biển Đông của Việt Nam là điều không tránh khỏi. Các hiệp ước, các vòng đàm phán chỉ là kế sách kéo dài thời gian, là bộ mặt giả tạo hòa bình hữu nghị của quân xâm lược, chứ không bao giờ là thực tâm của Trung Quốc.

Bởi biển đảo đang là nơi Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh xâm lược, nên Hải quân Việt Nam là binh chủng cần phải hiện đại hóa trước hết trong các binh chủng của Quân đội Nhân dân. Nhưng trong Hải quân, thì Cảnh sát Biển là lực lượng phải hiện đại hóa đầu tiên và cấp thiết nhất.

Một cuộc nổ súng của lực lượng hải quân có thể khơi ngòi cho một cuộc chiến tranh, nên tất cả các bên đều cố tránh. Trong hoàn cảnh như vậy, chỉ có lực lượng cảnh sát biển với đông đảo các tàu lớn, có vũ khí, không ngại va chạm trực diện, mới có thể dùng vòi rồng, để đuổi các tàu dân quân và cảnh sát biển của Trung Quốc ra khỏi lãnh hải Việt Nam.

Trong các kiểu xâm chiếm biển của Trung Quốc, có phương thức xua hàng chục ngàn tàu dân quân đánh cá đi chiếm thực địa, nếu không có một lực lượng cảnh sát biển hùng mạnh thì không thể nào xua nổi chúng ra khỏi lãnh hải Việt Nam.

Rồi đây, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc sẽ còn thường xuyên đi vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam để thăm dò dầu khí – dưới sự bảo vệ của đông đảo tàu cảnh sát biển và Hải quân Trung Quốc. Một mình lực lượng cảnh sát biển Việt Nam khó có thể chống chọi. Nên Việt Nam cần sự hợp tác của lực lượng cảnh sát biển và hải quân quốc tế.

Thay vì đi Trung Quốc, Việt Nam cần đi nhiều hơn sang Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc, Anh, Pháp, Đức để có thêm tàu cảnh sát biển và hải quân các nước này hiện diện tại biển Đông Nam Á.

Mua sắm tàu mới, viện trợ tàu cũ, mua bán vũ khí, viện trợ quân sự, đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ thông tin vệ tinh, hỗ trợ khí tượng, tập trận chung, tuần tra chung, viếng thăm, neo đậu ngắn hạn, neo đậu dài lâu, sửa chữa và nâng cấp… trăm phương ngàn cách, ngõ hầu mới cản trở bớt được phần nào sự ngang ngược của Trung Quốc.

L.A (theo FB Nguyễn Ngọc Chu)