Gần 2.300 hồ sơ thương binh giả ở các quân khu

Đoàn thanh tra liên ngành phát hiện hơn 11.000 hồ sơ thương binh nghi giả và bước đầu dừng trợ cấp gần 2.300 trường hợp.

Gần 2.300 hồ sơ thương binh giả ở các quân khu

Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo về việc phối hợp với Bộ Quốc phòng thanh tra liên ngành việc xét duyệt, xác nhận hồ sơ thương binh do cơ quan quân đội thực hiện tại bảy quân khu (các quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9) và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội từ năm 2015 đến nay.

Đây là cuộc thanh tra đầu tiên với quy mô lớn được Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng phối hợp tiến hành. Hồ sơ vụ việc này phức tạp và liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân.

Kết quả bất ngờ

Theo đó, sau khi kiểm tra hơn 66.000 hồ sơ gốc đang được lưu tại các quân khu, đoàn thanh tra đã phát hiện 11.320 hồ sơ có nghi vấn phải giám định, xác minh.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong các hồ sơ nghi vấn trên có gần 7.500 hồ sơ xác lập trên cơ sở giấy tờ gốc nghi vấn giả mạo cần giám định, gần 3.000 hồ sơ xác lập trên cơ sở bản sao danh sách quân nhân bị thương cần kiểm tra, xác minh và hơn 1.000 hồ sơ cần bổ sung theo quy định.

Cụ thể, ở Quân khu 4, qua kiểm tra hồ sơ tại Phòng chính sách quân khu và Bộ chỉ huy Quân sự, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh trên địa bàn quân khu, phát hiện hơn 4.000 hồ sơ sai sót và nghi vấn sai sót. Tương tự, các quân khu 1, 2, 5, 9, 7 cũng có hàng ngàn hồ sơ nghi vấn sai sót.

Từ việc kiểm tra, xác minh tại đơn vị cấp giấy tờ, thanh tra đã rút hồ sơ gốc từ các quân khu để giám định tại Phòng giám định kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng).

Kết quả bước đầu có gần 2.300/66.061 hồ sơ được xác định là khai man, giả mạo giấy tờ gốc hoặc không có tên trong danh sách quân nhân bị thương lưu tại đơn vị để làm căn cứ xác lập hồ sơ thương binh. Số tiền phải thu hồi tại các quân khu là hơn 200 tỉ đồng.

Riêng tại Quân khu 4, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành hai quyết định (vào tháng 6-2018 và ngày 20-8-2019) đề nghị Quân khu 4 tiến hành thu hồi giấy chứng nhận bị thương 1.114 trường hợp.

Lãnh đạo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết việc phối hợp thanh tra được tiến hành từ năm 2015 nhưng đến nay nhiều hồ sơ nghi vấn vẫn chưa thể đưa ra kết luận, nguyên nhân do thiếu kinh phí. “Việc giám định hồ sơ cần khá nhiều tiền nhưng trước đây việc bố trí kinh phí hạn chế nên phải làm dần. Dự kiến năm 2019 cần 2 tỉ đồng để tiến hành giám định các hồ sơ còn lại. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ được bố trí trên 1 tỉ đồng…” – vị lãnh đạo này thông tin.

Gần 2.300 hồ sơ thương binh giả ở các quân khu - ảnh 1

Việc phát hiện ra nhiều hồ sơ thương binh giả cho thấy quá trình xác lập hồ sơ có kẽ hở. Trong ảnh: Những thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019. Ảnh: VIẾT LONG

Các thủ đoạn lập hồ sơ giả

Nhiều hồ sơ sử dụng tài liệu giả để lập hồ sơ thương binh và trợ cấp thương tật.

Theo thanh tra, các trường hợp khai man, giả mạo hồ sơ thương binh có điểm chung là hình dấu trên tài liệu được kẻ, vẽ tay hoặc in phun màu; tẩy xóa nội dung cũ, viết lại nội dung mới.

Cụ thể, ông Nguyễn Trọng Th. (ngụ Can Lộc, Hà Tĩnh) có hồ sơ được xác lập trên cơ sở giấy ra viện tháng 9-1979 của đơn vị 1654. Về hồ sơ này, giám định chỉ rõ: Tại mục họ và tên đã tồn tại chữ viết là “Đoàn Xuân Mai”; tại mục tuổi đã tồn tại chữ số ghi là “31 tuổi”…

Trên giấy ra viện bị tẩy xóa các thông tin về quân hàm, đơn vị, ngày ra viện, tình trạng vết thương, ngày ra viện… rồi ghi đè lên!

Ngoài ra, nhiều trường hợp khi kiểm tra ở đơn vị nêu trong hồ sơ thì không nằm trong danh sách quân nhân bị thương; các trường hợp làm chứng không cùng đơn vị…

Để xảy ra các sai sót nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các quân khu kiểm điểm trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với các cá nhân, đơn vị liên quan đến việc xác nhận thương binh để xảy ra sai sót về chuyên môn.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết đối với các đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ ngoài bị thu hồi thẻ thương binh, các sở LĐ-TB&XH sẽ tiến hành thu hồi tiền trợ cấp.

“Với các trường hợp đã từ trần, đoàn thanh tra yêu cầu ban hành văn bản cụ thể nội dung hồ sơ sai sót đến thân nhân, chính quyền địa phương và lưu giữ tại hồ sơ thương binh của đối tượng; không thực hiện các chế độ ưu đãi đối với thân nhân (nếu có) với các trường hợp trên” – lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH khẳng định.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện việc thu hồi số tiền trợ cấp, hỗ trợ gặp khó khăn vì đa phần đối tượng lớn tuổi, có người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đã chết nên kiến nghị miễn thu hồi một số đối tượng. “Thủ tướng chỉ đồng ý miễn nộp đối với các trường hợp đã chết. Còn các đối tượng khác đã giả mạo, khai man hồ sơ để hưởng chính sách thì nhất quyết phải thu hồi…” – lãnh đạo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH nói.

Có khiếu nại sẽ gửi kết quả giám định

Theo bà Đàm Thị Minh Thu, Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, các trường hợp bị thương thật nhưng giấy tờ gốc trước đây đã được xác định là khai man, giả mạo nhưng bổ sung được hồ sơ, tài liệu gốc có ghi bị thương, đảm bảo tính pháp lý thì được phép lập hồ sơ mới theo quy định hiện hành.

Với các trường hợp hồ sơ xác lập trên cơ sở bản sao danh sách quân nhân bị thương nhưng kết quả xác minh tại đơn vị xác định đối tượng không có tên trong danh sách quân nhân bị thương, nay bổ sung hồ sơ nếu đảm bảo tính pháp lý, các thông tin trùng khớp với hồ sơ xác lập ban đầu thì có thể xem xét khôi phục chế độ.

Việc xử lý hồ sơ căn cứ vào kết quả giám định kỹ thuật hình sự là rất rõ ràng, khoa học. Nếu đối tượng bị đình chỉ trợ cấp có khiếu nại, thanh tra sẵn sàng cung cấp kết quả giám định.

Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đang triển khai thanh tra toàn diện về hồ sơ đối tượng hưởng chế độ trợ cấp nhiễm chất độc hóa học trên phạm vi toàn quốc.

Pháp luật