Đừng để “pháp luật trên trời, còn đời dưới đất”

Sự việc đối tượng Đỗ Mạnh Hùng (sinh năm 1982, quê An Lão, Hải Phòng) tấn công tình dục một nữ sinh trong thang máy chỉ bị chịu mức phạt hành chính 200 nghìn đồng từ cơ quan chức năng đang là chủ đề gây phản ứng phẫn uất trong dư luận những ngày qua.

Rồi đến cuộc chiến giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp trong những ngày vừa qua. Dự thảo “Tiêu chuẩn quốc gia quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” được các nhà chức trách đưa ra tạo nhiều thắc mắc cho người dân.

Từ những vụ việc trên, dư luận đã đặt ra câu hỏi: “liệu các chất lượng của nhiều dự án luật có phải còn rất xa cuộc sống”.

Có đáng 200 nghìn cho một lần cưỡng hôn, sàm sỡ?

Với những hành động trong clip được camera của thang máy tại chung cư Golden Palm ghi lại, dư luận xã hội cho rằng hành động của Đỗ Mạnh Hùng là “tấn công tình dục” chứ không chỉ dừng lại ở quấy rối. Tên biến thái này đã đã dùng sức mạnh và vũ lực để khống chế nữ sinh khi thực hiện hành vi đồi bại của mình ở nơi công cộng và giữa thanh thiên bạch nhật.

Một hành động xúc phạm nghiêm trọng đến thân thể, danh dự và nhân phẩm của người khác, đặc biệt, nó còn để lại hậu quả tiêu cực nặng nề về tâm lý đối với nạn nhân, thứ mà không gì có thể đo đếm nổi.

Một số người cho rằng, “kẻ biến thái” sàm sỡ cô gái trẻ trong thang máy bị xử phạt 200.000 đồng là quá nhẹ.

Khi cơ quan chức năng áp dụng tại điểm a, khoản 1, điều 5 nghị định 167/2013/NĐ-CP “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” thì mức phạt cho hành vi trên chỉ là 200 nghìn đồng.

Theo quy định, việc cơ quan chức năng xử phạt kẻ biến thái Đỗ Mạnh Hùng 200 nghìn đồng là không sai, tuy nhiên, mức xử phạt cũng như quy định trên chứng tỏ sự mơ hồ của luật pháp và sự mơ hồ đó không còn phù hợp với sự phát triển của con người và xã hội.

Trong khi ở một số nước khác, họ xử lý rất nặng những hành vi này, theo Legal Daily, điều 237 Bộ luật hình sự Trung Quốc quy định người nào dùng vũ lực, gây áp lực, hoặc dùng các phương thức khác để cưỡng ép, quấy rối phụ nữ hoặc để làm nhục phụ nữ sẽ bị phạt tối đa 5 năm tù. Nếu phạm tội tại nơi đông người hoặc nơi công cộng, mức phạt có thể trên 5 năm tù, mức phạt sẽ tăng thêm nếu nạn nhân là trẻ em.

Theo Feminism In India, điều 354A Bộ luật Hình sự của Ấn Độ xác định quấy rối tình dục là bao gồm hành vi tán tỉnh, đụng chạm cơ thể, yêu cầu hoặc đòi hỏi tình dục, cưỡng ép đối phương xem nội dung khiêu dâm, đưa ra lời nhận xét có sắc thái tình dục, hoặc các hành vi không mong muốn khác có bản chất tình dục, dù dưới dạng hành động, ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền và phạt tù tối đa ba năm.

Từ đó đặt ra câu hỏi liệu luật pháp Việt Nam có đang dễ dàng quá với những kẻ đồi bại, biến thái không. Với sự phản ứng gay gắt của dư luận xã hội trong sự việc này chứng tỏ những quy định về việc xử lý những hành động “quấy rối tình dục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác” đã lạc hậu và cần được thay đổi, bổ sung. Phải nói thêm, ngoài việc dư luận căm phẫn với hành động của kẻ biến thái Đỗ Mạnh Hùng thì việc xử phạt theo kiểu trêu ngươi dư luận là giọt nước làm tràn ly.

Mấu chốt của vấn đề là sự lạc hậu của Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã vô tình là nguyên nhân của sự giễu nhại bi hài đối với danh dự và nhân phẩm con người.

Xã hội và con người ngày một phát triển, và dù ở xã hội nào đi chăng nữa, danh dự và nhân phẩm con người luôn luôn được tôn trọng cao nhất và được pháp luật bảo vệ. Để xã hội vận hành theo đúng quỹ đạo mà con người mong muốn thì xã hội đó cần có một hệ thống luật pháp chắc chắn và theo kịp diễn biến, phát triển của thời cuộc.

Thiết nghĩ, đây cũng là bài học để các nhà làm luật nghiêm túc xem xét, rà soát lại một cách tổng thể để có những thay đổi, bổ sung kịp thời nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý, hạn chế đến mức tối thiểu những xung đột giữa đời sống, ý chí con người và luật pháp.

Đối với hành động của kẻ biến thái Đỗ Mạnh Hùng, dư luận xã hội đòi hỏi một bản án nghiêm khắc hơn về mặt luật pháp, đó cũng là lẽ thường. Tuy nhiên, bản án nặng nề và bi thảm nhất đối với Hùng chính là sự khinh miệt, lên án của dư luận xã hội. Hai trăm nghìn kia không còn là tiền phạt cho hành vi mà Hùng đã gây ra, 200 nghìn kia chính là giá trị nhân cách đi theo suốt cuộc đời của gã yêu râu xanh mang tên Đỗ Mạnh Hùng.

Chất lượng của một số dự án luật còn xa rời cuộc sống.

Những ngày vừa qua, cả nước ầm ào về cái gọi là “cuộc chiến nước mắm” phiên bản 2.0, sau vụ bê bối “nước mắm nhiễm asen” năm 2016. Nguyên nhân “dậy sóng” khi Dự thảo “Tiêu chuẩn quốc gia quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” (TCVN – 12607:2019) do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) soạn thảo được thông tin chính thức vào ngày 8/3.

Ngay lập tức, nhiều chuyên gia đã phát hiện những tiêu chuẩn không phù hợp, phản ánh sai lạc, áp đặt, “đánh lận con đen”, gây bất lợi cho nước mắm truyền thống, như: Tiêu chuẩn về hàm lượng histamine trong nước mắm phải dưới 400ppm, các thùng chứa nước mắm truyền thống phải có màu sáng, tiêu chuẩn nước mắm không phân biệt rạch ròi giữa nước mắm truyền thống từ cá, muối với nước mắm (nước chấm) sản xuất theo phương pháp công nghiệp.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 gồm 18 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của quốc hội, cụ thể: Tại kỳ họp thứ 7 trình QH thông qua 6 dự án luật (đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6) và 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 9 dự án luật khác. Tại kỳ họp thứ 8 trình QH thông qua 9 dự án luật (đã được cho ý kiến).

Một số văn bản khác thì lại cho thấy, trình độ năng lực của không ít người làm luật rất yếu kém. Những văn bản đó không phải có những người làm việc liên quan đến luật pháp, mà họ chỉ làm vì liên quan đến nội dung mình quản lý. Vậy nên, có những sản phẩm được coi là sản phẩm của những người làm luật kiểu “trên trời”, kiểu “ngồi máy lạnh”.

Còn nhớ, khi thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 tại Kỳ họp thứ 5, ngày 30/5/2018. Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho rằng, Quốc hội có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng pháp luật và Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng thể chế nhưng việc cải thiện tình hình này chưa nhiều, chưa đáp ứng mong đợi của nhân dân và doanh nghiệp về phát triển trong yêu cầu mới.

“Chất lượng của nhiều dự án luật còn rất xa cuộc sống. Có những dự thảo ban đầu đã nhận sự phản đối rất quyết liệt và gay gắt từ nhân dân. Có người cũng đã nói quy định pháp luật thì trên trời, còn cuộc đời thì ở dưới đất” – ông Ngọ Duy Hiểu nói và đề nghị phải hết sức quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới để các bộ, ngành phải tập trung hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về tình trạng “pháp luật trên trời, cuộc đời dưới đất”.

Mà đã ngồi “trên trời”, “máy lạnh”, thì làm sao mà gần dân và sát dân, để hiểu được họ cần cái gì? Phải làm gì để bảo vệ người dân, bảo vệ xã hội?.

Những “sản phẩm” đó tất nhiên khi ra đời cũng xa dân, không được người dân ủng hộ, thậm chí là còn tạo nên những hậu quả về tổn thất kinh tế – xã hội, buộc người dân phải gánh chịu. Điều này là một trong những nguyên nhân làm cho pháp luật Việt Nam sẽ thiếu đi tính nghiêm minh và kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Kinh tế – xã hội Việt Nam ngày càng phát triển, các chính sách xã hội được ban hành thông qua văn bản pháp luật ngày càng nhiều, để góp phần điều chỉnh, xử lý các vấn đề nảy sinh trong xã hội, các yêu cầu cấp bách của người dân, các lợi ích cho người đầu tư… Và quan trọng hơn hết, đó chính là đưa hành vi của tổ chức, cá nhân vào khuôn khổ.

Nhưng nếu những văn bản từ cơ quan đầu não là Chính phủ, đến Bộ, ngành rồi từng địa phương, nếu cứ liên tục “có sạn”, các nội dung ban hành không thực tiễn, không khả thi, bị “chết yểu” ngay từ trong đề xuất, ý kiến và sau khi ban hành. Thì đó sẽ phải được coi là một “thảm họa”, không những cho thấy năng lực người làm luật thế nào, mà sẽ tạo ra cái văn hóa gọi là “nhờn luật” của xã hội.

Điều này đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng luật, tư duy làm luật. Hơn nữa, đó là việc phải gần dân và hiểu được người dân muốn gì thì văn bản luật mới có hiệu quả.

(Theo Bút danh)