Để mất một Ủy viên Trung ương không thể tính thiệt hại bao tiền
(Dân Việt) “Bất kỳ một vụ án kinh tế nào các cơ quan chức năng đều có thể tính toán thiệt hại. Còn việc để mất cán bộ thì là sự mất mát vô giá, không biết tính thiệt hại thế nào cho đủ”, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng của Ban Tổ chức Trung ương nói khi trao đổi với PV Dân Việt.
Thời gian qua Đảng đã tiến hành triển khai nhiều công tác quan trọng để chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần XIII của Đảng, ông thấy có điểm đáng chú ý nào trong sự chuẩn bị này?
– Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh việc chuẩn bị cho Đại hội không chỉ tập trung vào công tác nhân sự mà còn phải quan tâm đến Văn kiện.
Văn kiện phải bám sát tình hình thực tiễn, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nhìn lại chặng đường dài đã qua để giúp cho việc nhìn về phía trước có tính dài hơi hơn, nói cách khác phải có tầm nhìn.
Nội dung Văn kiện không chỉ nhìn thấy những nhiệm vụ trước mắt, nhiệm vụ trong một nhiệm kỳ 5 năm, cần phải xác định nhiệm vụ 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Tầm nhìn phải đến thời gian 10 năm nữa chúng ta kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030), 25 năm nữa kỷ niệm 100 năm thành lập nước (2045).
Lần này trong phương châm chỉ đạo xây dựng Văn kiện, nhiệm vụ được xác định một cách rất rõ nét, có điểm nhấn nên có thể nói đây là điểm mới so với các kỳ chuẩn bị Đại hội trước đây.
Từ nhiệm vụ đặt ra như vậy thì việc chuẩn bị con người thế nào, nhân sự thế nào để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Đại hội đã xác định. Hai điều này gắn rất chặt với nhau.
Công tác nhân sự là vấn đề có tính chất quyết định, theo ông từ nhiệm kỳ Đại hội XI và XII đã để lại bài học gì trong khâu lựa chọn cán bộ, đặc biệt là cán bộ vào Ban Chấp hành Trung ương?
– Cần phải khẳng định, Đại hội Đảng nhiệm kỳ nào thì công tác nhân sự luôn là nội dung cần phải hết sức quan tâm, bởi đây là vấn đề quan trọng nhất. Ở vào trường hợp chúng ta xác định nhiệm vụ có thể chưa đầy đủ, chưa cụ thể hóa hết thì các kỳ hội nghị của cấp ủy chúng ta có thể bổ sung, có thể hoàn thiện, tiếp tục cụ thể hóa, còn như đánh giá cán bộ không đúng, bố trí cán bộ không đúng, đưa vào cấp ủy một người không xứng đáng thì sau này để lại hệ lụy rất lớn, việc thay đổi cán bộ không hề đơn giản.
Kỳ này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước luôn nhấn mạnh kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào cấp ủy khóa mới. Thế nào là những người không xứng đáng? Đó chính là những người cơ hội, những người chạy chức, chạy quyền, những người tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định nêu gương.
Sở dĩ tại sao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phải nhấn mạnh như vậy? Kỳ này công tác nhân sự phải tiến hành từng bước, từng việc, làm một cách thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Mục đích cuối cùng là kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng.
Bởi trong thực tế đã có cán bộ mắc vi phạm, khuyết điểm từ trước vẫn “lọt” vào Trung ương, nên thời gian qua nhiều Ủy viên Trung ương khóa XI và XII bị thi hành kỷ luật, thậm chí có cả Ủy viên Bộ Chính trị cũng bị kỷ luật.
Có ý kiến cho rằng, trong nhiệm kỳ này Đảng đã có những quy định như Quy định nêu gương, Quy định tiêu chuẩn về chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ, đó là điều kiện thuận lợi trong quy hoạch, lựa chọn cán bộ, đặc biệt cán bộ vào Ban Chấp hành Trung ương, ông nghĩ sao?
– Một trong những điều thuận lợi cho việc chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ tới đối với các cấp ủy và Trung ương là Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Đây là chính là khuôn, thước để xác định, có thể nói cứ lấy 8 điểm cán bộ phải gương mẫu thực hiện, 8 điểm phải kiên quyết chống để áp vào lựa chọn, ai đủ tiêu chuẩn sẽ chọn vào quy hoạch, ai không đủ thì không cho vào quy hoạch.
Thời gian qua Đảng đã xử lý nhiều trường hợp cán bộ cấp cao do mắc vi phạm, khuyết điểm, điều này cũng có sự ảnh hưởng không nhỏ giúp cho việc lựa chọn, đánh giá cán bộ vào quy hoạch kỹ lưỡng hơn thưa ông?
– Trước hết phải nói, cán bộ cấp cao vi phạm và vi phạm rất nghiêm trọng nó tạo nên dư luận rất xấu trong xã hội, trong nhân dân, để lại hậu quả rất xấu. Tuy nhiên nhìn vấn đề cũng thấy có hai mặt, đúng là thời gian vừa có nhiều cán bộ diện Trung ương quản lý mắc vi phạm, khuyết điểm phải thi hành kỷ luật gây dư luận rất xấu nhưng cũng cho thấy Đảng ta xử lý rất nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, chính điều đó đã củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Một điểm nữa qua đó chúng ta cũng rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong vấn đề quản lý cán bộ, đánh giá cán bộ. Nếu ở vào trường hợp, cán bộ có vi phạm, khuyết điểm từ trước nhưng vẫn tiếp tục được đưa vào vị trí công tác mới, đưa lên vị trí công tác cao hơn, vấn đề đặt ra là công tác quản lý cán bộ của chúng ta thế nào, đánh giá cán bộ thế nào, các cơ quan tham mưu về công tác cán bộ thế nào, các cơ quan có trách nhiệm thẩm định cán bộ thế nào. Còn ở trường hợp, cán bộ được lựa chọn đó là người tốt nhưng khi vào vị trí công tác cao hơn mới xuất hiện vi phạm khuyết điểm thì trách nhiệm của công tác quản lý cán bộ thế nào, trách nhiệm kiểm tra, giám sát với cán bộ thế nào để cán bộ không mắc vi phạm khuyết điểm.
Bất kỳ một vụ án kinh tế nào các cơ quan chức năng đều có thể tính toán thiệt hại. Còn việc để mất cán bộ thì là sự mất mát vô giá, không biết tính thiệt hại thế nào cho đủ. Ví dụ một cán bộ cấp Ủy viên Trung ương không biết tính ra bao nhiêu triệu, bao nhiêu tỷ đồng. Chính vì thế trong công tác nhân sự kỳ này các tổ chức Đảng phải làm từng bước, từng việc một cách kỹ lưỡng, thận trọng.
Xin cảm ơn ông (!)
(Nguồn: Dân Việt)