Dân túy hay dân… gì?

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng vừa công bố một bài viết dài nhận diện chủ nghĩa dân túy (populism) và cảnh báo một số nguy cơ đối với Việt Nam. Nhìn chung đây là một góc nhìn sắc sảo với nhiều kiến giải thú vị, tuy nhiên hãy còn một số hạn chế cần được làm rõ thêm.

Trưởng ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng

Về căn bản, nội dung bài viết của ông Thưởng chính là sự tổng hợp của các kiến thức học thuật liên quan đến ý niệm “dân túy” từ một số nguồn khả tín, nhưng thực sự cũng không có phát hiện gì mới. Sự khác biệt đáng chú ý nhất, có chăng là ở cách định nghĩa chủ nghĩa dân túy của ông Thưởng so với các tư tưởng dòng chính – chủ yếu ở các nền dân chủ phương Tây, nơi trực tiếp chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy.

Cụ thể, ông Thưởng viết nhận định như sau: “khái niệm dân túy thường được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng nhân dân”. Phải chăng kết luận như trên có phần hơi vội vàng, và cũng chưa phân biệt rõ giữa “nội hàm” với “ngoại diên” – tức hình thức biểu hiện của vấn đề đang nói tới. Trong khi đó, từ điển Cambridge lại định nghĩa “chủ nghĩa dân túy” là: “những tư tưởng và hoạt động chính trị với mục đích đại diện cho nguyện vọng và nhu cầu của người dân bình thường nhằm đòi hỏi sự bình đẳng với giới thượng lưu và kêu gọi sự thay đổi hệ thống chính trị và xã hội theo xu hướng này.”

Ở đây, cần phải hiểu rằng: chủ nghĩa dân túy chỉ có thể trở nên hiện hữu và lên ngôi trong các thể chế chính trị dân chủ – nơi mà ý chí và nguyện vọng của cử tri được thể hiện thông qua lá phiếu trong những cuộc bầu cử tự do, công bằng và minh bạch. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2016 chính là ví dụ điển hình, khi lần đầu tiên một ứng viên không phải chính trị gia chuyên nghiệp, ông Donald Trump, đã đánh bại bà Hilary Clinton – đại diện cho tầng lớp tinh hoa chính trị, có nền tảng học vấn và định hướng chính trị hơn hẳn ông Trump – trong một cuộc ganh đua hấp dẫn, kéo dài căng thẳng và nghẹt thở đến tận phút chót. Hay cũng giống như phong trào Brexit, các lãnh đạo bảo thủ hữu khuynh chỉ có thể đưa Anh Quốc rời khỏi Châu Âu khi giành được đa số ý kiến ủng hộ trong một cuộc trưng cầu dân ý – vì người dân Anh không muốn tiền thuế của họ được sử dụng để cứu trợ những quốc gia vỡ nợ như Hy Lạp, hay để giải quyết vấn đề dòng người nhập cư tị nạn đang gây xáo trộn, khiến cho châu Âu tan nát.

Còn nhiều tranh cãi về năng lực, suy nghĩ và hành vi của ông Trump. Tuy nhiên ông là sự lựa chọn của người dân Mỹ qua một cuộc bầu cử minh bạch

Ngược lại, trong các hệ thống chính trị đóng kín theo kiểu Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên, nơi không có đối lập và cũng thiếu vắng yếu tố cạnh tranh chính trị thì Chủ nghĩa dân túy thực chất không mang nhiều ý nghĩa và chắc chắn không thể phát triển nổi.

Cá nhân người viết cho rằng, luận điểm có giá trị nhất trong bài viết của người đứng đầu Ban tuyên giáo nước nhà, chính là lời cảnh báo: “khi những phần tử cơ hội chính trị lợi dụng tình hình phức tạp để mưu đồ cá nhân, phe nhóm, dẫn đến nguy cơ một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hào hứng đón nhận các phát ngôn, hành động dân túy”. Có lẽ những nhận định trên đây xuất phát từ hiện tượng, hay một thực tế gần đây rằng ngay bên trong nội bộ của Đảng lại xuất hiện một số nguy cơ, mầm mống đe dọa sự tồn vong của cả chế độ. Đó là sự hình thành và lộng quyền của các thế lực thân hữu chính trị, thông qua hoạt động kinh tế dưới nhiều hình thức để trục lợi bất chính. Nhưng đáng lo ngại hơn cả là những nguồn lợi khổng lồ ấy, lại có xu hướng được sử dụng trở lại cho việc thao túng chính trị, mà biểu hiện rõ rệt nhất là nạn mua quan bán chức, kéo bè kết cánh và phô trương thanh thế. Điều này không đơn giản chỉ dừng lại ở việc mua bán các chức quan nhỏ, tương đương Chủ tịch Huyện, hay các ghế Đại biểu Quốc Hội, mà còn tiến xa hơn nữa, vào tận Trung ương, hay thậm chí là Bộ Chính trị. Đây thực sự là một nguy cơ, đe dọa tính chính danh lẫn sự tồn vong của chế độ, như lời cảnh báo của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cách đây không lâu.

Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc không ngần ngại cảnh báo về trận chiến tồn vong cuối cùng của chế độ, nếu không thể thanh toán tham nhũng

Chính vì vậy, dù không có bất cứ thế lực thù địch nào kích động, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cũng phải lên tiếng tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự, rằng: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Hay cựu Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trung tướng Võ Viết Thanh cũng từng kể lại rằng: “Gặp các vị đương chức tôi hay hỏi: Nếu bây giờ tranh cử với một người chủ trương dân chủ, chủ trương kinh tế thị trường mà quý vị vẫn chủ trương ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’, chủ trương chuyên chính vô sản, chủ trương ‘quốc doanh chủ đạo’, dân có bầu cho quý vị không? Các vị ấy trả lời: Không.” Thậm chí, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng cũng đã không ít lần đề cập, rằng chúng ta cần phải hiểu cho đúng về khái niệm “tự chuyển hóa, tự diễn biến”, đừng để bị nó ám ảnh và nên có sự chuẩn bị cho phù hợp.

Và để kết thúc, xin được đính chính lại rằng nền chính trị Việt Nam hôm nay chưa có và cũng không cần đến Chủ nghĩa dân túy để mà lôi kéo dân chúng như những lời cảnh báo có phần hơi “quá lo xa”. Điều quan trọng hơn, là cả lãnh đạo lẫn người dân cần giành hết năng lượng và sự đồng thuận vào việc giải quyết những khó khăn về “dân sinh” (kinh tế, môi trường, bất bình đẳng, … ) đang ngày càng hiện hữu mà đất nước phải đối mặt.

(Theo Bút Danh)