Dân phải bỏ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nuôi cách đánh vần lạ?

Các Mác nói, nếu tỷ suất lợi nhuận lên 300% thì tự treo cổ mình lên nhà tư bản cũng sẵn sàng làm. Các nhà buôn “sách giáo khoa” lãi hơn rất nhiều, 1300%.

Ngày 29/8 chúng tôi có bài viết Cách đánh vần lạ, bao giờ hàng trăm ngàn học sinh mới thoát kiếp thí điểm?, phân tích khoảng trống pháp lý về quyền từ chối thí điểm của trẻ em, dẫn đến tình trạng thí điểm tràn lan, vô tội vạ trong ngành giáo dục lâu nay.

Trong bài viết này, chúng tôi muốn cùng quý bạn đọc, đặc biệt là các bậc cha mẹ học sinh có con em đang bị “thí điểm”, cũng như các thầy cô giáo đang phải dạy thí điểm Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, VNEN tìm hiểu xem:

Động lực thực sự của việc thí điểm ồ ạt tài liệu này là gì, có hay không lợi ích nhóm đằng sau nó?

Những con số giật mình

Ngày 27/8, Giáo sư Hồ Ngọc Đại chia sẻ với Báo Trí thức trẻ (Soha):

“Từ năm 1985, chương trình này đã triển khai mở rộng ra 20 tỉnh, đến năm 2000 có 43 tỉnh, thành. Đến năm nay có 49 tỉnh với hơn 800.000 học sinh học theo chương trình này”. [1]

Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017, phương hướng nhiệm vụ năm học 2017-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:

Một buổi dạy mẫu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại.

Năm học 2016-2017, cả nước có 48 tỉnh, thành phố đã triển khai dạy học môn Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục theo Quyết định số 2222/QĐ-BGDĐT ngày 01/7/2016 của Bộ GDĐT với 7.857 trường và 693.0478 học sinh tham gia.

Ngày 28/3/2018 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình có công văn số 317/SGDĐT-GDTH về việc đăng ký tài liệu và thiết bị giáo dục cấp tiểu học năm học 2018-2019 gửi các phòng giáo dục và đào tạo trực thuộc, yêu cầu:

Chỉ đạo Hiệu trưởng các trường tiểu học: tổng hợp, đăng ký số lượng tài liệu, sách, thiết bị năm học 2018-2019 (danh mục đính kèm), gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo; Công ty Cổ phần Sách và thiết bị trường học Ninh Bình trước 10/4/2018.

Ninh Bình là tỉnh có 100% trường tiểu học dạy Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục kể từ năm học 2016-2017. [2]

Theo “danh mục bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục (dành cho học sinh)” mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cung cấp cho Sở này, đính kèm Công văn 317/SGDĐT-GDTH [3], có:

Bộ “sách giáo khoa” tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục dành cho học sinh gồm 18 đầu sách, tổng cộng 283 nghìn đồng;

Dụng cụ học tập Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục 57 nghìn đồng;

Bộ sách Giáo dục lối sống lớp 1 Công nghệ giáo dục, 5 cuốn, tổng cộng 103 nghìn đồng.

Trong số 18 đầu sách của môn Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, chỉ có 3 đầu sách có thể tạm xem là “sách giáo khoa” nếu dựa theo cách sử dụng chúng trên thực tế, tổng cộng 35,5 nghìn đồng.

Còn lại 15 đầu sách ăn theo, không phải “sách giáo khoa” như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giới thiệu với cha mẹ học sinh thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình. Đó là các cuốn vở bài tập sử dụng 1 lần, in sẵn.

Bản thân 3 cuốn tạm xem là “sách giáo khoa” nói trên, năm nào cũng chỉnh sửa và in lại, nên cũng có thể xếp vào nhóm sách sử dụng một lần. Đó là các cuốn:

Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục – tập 1 (âm/chữ); Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục – tập 2 (vần); Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục tập 3 (tự học).

Cho nên, nếu chỉ bán 3 cuốn đầu tiên, thì doanh thu năm nay là:

35.500 (đồng) x 800.000 (học sinh) = 28.400.000.000 (đồng), tức 28,4 tỷ đồng.

Nhưng với kiểu “bán bia kèm lạc” nói trên, nếu mua trọn bộ “sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục” theo danh sách đăng ký của nhà trường, thì người dân phải bỏ ra là:

340.000 (đồng) x 800.000 (học sinh) = 272.000.000.000 (đồng), tức 272 tỷ đồng.

Ảnh chụp màn hình phóng sự của VTV về những băn khoăn của cha mẹ học sinh đồng bằng sông Cửu Long về sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, vì chính họ cũng không hiểu nổi, làm sao hướng dẫn được con em mình?

Nếu học sinh còn phải mua thêm bộ sách Giáo dục lối sống lớp 1 Công nghệ giáo dục và cuốn Bài luyện tập và đề kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt lớp 1 (theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo) nữa, thì tổng số tiền cha mẹ học sinh có con bị thí điểm phải bỏ ra là:

472.000 (đồng) x 800.000 (học sinh) = 377.600.000.000 (đồng), tức 377,6 tỷ đồng.

Sự “vi diệu” của kế bán lạc kèm bia

Chỉ với kế bán lạc kèm bia thông qua đường công văn và tổ chức quản lý giáo dục ngành dọc, các bậc cha mẹ học sinh có con em đang “thí điểm” Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, có thể phải bỏ ra 377,6 tỷ đồng năm nay để mua sách.

Thực tế phản ánh của truyền thông về cơn sốt thiếu sách giáo khoa vừa qua cho thấy, hầu hết cha mẹ học sinh không thể phân biệt được đâu là sách giáo khoa, đâu là “tài liệu thí điểm” và đâu là sách tham khảo, đâu là vở bài tập dùng 1 lần.

Thậm chí đã có vị cha mẹ học sinh phải lặn lội từ Tiền Giang lên thành phố Hồ Chí Minh chỉ để mua cho con cuốn vở bài tập Toán lớp 1, tập 1 còn thiếu theo danh mục “sách giáo khoa” mà nhà trường / giáo viên chủ nhiệm cung cấp.

Đó là câu chuyện được Chuyển động 24h của VTV1 ngày 22/8 phản ánh, chạy khắp thành phố Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang không mua đủ sách giáo khoa cho con, còn thiếu duy nhất cuốn “vở bài tập” Toán lớp 1, tập 1, anh Đỗ Hoàng Quốc phải lặn lội lên tận thành phố Hồ Chí Minh để tìm mua cho đủ bộ. [4]

Danh mục sách và đồ dùng phát hành cho học sinh lớp 1, năm học 2018-2019 của Trường Tiểu học khu đô thị Việt Hưng mà Báo Dân Trí phản ánh, cũng cho thấy rất rõ sự “vi diệu” của kế bán lạc kèm bia thông qua nhà trường và phòng, sở giáo dục. [5]

Cũng tương tự như cách bán sách VNEN trong bài Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai? của tác giả Nguyễn Nguyên, đăng ngày 20/9/2017, cách bán sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục và các tài liệu ăn theo, thực sự đã mang về lợi nhuận lớn từ hàng trăm tỷ đồng doanh thu.

Hàng trăm tỷ đồng ấy được bòn từ túi người dân lao động. Rất nhiều gia đình còn đang khó khăn, nhưng có lẽ chẳng ai có thể “mặc cả” hay từ chối mua “sách giáo khoa” cho con theo gợi ý từ nhà trường.

Và dòng tiền khép kín chảy từ nhà trường, lên phòng giáo dục, sở giáo dục về thẳng Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển trường trung học phổ thông công nghệ giáo dục.

Chúng tôi nói điều này là theo đúng “tinh thần chỉ đạo” trong công văn số 1181/BGDĐT-GDTH ngày 25/2/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký.

Công văn số 1181/BGDĐT-GDTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo, do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký. Phần tô hồng do trang congnghegiaoduc.vn (đã đóng) lưu ý.

Vấn đề đặt ra là, dòng tiền hàng trăm tỷ đồng ấy có rẽ ngang rẽ tắt ở đâu, mỗi khâu trung gian được chiết khấu hoa hồng bao nhiêu % chỉ có Giời biết, Đất biết và người nhận, người chi biết.

Những hiện thực này một lần nữa củng cố thêm nhận định của Các Mác, rằng nếu tỷ suất lợi nhuận lên 300% thì tự treo cổ mình lên nhà tư bản cũng sẵn sàng làm. [6]

Đằng này, lợi nhuận của kế bán lạc kèm bia có lẽ không dừng ở 300% mà còn lớn hơn rất nhiều lần, quý bạn đọc có thể tự tìm ra đáp số. Phải chăng đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng méo mó của nền giáo dục, năm nào cũng thay “sách giáo khoa”?

Qua đây, quý bạn đọc cũng có thể hình dung ra tại sao lại xuất hiện “cơn sốt thiếu sách giáo khoa Công nghệ giáo dục” ở Phú Quốc, Kiên Giang năm nay.

Phải chăng đó là một đòn cảnh báo các bậc cha mẹ học sinh năm tới, muốn khỏi phải chạy đôn chạy đáo mua sách cho con, tốt nhất hãy đăng ký theo ngành dọc qua nhà trường / giáo viên chủ nhiệm?

(Theo Giao Duc)