Đại biểu Quốc hội và tâm thức thượng tôn quốc dân đồng bào

 Đại biểu Quốc hội, trong tư duy và trong hành động phải hướng về nhân dân, thượng tôn quốc dân đồng bào.

Rất nhiều dư âm

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 14 để lại nhiều dư âm, nhiều bài học đáng giá.

Chương trình lập pháp, kỳ họp kéo dài 21 ngày, với 10 luật được thông qua, là một con số rất ấn tượng. Dự Luật về đặc khu hành chính Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc chưa thông qua trong kỳ họp này, cũng không phải là một hạn chế, trái lại, là một dẫn chứng về động thái tích cực, khi Chính phủ, Quốc hội lắng nghe dư luận, tôn trọng ý kiến khác biệt, có quyết định kịp thời, giảm độ bức xúc, củng cố đồng thuận xã hội.

Bằng việc tôn trọng, cởi mở nhiều hơn với báo chí, tăng thêm các buổi phát thanh, truyền hình trực tiếp, người dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài có cơ hội theo dõi, tương tác nhiều hơn, tức thì hơn với từng hoạt động của đại biểu Quốc hội, không chỉ trên nghị trường. Nghị trường mở, Quốc hội gần dân hơn, nhân dân theo dõi, giám sát, cổ vũ, và đương nhiên tranh luận, phản biện, phản bác với từng đại biểu. Nhịp thở đời sống, tâm nguyện của nhân dân ít nhiều ùa vào nghị trường, chế ngự và kích hoạt tư duy đại biểu của dân. Truyền thông báo chí, đã đành, mạng xã hội cũng là kênh, mà qua đó, cử tri chia sẻ những băn khoăn, trăn trở cùng đại biểu Quốc hội, và cũng tác động, điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực hơn.

Theo dõi từng buổi các vị đại biểu của dân thảo luận, chất vấn, tranh luận và trả lời báo chí trong kỳ họp lần này, thấy toát lên tinh thần thẳng thắn, không né tránh vấn đề nóng, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Ngoài những gương mặt đại biểu khá quen thuộc, nhận được nhiều điểm cộng của cử tri từ các kỳ họp trước, kỳ họp lần này xuất hiện những gương mặt đại biểu trẻ, với những phát biểu trực diện, có chiều sâu, tâm huyết, thể hiện thái độ nghiêm túc trước các vấn đề quan trọng và hệ trọng của đất nước.

Nhiều đại biểu, khi thảo luận một số nội dung luật đã nhắc tới khái niệm “dư luận xã hội”, “ý kiến nhân dân”…, như một căn cứ nền tảng, nhằm lưu ý, nhắc nhở thái độ thận trọng cần có khi bàn bạc, quyết định những điều luật liên quan đến quyền lợi, sinh mệnh nhân dân và thể chế. Khi đại biểu nhắc nhở, lưu ý về “dư luận xã hội ”, “ý kiến nhân dân” là muốn những đại biểu của dân thường trực tâm thức hướng về nhân dân, thượng tôn quốc dân đồng bào; đồng thời cũng muốn nhắc khéo những ai, trong tư tưởng và hành động có biểu hiện muốn “thoát dân”., “né dân”? Cũng là hiện tượng đặc biệt ở nước ta trong thời gian gần đây, khi công nghệ thông tin phát triển từng giờ, theo đó là mạng xã hội đem lại nhiều tiện ích, cử tri nhớ, thuộc tên cùng “trích ngang” và những nội dung đại biểu thảo luận, chất vấn, tranh luận, trả lời báo chí; đo đếm hàm lượng trí tuệ và bầu nhiệt huyết của đại biểu qua từng câu nói, thái độ, cử chỉ. Chính vì thế, những đại biểu của dân phải luôn nhìn về nhân dân, càng phải “ở vào khuôn phép, nói ra mối giường”…

Quốc hội khóa 14,Luật đặc khu,Biểu tình,BOT
Mỗi kỳ Quốc hội họp là mỗi lần người dân có thêm niềm tin, về một Quốc hội gần dân, hướng về dân, thượng tôn quốc dân đồng bào. Ảnh minh họa: Minh Đạt

Người dân đòi hỏi nhiều hơn

Người dân hài lòng nhưng cũng đòi hỏi nhiều hơn ở từng đại biểu Quốc hội.

Tinh thần trao đổi, tranh luận, phản biện nhằm làm rõ bản chất sự việc, đi đến cùng vấn đề của nhiều đại biểu Quốc hội làm người dân hài lòng. Lối tranh luận trên cơ sở trí tuệ, hiểu biết, nắm chắc ngọn ngành vấn đề của một số đại biểu khiến cử tri tự hào, tin tưởng. Nhưng còn không ít vị đại biểu đặt những câu hỏi đại loại, “xin đồng chí cho biết”, “đồng chí có suy nghĩ gì”…Vẫn còn đại biểu hỏi để mà hỏi, không rõ mục đích hỏi để làm gì, chỉ làm lãng phí thời gian. Lại có trường hợp, đại biểu chất vấn nhưng không khác gì “ném phao cứu bồ”, khiến cử tri nản lòng và nghị trường nhạt bản sắc.

Nhiều vấn đề nóng bỏng, bức xúc từ cuộc sống, chưa được đại biểu tiếp nhận, đưa vào nghị trường để cùng bàn luận, thúc đẩy, giải quyết. “Tiểu tiết”. “Chưa đến tầm”. “ Chưa đi đến cùng”. “Thiếu cam kết chính trị”. “Chưa thực sự hướng về cử tri và người dân”…Đó là những nhận xét của cử tri về mặt chưa được, qua các phiên thảo luận, chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Như câu chuyện BOT chẳng hạn. Điều cử tri cần biết là những dự án BOT trái nguyên tắc cốt lõi, trạm BOT đặt sai vị trí gây nhiều hệ lụy và hậu quả cho xã hội, ai phải chịu trách nhiệm? Xử lý cái sai đó như thế nào? Khi nào thì xử lý dứt điểm? Hay xung quanh số lượng và hàm tướng trong lực lượng công an: Nhiều đại biểu đứng về phía quan chức mà “tâm tư”, “quan ngại”, mà chưa đứng về phía nhân dân, xem nhân dân nghĩ gì, mong muốn gì, nhân dân được gì, mất gì? Hoặc vấn đề môi trường, ô nhiễm không khí, nguồn nước, khai thác cát trên sông ngoài biển gây mất đất, nguyên nhân sâu xa từ đâu? Khắc phục như thế nào? Ai phải chịu trách nhiệm? Vì sao triệt nạn “cát tặc”lại khó đến thế?

Ngay trước, trong và sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 14, nhiều địa phương có một bộ phận nhân dân bức xúc với chính quyền dẫn đến khiếu kiện đông người; nhiều nơi nhân dân biểu tình, xuất hiện hiện tượng lôi kéo, kích động, bạo lực. Hoạt động nghị trường, với việc thảo luận, thông qua những bộ luật có tính nhạy cảm, tác động tức thì đến sức nóng dư luận và điểm nóng xã hội. Đây chính là một phần đời sống chính trịxã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay và cả giai đoạn tiếp theo. Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, với chức năng lập pháp và giám sát, phải xem đây là vấn đề cấp thiết, cần được nghiêm túc đánh giá, phân tích, tìm nguyên nhân gốc rễ sâu xa để có giải pháp hoá giải hiệu quả nhất.

Mặc khác, trong quá trình xây dựng luật cần thường trực tâm thức hướng về nhân dân, tránh biểu hiện quên dân, ngại dân, né dân…Là dự luật, tất yếu chưa hoàn thiện. Đấy là dư địa để tiếp thu trí tuệ các đại biểu Quốc hội và toàn dân. Đấy cũng là không gian thu hút, tập hợp các thành phần xã hội tranh luận, phản biện để đi tới một bộ luật được đa số chấp nhận. Ở đây cũng phải chuẩn bị tâm thế tiếp nhận ý kiến phản đối, kể cả phủ quyết việc thông qua bộ luật. Điều này cũng là bình thường. Nếu ai đó nói dự luật đã thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ, không có gì phải bàn cãi, thì đấy là người mắc căn bệnh quan Liêu, chủ quan, là “cha đẻ” của những bộ luật thiếu sức sống lâu bền.

Mỗi kỳ Quốc hội họp phải là mỗi lần người dân có thêm niềm tin, về một Quốc hội gần dân, hướng về dân, thượng tôn quốc dân đồng bào.

(TheoVietNamnet)