Công hàm phản đối TQ: Việt Nam sẵn sàng chống yêu sách chủ quyền vô lý, bảo vệ biển đảo

Trước thái độ hung hăng của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trên Biển Đông, cuối cùng Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 26/07 đã trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Rõ ràng, Việt Nam đã thể hiện thái độ mạnh mẽ, sẵn sàng đứng lên chống lại yêu sách chủ quyền vô lý của TQ mà không phải núp dưới bóng của bất kỳ “đồng minh lớn” nào.

“Về vụ việc nghiêm trọng này, chúng tôi đã đề cập nhiều lần trong các phát biểu trước đây. Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đã được xác lập tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời khi được hỏi về các biện pháp của Việt Nam sau khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 trong những ngày qua có các hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Như đã biết, việc tăng cường sự duy trì hiện diện liên tục tại các vùng biển không tranh chấp để dần biến thành có tranh chấp đang được TQ quyết tâm theo đuổi. Sự kiện tại Bãi Tư Chính là một minh chứng điển hình. Theo đó, Trung Quốc sử dụng nhóm tàu Hải Dương 8 như một “công cụ tuyên truyền chủ quyền di động”, hoán chuyển các vùng biển từ “không có tranh chấp” thành “có tranh chấp”. Song song với các động thái đó, việc Trung Quốc củng cố và mở rộng các hoạt động xây dựng chuỗi đảo nhân tạo đã cho thấy những tính toán chiến lược dài hạn hơn của họ trên biển Đông. Trong khi đó, dù diễn ra rất chậm chạp và khó nhận biết, nhưng chiến lược đảo nhân tạo lại nguy hiểm hơn rất nhiều vì giá trị chiến lược và khả năng thay đổi cục diện mà chuỗi đảo sẽ mang lại cho Trung Quốc khi được phát triển đầy đủ.

Việt Nam biết rõ, Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ yêu sách chủ quyền, nhắm đến mục tiêu cuối cùng là chiếm quyền kiểm soát toàn bộ Biển Đông từ Việt Nam. Nhưng điều mà chúng ta không thể nắm rõ chính là những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể mà mỗi ban ngành đơn lẻ của Trung Quốc sẽ thực hiện. Do đó, để không bị TQ tiếp tục tung hỏa mù dư luận, điều Việt Nam cần làm đó là đưa ra các phản ứng chủ động, giành lại ưu thế trên cả thực địa lẫn bàn đàm phán.

Đây là lần thứ ba trong vòng 10 ngày qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối hành động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo đã thể hiện phương thức đấu tranh khôn ngoan, mềm dẻo nhưng cương quyết, tránh leo thang thành xung đột quân sự để rơi vào bẫy của TQ.

Ngoài việc mạnh mẽ phản đối, VN còn tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Bà Hằng cho biết: “Duy trì hoà bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại UNCLOS là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”.

Việc Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động lấn chiếm trên Biển Đông qua vụ tàu khảo sát Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi) vốn là hành động có tính toán từ lâu trong tham vọng độc chiếm Biển Đông. Tuy nhiên, vụ việc ngang nhiên vào sâu hẳn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đúng thời điểm này cho thấy chỉ dấu thông điệp của tham vọng ấy đã hoặc sẽ hoàn thành trong tương lai gần. Việc công khai đưa tàu chiến hộ tống tàu Hải Dương 8 có vẻ thể hiện Trung Quốc đã sẵn sàng cho hành động quân sự để hoàn tất đường lưỡi bò trên Biển Đông. Chính vì vậy, vụ việc được quốc tế phát hiện rất sớm và những cường quốc có lợi ích lớn ở Biển Đông đã nhanh chóng có phản ứng mạnh mẽ, trong đó Nga-Mỹ đã đưa ra những cảnh báo cứng rắn vượt xa hơn cả sự kiện Trung Quốc vây chiếm bãi cạn Scarborough với Philippin năm 2012.

Cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/7 ra thông cáo với tiêu đề “Sự áp bức của Trung Quốc với hoạt động dầu khí trên Biển Đông”, cho biết Washington quan ngại trước những báo cáo về việc Bắc Kinh có hành vi can thiệp hoạt động khai thác dầu khí trong khu vực, bao gồm hoạt động thăm dò và khai thác lâu nay của Việt Nam.

Trong bối cảnh các nước lớn đều tỏ thái độ cứng rắn chống lại TQ, vùng biển quốc gia bị xâm hại nặng nề, Công hàm được đưa ra thời điểm này, chẳng khác gì “chiếc búa” đập tan xiềng xích của “hòa bình viễn vông” để giành lấy độc lập, tự do cho cả dân tộc.

Theo Bút danh