Có lúc Hải Dương 8 chỉ cách bờ biển VN khoảng 86 hải lý

Ngày 14/4/2020, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc tiếp tục hải trình xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Sáng qua, Facebooker Phạm Thắng Nam đưa tin: Tàu Hải Dương Địa Chất 8 (HD 8) tiếp tục đi xuống phía Nam, cách bờ biển Quy Nhơn chỉ 86,3 hải lý. Ông Nam xác nhận, gần 7 giờ sáng, có lúc Hải Dương 8 chỉ cách bờ biển TP Quy Nhơn khoảng 86,3 hải lý.

Thời điểm 6h57 sáng 14/4/2020, tàu Hải Dương Địa Chất 8 chỉ cách bờ biển TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khoảng 86 hải lý. Nguồn: FB Phạm Thắng Nam
Gần 8 giờ sáng 14/4, nhà nghiên cứu Đặng Sơn Duân đưa tin: “Ít nhất 6 tàu hải cảnh hộ tống Hải Dương 8, bao gồm hải cảnh 12.000 tấn. Khoảng hơn 7 giờ 30 sáng nay, tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã đi ngang qua khu vực tỉnh Bình Định”. Ông Duân điểm mặt một số tàu theo hộ tống Hải Dương 8, gồm các tàu hải cảnh có số hiệu như sau: 5901 (có độ choán nước 12.000 tấn), 1105, 2103, 4203, 4201 và 1106.

Về phản ứng của VN: “Quan sát trên các ứng dụng theo dõi hàng hải cũng thấy một số tàu hiển thị tên là tàu thực thi pháp luật Việt Nam bám sát hoặc đóng lõng đoàn tàu Trung Quốc trên đường đi”.

Tàu Hải Dương 8 và tàu hộ tống Zhongguohaijing 4203 di chuyển trong EEZ của VN. Đối mặt với 2 tàu này là Kiểm ngư 363 của VN. Nguồn: FB Duân Đặng
Lúc 10h49′ sáng 14/4, ông Duân cập nhật: “Đến khoảng 10 giờ 30, nhóm tàu Hải Dương 8 vẫn đang tiến xuống phía nam với tốc độ từ 13-15 hải lý/ giờ. Nhóm tàu này chia làm hai tốp, một tốp bao gồm Hải Dương Địa Chất 8 và Hải cảnh 4203 và tốp còn lại bao gồm Hải cảnh 5901, Hải cảnh 1105, Hải cảnh 2103, Hải cảnh 4201 và Hải cảnh 1106. Hai tốp cách nhau khoảng 60 hải lý. Nhóm Hải Dương 8 đi ngang Phú Yên trong khi nhóm Hải cảnh 5901 gần ngang Nha Trang”.

Khoảng 11h30′ trưa, ông Phạm Thắng Nam cập nhật: “Hiện nay tàu HD 8 vẫn tiếp tục đi xuống phía Nam với tốc độ di chuyển 12 knots. Vào khoảng 11.00 am (14-4-2020) tàu đã đến gần khu vực biển Tuy Hòa. Bám rất sát HD 8 là tàu hải cảnh Zhongguohaijing 4203, di chuyển với tốc độ 12-14 knots”.

Về tàu hộ tống Zhongguohaijing 4203, ông Nam lưu ý, lúc 11 giờ trưa, nó chỉ cách bờ biển Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên khoảng 91,4 hải lý. Trong quá trình di chuyển, nó liên tục bật tắt hệ thống AIS.

Thời điểm 11h trưa 14/4/2020, tàu hải cảnh Zhongguohaijing 4203 theo hộ tống Hải Dương 8 chỉ cách bờ biển Tuy Hòa, Phú Yên khoảng 91 hải lý. Nguồn: FB Phạm Thắng Nam

Đến khoảng 8h44′ tối, ông Đặng Sơn Duân cập nhật: “Đến giờ thì đã có thể dự đoán khá chắc chắn nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 sẽ đến Đá Chữ Thập trước tiên. Tốp của tàu Hải cảnh 5901 hiện cách Đá Chữ Thập khoảng 70 hải lý, như vậy nó sẽ đến nơi sau khoảng 5,6 tiếng nữa. Hải Dương Địa Chất 8 còn cách 150 hải lý và dự kiến sẽ đến nơi vào khoảng 8 giờ sáng mai 15.4”.

Đội tàu Hải Dương 8 hướng đến Đá Chữ Thập. Nguồn: FB Duân Đặng
Đá Chữ Thập vốn là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa, bị TQ cưỡng chiếm sau cuộc thảm sát lính VN ở quần đảo này vào tháng 3/1988. Sau đó, TQ tiến hành bồi đắp trái phép và biến thực thể này thành căn cứ quy mô nhất ở khu vực quần đảo Trường Sa. Trung Quốc sở hữu nhiều công trình quân sự và đường băng dài hơn 3000m, chiều rộng hơn 60m. Trong lần xâm phạm chủ quyền VN cuối năm 2019, đội tàu Hải Dương 8 từng nghỉ chân và nhận tiếp tế ở khu vực này.

Một số người dự đoán, có khả năng lần này TQ sẽ không “khảo sát” trong EEZ của VN mà sẽ quậy phá vùng biển Malaysia đang vận hành giàn khoan West Capella, hoặc khu vực phía bắc quần đảo Natuna của Indonesia. Dù thế nào đi nữa, chuyện một đội tàu của TQ đi sát vùng biển VN mà không thông báo, ngang nhiên di chuyển là một biểu hiện xem thường và thách thức chủ quyền VN.

Thông tin về nhóm tàu Hải Dương 8 cũng đã xuất hiện trên báo Thanh Niên: Thông tin nhóm tàu khảo sát Trung Quốc đi vào vùng biển Việt Nam. Báo này đã “gửi câu hỏi đến Bộ Ngoại giao về thông tin tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 cùng một số tàu hải cảnh của Trung Quốc đi vào vùng biển Việt Nam”.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trả lời: “Các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông. Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Trung Quốc một mặt ngoại giao khẩu trang, một mặt ngang ngược ở Biển Đông. Bài báo chỉ ra: “Trong khi việc quyên góp vật tư y tế cho một số quốc gia là nỗ lực làm hình ảnh với thế giới, đối tượng mà Bắc Kinh nhắm tới khi chơi cứng trên Biển Đông là người dân trong nước, rằng nước này vẫn còn mạnh và sẽ không vì COVID-19 mà lơ là chủ quyền lãnh thổ, bất chấp nó đã bị cộng đồng quốc tế nhiều lần bác bỏ”.

Trước đó, TQ đã tranh thủ khủng hoảng thiếu hụt ở một số nước châu Âu như Pháp, Hà Lan và cung cấp khẩu trang cho các nước này. Đó chỉ là vẻ “đạo đức” bề ngoài để ngụy trang chuyện Bắc Kinh tranh thủ gia tăng ảnh hưởng quốc tế, thúc đẩy tham vọng bá quyền, ra vẻ nhân nghĩa nhưng luôn tận dụng mọi thủ đoạn, thời cơ để cướp đoạt lãnh thổ, lãnh hải của các nước yếu hơn.

Theo báo Tuổi Trẻ, “trong khi việc sử dụng tàu hải cảnh để đâm chìm tàu cá Việt Nam là hành vi mang tính đe dọa rõ ràng đối với các bên liên quan ở Biển Đông, việc Trung Quốc triển khai tàu sân bay tập trận dường như là một nỗ lực chế giễu Mỹ”. Hiện Mỹ không còn tàu sân bay nào được triển khai ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương, do 4 tàu sân bay của nước này đã trở thành ổ dịch COVID-19.

Vụ quan chức VN gửi Công hàm phản đối TQ về vấn đề Biển Đông đến Tổng thư ký LHQ ngày 30/3/2020, BBC vừa có bài bình luận: Công hàm Biển Đông ‘mới mẻ, chưa từng có’. TS Hà Hoàng Hợp nhận định: “Công hàm này một lần nữa bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc khi Trung Quốc lấy tuyên bố phí pháp đó để phản bác công hàm của Malaysia và công hàm của Philippines gửi Liên Hợp Quốc trước đó, trong bối cảnh Trung Quốc đang lợi dụng tình hình cả thế chống đại dịch COVID-19 để đẩy mạnh các hoạt động phi pháp ở Biển Đông và Hoa Đông”.

Trước mắt, nhóm tàu Hải Dương 8 đang hướng về Đá Chữ Thập, nên vẫn chưa rõ chúng sẽ tiếp tục “khảo sát” trong EEZ của VN hay quấy phá lãnh hải các nước ASEAN khác. Nhưng điều chắc chắn là, TQ đang tranh thủ khi cả thế giới bận đối phó với đại dịch để thực hiện âm mưu biến Biển Đông thành “ao nhà” của Bắc Kinh.

Nhìn lại giai đoạn đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019, dịch COVID-19 chưa xuất hiện, Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn còn khá đoàn kết, cùng lên án các hành động gây hấn của Bắc Kinh trên Biển Đông, nhưng vẫn không cản được Bắc Kinh quấy phá lãnh hải của VN, Indonesia và Philippines.

Bây giờ, khi đại dịch hoành hành, cả nước Mỹ cũng suy yếu, châu Âu trở thành ổ dịch, lãnh đạo các cường quốc phương Tây phải lo cho sự an nguy của người dân, trước khi nghĩ đến vấn đề an ninh và chủ quyền của nước khác, đây là điều kiện thuận lợi để TQ tác oai tác quái ở Biển Đông.