Chấn động: Ông Nguyễn Văn Đua đứng trên pháp luật giao 324.000m2 đất quân sự và đất dân lọt vào tay doanh nghiệp Hàn Quốc

Bằng một quy trình giao đất kỳ lạ, hai Phó Chủ tịch UBND TPHCM là Nguyễn Văn Đua và Nguyễn Hữu Tín đã để 324.000m2 đất trường bắn và đất dân lọt vào tay doanh nghiệp Hàn Quốc! Thậm chí, ông Đua đã ký giao đất cho doanh nghiệp ngay trước thời điểm Luật đất đai 2003 có hiệu lực chỉ vỏn vẹn hơn 10 tiếng đồng hồ!

Ông Nguyễn Văn Đua “chạy đua” với Luật

Theo hồ sơ, ngày 30.6.2004, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua đã ký Quyết định 3243/QĐ-UB về “Tạm giao đất cho Công ty 7/5 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng chuẩn bị đầu tư xây dựng Khu dân cư tại phường Long Thạnh Mỹ”. Từ văn bản này, UBND Quận 9 đã lập tức thu hồi, cưỡng chế nhằm lấy 324.000 m2 đất (của dân và đất công – đất công là một phần trường bắn), ngay cả khi Công ty 7/5 đã giải thể.

Quyết định của ông Đua “tạm giao đất” cho doanh nghiệp vào ngày 30.6.2004 – trong khi Luật đất đai 2003 chính thức có hiệu lực từ 0h ngày 1.7.2004. Quyết định 3243/QĐ-UB này đã không có bất cứ thống kê nào về số lô đất, tờ bản đồ, bản vẽ hiện trạng… hay số hộ dân đang cư ngụ, canh tác; có dấu hiệu “né” Luật đất đai vì nếu ký sau 0h ngày 1.7, việc lập dự án, thu hồi đất, bồi thường, tái định cư… cho người dân trong khu vực dự án sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, dù không theo Luật 2003 thì quyết định của ông Đua ký có hình thức, nội dung cũng không theo bất cứ luật nào cả. Bởi theo Luật đất đai 1993 (thậm chí cả Luật đất đai 2003, Luật đất đai 2013) đều không thấy ghi điều, khoản nào cho phép UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương được “tạm giao đất” cho chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại.

Quyết định cũng không ghi rõ tọa độ, số lô, thửa, tờ bản đồ… trên khu đất “tạm giao” cho doanh nghiệp, gây khó khăn (hoặc tạo kẽ hở) cho chính quyền cấp quận/huyện thực hiện nhiệm vụ về sau.

Đặc biệt, tại Khoản 3, Điều 23, Luật đất đai 1993 quy định thẩm quyền của UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương được giao đất để sử dụng vào mục đích không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, cụ thể: a) Từ 1 ha trở xuống đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng, đất khu dân cư nông thôn, đất đô thị và từ 2 ha trở xuống đối với đất trống, đồi núi trọc cho mỗi công trình không thuộc các trường hợp quy định tại mục b khoản 3 Điều này; b) Từ 3 ha trở xuống đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng, đất khu dân cư nông thôn, đất đô thị; từ 5 ha trở xuống đối với đất trống, đồi núi trọc cho mỗi công trình đường bộ, đường sắt, đường dẫn nước, đường dẫn dầu, đường dẫn khí, đường điện, đê điều và từ 10 ha trở xuống đối với đất trống, đồi núi trọc cho mỗi công trình xây dựng hồ chứa nước;…

Như vậy, dự án khu dân cư tại phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9, TP.HCM không thuộc mục đích thực hiện công trình hạ tầng đường bộ, đường sắt, đê điều, hồ chứa nước… Cũng có nghĩa con số 324.000 m2 thu hồi nói trên phục vụ dự án nhà ở, TP.HCM đã giao diện tích vượt quá thẩm quyền nếu chiếu theo quy định tại Điều 23 Luật đất đai 1993.

Gạt dân ra rìa

Trong Quyết định 3243/QĐ-UB ngày 30.6.2004 do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua ký, đó là việc văn bản này không hề nhắc tới việc đảm bảo quyền và lợi ích của các hộ dân sinh sống, sản xuất trong khu vực dự án – khu vực từng được gọi là “khu kinh tế mới” của người dân TP.HCM từ sau 1975 tại xã Long Thạnh Mỹ, Huyện Thủ Đức (nay là Quận 9), mà chỉ nhắc tới việc “di dời mồ mả”.

Ông Đua giao đất cho doanh nghiệp xong, gần 3 năm sau, ngày 25.4.2007, UBND Quận 9 mới ban hành Quyết định 291/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở tại phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9 do công ty 7/5 làm chủ đầu tư.việc ra phương án đền bù thiệt hại vốn phải qua Hội đồng thẩm định cấp tỉnh/ thành phố, được sự phê duyệt của Chủ tịch UBND cấp tỉnh/ thành phố. Nhưng Quyết định 291 ngày 25/4/2007 của UBND Quận 9 không đính kèm căn cứ, văn bản nào cho thấy có sự tham gia của Hội đồng thẩm định TP.HCM hay quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM về giao quyền phê duyệt phương án bồi thường cho Chủ tịch UBND Quận 9(?). Nghĩa là, cấp quận tự tung tự tác làm trái thẩm quyền, tự phê duyệt phương án bồi thường chứ không phải UBND TP.HCM, sau đó bồi thường cho dân đơn giá 105.000 đồng/m2.

Khi người dân đang khiếu nại, UBND Quận 9 vẫn tiếp tục ban hành các quyết định công bố giá trị bồi thường, các quyết định cưỡng chế và thực hiện cưỡng chế đất của dân để lấy mặt bằng giao cho doanh nghiệp. Một trong những trường hợp điển hình bị thu hồi cấp tốc là hộ ông Nguyễn Văn Oai (tên khác là Nguyễn Thanh Oai, 61 tuổi, ở 126A Giãn Dân, Phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9).

Bất ngờ với “ông chủ” Hàn Quốc

Và đặc biệt, việc cưỡng chế đất được thực hiện sau khi chủ đầu tư – Công ty 7/5 đã thông báo giải thể vào 27.12.2014 theo Quyết định 5571/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng.

Sau khi công ty mà ông Đua giao đất bị giải thể, thì tới lượt Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín ký giao đất cho một công ty “vừa khai sinh”. Cụ thể, ngày 25.6.2015, ông Tín ký Quyết định 3066/QĐ-UBND về việc “giao đất tại Long Thạnh Mỹ, Quận 9 cho Công ty TNHH A Sung để thực hiện dự án khu dân cư 7/5”

Điều bất ngờ là, khu đất trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng được giao cho doanh nghiệp khi mới thành lập vốn chỉ có… 1 tỷ đồng, và được lập ra là để làm giáo dục.

Theo điều tra của chúng tôi, Công ty A Sung lập ngày 23.9.2013 có trụ sở tại nhà riêng thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (quận 12, TPHCM), tướng Thổ góp vốn 100 triệu đồng và làm giám đốc.

Thấy sự việc hết sức bất thường, chúng tôi liên lạc với tướng Thổ để thông tin rõ ràng hơn thì ông bất ngờ cho biết: Toàn bộ dự án đã thuộc về những người Hàn Quốc. “Người Hàn Quốc làm chủ dự án là sai rồi. Đây là đất quân sự. Bây giờ thành phố có thể thu hồi lại” – ông Thổ nói.

Cũng theo ông Thổ, người đại diện dự án tại Việt Nam là luật sư Ngô Thị V.Q, có chồng là công an. Ông Thổ đề nghị phóng viên gọi cho bà V.Q để có thêm thông tin. Tuy nhiên, khi phóng viên liên lạc thì bà V.Q từ chối phát ngôn vì phải giữ bí mật cho khách hàng.

Theo hồ sơ mà chúng tôi tìm được tại Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM, người thay tướng Thổ làm giám đốc công ty A Sung là ông Lee Hyung Jin, quốc tịch Hàn Quốc. Điều kỳ lạ là, A Sung lần này có số vốn tới 250 tỷ đồng, do 2 công ty là Tae Kwang Vina Industrial (Biên Hoà) và một công ty tên là TK2 do bà Vũ Tuyết Lan làm giám đốc. Công ty TK2 làm nghề “thăm dò dư luận” và được thành lập vào năm 2016. Điều lạ là, dự án này bà Lan chỉ góp… 0,01% vốn – tức 25 triệu đồng.

(Theo Lang Moi)