Cần làm cho công bộc của dân biết sợ

Cần phải có các cơ chế phòng ngừa, các biện pháp răn đe làm cho các quan chức “công bộc của dân” tự biết sợ không dám tham nhũng hay lợi dụng vị trí lãnh đạo và quyền lực để mưu lợi cá nhân, lo thu vén cho cá nhân, gia đình, họ tộc

Câu chuyện ba  cán bộ là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh Gia Lai giai đoạn từ 2013-2016 đã ký, duyệt chi sai hơn 11,2 tỷ đã được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh qua rất nhiều bài báo. Đáng nói, trong đó có những khoản chi tiếp khách không đúng đối tượng, thậm chí là lập khống chứng từ để mua văn phòng phẩm với số tiền cả tỷ đồng; chi không đúng khoản tiền ăn, nghỉ hội nghị, đi công tác nước ngoài…

Cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra xử lý. Những người chi sai đã phải nộp lại 9,9 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Cần làm cho công bộc của dân biết sợ - ảnh 1
Nhiều khoản chi trái quy định bị phát hiện ở Gia Lai ( ảnh: VietNamNet)

Hay như câu chuyện “tham nhũng” từ những chuyến công du của một cựu bộ trưởng từng bị báo chí phê phán rất nhiều. Không ít tập đoàn nhà nước làm ăn thua lỗ vung “tiền tỷ” cho những chuyến liên miên công tác nước ngoài tính ra phải tới nửa năm của vị chính khách ấy. Chỉ khi thông tin được công bố dư luận mới được thấy đó là một sự lãng phí khủng khiếp mà những người được trao quyền quản lý xã hội làm nên. Rồi chuyện mua sắm xe công vượt tiêu chuẩn, dùng xe công đi chơi lễ hội, xây tượng đài, cổng chào hàng nghìn tỷ… không còn là chuyện hiếm.

Lãng phí cũng là một dạng tham nhũng, cũng là phạm tội!

Và vấn đề đặt ra là nếu không quản lý, khai thác tài sản công một cách có hiệu quả thì chúng ta đang lãng phí nguồn lực to lớn của quốc gia và cũng là kẽ hở cho tham nhũng, biển thủ, lạm dụng tài sản công… có đất sống.

Đã nhiều vụ tham nhũng, lãng phí bị phanh phui trong thời gian qua, trong đó có các đại án, các dự án thua lỗ, thất thoát kéo dài, các vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước cũng lần lượt được đưa ra ánh sáng. Đã có nhiều cá nhân vi phạm bị xử lý, lĩnh những bản án thích đáng, kể cả những người giữ cương vị cao và những người từng công tác trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật. Thế nhưng danh sách ấy vẫn tiếp tục được nối dài. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, thất thoát lãng phí vẫn đang được Đảng, Nhà nước xác định rất nóng bỏng, quyết liệt.

Và không chỉ dừng lại ở việc thu hồi, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để công bộc của dân sợ không dám tham nhũng, không dám để thất thoát hoặc vung tiền ngân sách một cách lãng phí?

Chắc chắn đó phải là việc xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong phòng, chống tham nhũng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền. Đó còn là chuyển biến trong nhận thức, trong hành động của các ngành, địa phương, các cấp cán bộ. Và đó cũng là việc siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh sai phạm, kết hợp thu hồi tài sản bất minh hiệu quả hơn… Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ rằng phải làm thế nào để “nhốt” quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, có quy định, quy chế, là để anh làm chức ấy thì không thể tham nhũng, tiêu cực được.  Và đặc biệt, không chỉ nhăm nhăm đi chống, mà cơ bản và lâu dài, cái chính là phải xây để ngăn ngừa, răn đe.Và cốt lõi không phải phạt nặng hay xử chung thân mới đạt kết quả tốt, mà cái chính người vi phạm phải nhận ra sai lầm, đặc biệt là phải thu hồi được tài sản, không để thất thoát.

Có “lồng nhốt quyền lực” rồi thì sao? Rất cần có cơ chế, quy định cụ thể để các tổ chức chính trị-xã hội, báo chí và người dân trực tiếp tham gia kiểm tra, giám sát cái “lồng” và “quyền lực” nằm trong cái “lồng” đó thông qua việc công khai minh bạch những thông tin liên quan đến những người nắm quyền lực cũng như vợ, chồng, con cái, anh, em, về thu nhập, tài sản, về những nhóm lợi ích, những liên minh cánh hẩu… Trên thực tế, trong thời gian qua, những vụ lùm xùm về tài sản của một số công bộc của dân đều có sự “tiếp sức” từ người dân và báo chí. Để phát huy sức mạnh nhân dân, cần thực sự trao cho họ quyền tiếp cận thông tin. Chỉ có như vậy thì những công bộc của dân mới biết sợ, mới không tham nhũng, lãng phí hay trơ trẽn mà nói rằng biệt phủ, khối tài sản khủng có được sau những làm việc là “do buôn chổi đót”, “chạy xe ôm thâu đêm” hay “làm vườn đến thối móng tay”.

Như vậy, ngoài việc phát hiện, xử lý hình sự, xử lý hành chính nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí… còn cần phải có các cơ chế phòng ngừa, các biện pháp răn đe làm cho các quan chức “công bộc của dân” tự biết sợ không dám tham nhũng hay lợi dụng vị trí lãnh đạo và quyền lực để mưu lợi cá nhân, lo thu vén cho cá nhân, gia đình, họ tộc

(Theo Tổ Quốc)