Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà: ‘Tôi cũng ăn nước bẩn 3 ngày’
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng sự việc xảy ra tại Nhà máy nước sông Đà là hy hữu, thể hiện sự thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp nước cho người dân.
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội chiều 22.10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, sự cố ô nhiễm ở đầu nguồn Nhà máy nước sạch sông Đà là hoàn toàn hy hữu và hết sức nghiêm trọng, khi các đối tượng mang chất thải đổ vào nguồn nước.
Công tác kiểm soát an ninh nguồn nước có vấn đề lớn
Theo ông Hà, đối với sự cố vừa xảy ra tại nhà máy nước sông Đà, cần xem xét nhiều khía cạnh. Đầu tiên là xem có phải thiếu chủ động trong ban hành các cơ chế chính sách pháp luật không. Hai là việc chấp hành chính sách, pháp luật của doanh nghiệp. Thứ ba là việc chuyển từ doanh nghiệp nhà nước, tức là nhà nước bảo đảm nước sạch sang các công ty cổ phần tư nhân thì có nhiều mặt được nhưng cũng có nhiều điều phải đánh giá giữa các cơ quan nhà nước ở địa phương và doanh nghiệp tư nhân trong bảo vệ an toàn nguồn nước.
“Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có quy định rõ ràng. Mặc dù là tư nhân nhưng trách nhiệm Nhà nước có nhiệm vụ nào cũng phải rà soát lại. Vụ việc này là cảnh báo đỏ cho bảo vệ an ninh nguồn nước, đặc biệt là nước cấp cho mục đích sinh hoạt của người dân”, ông Hà nói.
Ông Hà cho biết, nếu để tình trạng quản lý lỏng lẻo và chất lượng của nhà quản lý, cung cấp nước kém thế thì rõ ràng có thể có nhiều kịch bản có thể xảy ra,không loại trừ kịch bản nào. “Từ vụ việc cho thấy công tác kiểm soát an ninh nguồn nước có vấn đề lớn”, ông Hà nhấn mạnh.
Thuốc giả có thể đi tù thì nước bẩn cũng có thể đi tù
Đồng tình với sự phản ứng của người dân, ông Hà nói, bản thân ông cũng phải dùng nước bị ô nhiễm. “Tôi cũng ăn nước bẩn mất 3 ngày. Họ đã không chú ý đến sức khỏe và lường hết các vấn đề tác hại có thể gây cho nhiều người. Có thể nói là hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết”, ông Hà nhấn mạnh.
Về giải quyết vụ việc, ông Hà khẳng định các cơ quan chức năng đang xử lý và chúng ta có đầy đủ các quy định của pháp luật để xử lý.
Với một doanh nghiệp đưa sản phẩm bẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà đây là kinh doanh nước, cung cấp sản phẩm về nước, biết nước bẩn mà vẫn cung cấp thì các hộ sử dụng nước ký hợp đồng có thể kiện. Ngoài ra, việc cung cấp sản phẩm ra thị trường mà đó là sản phẩm bẩn thì ta có thể xử lý theo quy định.
“Thuốc giả có thể đi tù thì nước bẩn cũng có thể đi tù. Việc đó chờ cơ quan pháp luật kết luận”, ông Hà nói và khẳng định những đối tượng tham gia đổ dầu và cung cấp nước bẩn thì pháp luật phải xử lý nghiêm khắc.
theo Thanh Niên