Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Sai thì nhận lỗi đi, đừng đổ tội văn thư, đánh máy!
Chỉ rõ “lỗi” một văn bản trình mà không rõ thời hạn, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu cơ quan trình nhận lỗi, không “đổ tội” cho văn thư, đánh máy…
Sáng 13/12, Tổ công tác của Thủ tướng tổ chức cuộc họp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao với 9 Bộ, ngành (Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch).
Theo thống kê, đến nửa tháng 12/2019, các Bộ, cơ quan còn nợ đọng, chậm, trễ 41 chương trình, đề án. Có những đề án, văn bản chưa đến hạn nhưng thực tế, chỉ còn 15 ngày nữa là hết năm 2019, nếu không nhanh, số văn bản này cũng sẽ trở thành quá hạn.
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng khái quát, trong chương trình công tác năm 2019, tổng số có 511 đề án, đến nay các Bộ, ngành đã trình 390 đề án, trong đó đã ban hành 197 đề án. Như vậy, trong số đề án trình và ban hành mới đạt 50,5 %, chưa trình 121 đề án, trong đó có 41 đề án quá hạn. Còn 80 đề án khác sắp hết hạn vào thời điểm 31/12.
Với 9 Bộ, ngành tham gia cuộc họp kiểm tra hôm nay, tổng số nhiệm vụ được giao là 251 đề án, tổng số nợ là 71 đề án, chương trình, trong đó 29 đề án quá hạn.
Về văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, năm 2019, 9 bộ phải ban hành 56 văn bản quy định chi tiết, hiện đã ban hành 45 văn bản, nợ đọng 11 văn bản, trong đó có 10 văn bản thuộc trách nhiệm của các bộ. Riêng Bộ Công an nợ 6 văn bản, trừ 2 văn bản liên quan đến Luật An ninh mạng thì còn 4 văn bản, Bộ Công Thương còn 3 văn bản, Bộ Giáo dục còn 1 văn bản… Thực tế, đây là nhóm các Bộ, ngành có văn bản nợ đọng, quá hạn nhiều nhất.
Tính trên đầu mục nhiệm vụ Chính phủ giao, 9 Bộ có 2.412 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 1.199 nhiệm vụ, còn nợ 1.223 nhiệm vụ, trong đó 1.163 nhiệm vụ trong hạn, có 50 nhiệm vụ quá hạn, chiếm 2,7 %. Tỷ lệ này được xem là khá cao khi bình quân cả nước, tỷ lệ nhiệm vụ nợ quá hạn chỉ 0,57%.
Với tinh thần quyết tâm để tất cả những việc được giao không thể nhiệm vụ nào không được hoàn thành, trừ các văn bản nợ đọng với lý do bất khả kháng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong tất cả các phiên họp, Thủ tướng luôn chỉ đạo, các Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng chương trình công tác. Thủ tướng cũng luôn nhắc nhở Tổ công tác đôn đốc, đồng thời theo dõi quá trình triển khai của các Bộ để báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu đại diện Bộ Thông tin – Truyền thông giải trình về việc Bộ này còn 18 văn bản, đề án nợ đọng mà chỉ cam kết sẽ hoàn thành trong những ngày cuối cùng của năm nay 10 đề án, còn lại xin chuyển sang năm 2020.
Đại diện của Bộ Thông tin – Truyền thông nêu lý do xin lùi những đề án, văn bản 2020 là vì nội dung các đề án gắn chặt chẽ với thực tế như hoạt động đấu giá băng tần truyền phát sóng, kho số điện thoại mà nội dung này đang chờ phê duyệt của Thủ tướng hoặc có đề án cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện đề án… nên không kịp hoàn thành trong 2019.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng hỏi lại về đề án liên quan đến vấn đề cơ chế tổ chức của Đài truyền hình Việt Nam, có vướng mắc gì mà phải chậm, lùi lại, chưa trình lên Chính phủ? Bộ trưởng phân tích, Đài là đơn vị đã thực hiện tự chủ hoàn toàn về tài chính từ lâu, vậy vấn đề quyết định bộ máy, tổ chức, nhân sự cũng có thể tự quyết.
“Tôi biết đề xuất về vấn đề này đã được nêu ra lâu rồi, đơn vị thực hiện tự chủ tài chính thì muốn có cơ chế mở để được tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Vậy có vấn đề gì khiến văn bản trình vẫn chậm vậy mà một văn bản trình lại không có thời hạn? Sai thì nhận lỗi đi chứ, đừng đổ tội cho văn thư, đánh máy!” – Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chất vấn cán bộ Bộ Thông tin – Truyền thông.
Báo cáo lại, Thứ trưởng Bộ này, ông Phạm Hồng Hải khẳng định, nội dung văn bản điều chỉnh lần này với Đài Truyền hình Việt Nam chỉ là về cơ chế, tổ chức của đơn vị, Bộ Thông tin – Truyền thông không có ý kiến về nội dung, chỉ là vấn đề quy trình, thủ tục làm chậm tiến độ.
Cụ thể, Thứ trưởng Hải trao đổi, theo quy định, thông tin thay đổi phải được đăng tải công khai trên website của Bộ 60 ngày mới đủ điều kiện lấy ý kiến Bộ Tư pháp, sau đó Bộ Thông tin – Truyền thông mới hoàn thiện để trình lên Chính phủ. Hiện Bộ Thông tin – Truyền thông vẫn đang… chờ cho hết thời hạn 60 ngày.
Để tránh văn bản giải quyết việc này tiếp tục bị kéo dài quá hạn định, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông khẳng định sẽ đốc thúc Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ phối hợp chặt chẽ với đơn vị điều chỉnh để hoàn thiện quy trình, cố gắng trong cuối tháng 12 sẽ trình ra, không để kéo dài sang năm 2020.
Dân Trí