Bộ trưởng GTVT ở đâu khi tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra?
Ngày 27/5, khi vụ tai nạn thứ 4 xảy ra, PV liên hệ với Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể xem ông ở đâu trong bối cảnh tai nạn nghiêm trọng trong ngành diễn ra liên tục.
Ông Thể nhấc máy và cho biết, đang đi khánh thành cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp), có gì hỏi Cục trưởng Đường sắt. “Vậy tai nạn xảy ra nhiều, ông có đi kiểm tra không?” “Tôi đang ở Cao Lãnh, ngày mai bận họp Quốc hội”, ông Thể nói một cách vội vàng và cho biết đang bận tiếp khách.
Trước đó, trong vụ tai nạn thảm khốc gây thiệt hại lớn về người và của tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ và Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia có mặt tại hiện trường để chỉ đạo khắc phục thông tuyến.
Lịch sử của ngành Đường sắt hiếm khi xảy ra 4 vụ tai nạn nghiêm trọng (có vụ có thể gọi là thảm khốc) gây tê liệt hệ thống trong 4 ngày liên tiếp. Nguyên nhân sự việc còn phải điều tra kỹ, nhưng bước đầu cho thấy có vấn đề về con người (trong đó có người gác chắn thiếu trách nhiệm).
Câu than thở quen thuộc của cán bộ ngành Đường sắt vẫn là hạ tầng cũ. Tuy nhiên, sơ bộ nguyên nhân những vụ tai nạn này không chỉ do tuổi thọ của toa tàu, đường ray.
Nguồn tin của PV Tiền Phong cho biết, cách đây không lâu, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam vừa được một ngân hàng nước ngoài cho vay trực tiếp hơn 6,3 triệu euro để mua máy kiểm tra chất lượng cầu đường (đã đưa vào sử dụng). Trong 4 vụ tai nạn trên, ít nhiều có liên quan đến chất lượng cầu đường.
Đình Thắng