Bộ LĐTBXH đề xuất dành 3.000-5.000 tỷ đồng đào tạo lại 1 triệu lao động
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tham mưu với Chính phủ dành khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại khoảng 1 triệu lao động.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, do ảnh hưởng lớn bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng, doanh thu giảm còn 70%. Khoảng 26% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc ngừng việc, giãn việc và mất việc. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực du lịch hàng không, dịch vụ lao động tự do bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Dung đánh giá với việc hoạt động kinh doanh sản xuất, dịch vụ được phục hồi, trong dài hạn, khoảng 70.000-80.000 lao động ở các khu vực sẽ từng bước quay lại thị trường lao động.
Đối với các doanh nghiệp, ưu tiên hàng đầu là tập trung tái cấu trúc lại nguồn nhân lực đi đôi với đổi mới công nghệ và chuỗi giá trị. Theo đó, cần nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.
“Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã khuyến cáo để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động. Hệ lụy của cắt giảm nhân sự hàng loạt là chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, hoặc doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động khi hoạt động sản xuất được quay trở lại” – Bộ trưởng Dung dẫn nhận định cho hay.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết Bộ này sẽ trình với Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000 đến 5.000 tỷ từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động, dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ. Ông Dung dẫn ví dụ Trung Quốc đã chi 12 tỷ USD cho chương trình này.
Về phương thức, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến tập trung đào tạo và đào tạo lại tại doanh nghiệp gắn với trường nghề, gắn hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp do doanh nghiệp triển khai, cấp tiền trực tiếp cho doanh nghiệp.
Mặt khác, Bộ này dự kiến sẽ cấp phép lao động cho chuyên gia, nhà quản lý và lao động kỹ thuật nước ngoài vào Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Theo công bố vào đầu tháng 7/2019, Bộ LĐ-TB&XH cho biết có hơn 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, ước tính Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư hơn 80.000 tỷ đồng.
Tại đề án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 do Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng ngày 18/3, Bộ LĐ-TB&XH cho biết trong tháng 2/2020, khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất; sang hai tuần đầu tháng 3, con số trên tăng lên hơn 15% trong tổng số doanh nghiệp.
Số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tháng 2/2020 là 47.164 nghìn người, tăng 59,2% so với tháng 1/2020 (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm 2019 (gần 28.000 người).
Bộ này đã đề xuất với Chính phủ 6 nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp thứ nhất, tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất, trước mặt tập trung vào 2 nhóm doanh nghiệp: Doanh nghiệp có từ 50% số lao động trong diện tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm; doanh nghiệp bị thiệt hại từ 50% tổng thu nhập do dịch COVID-19.
Bộ LĐ-TBXH dự kiến từ 25.000 – 50.000 tỷ đồng sẽ phát sinh do tạm dừng đóng, miễn lãi chậm đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho khoảng 1,5 – 3 triệu lao động, tương ứng với từ 105.000 – 211.000 doanh nghiệp.
Thứ hai, Bộ LĐ-TBXH đề xuất 100% doanh nghiệp và người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020. Sau đó, doanh nghiệp và người lao động phải đóng bù thời gian này, không phải nộp tiền lãi chậm đóng. Ước tính số tiền tạm ngừng đóng là 12.800 tỷ đồng.
Thứ ba, sử dụng kết dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi cho việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề của người lao động; thứ tư, đề xuất nhà nước cho doanh nghiệp vay để trả lương, bảo hiểm, chi trợ cấp cho người lao động trong trường hợp người lao động phải thôi việc, mất việc.
Thứ năm là chính sách tín dụng, đề nghị cho người lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác, hợp tác xã… được vay vốn với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, tức vào khoảng 3,96%.
Nhóm giải pháp thứ sáu, tạm hoãn đóng kinh phí công đoàn cho các doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp trong từng giai đoạn.