Bí ẩn chữ ký khiến nhà nước mất 3.000 tỷ đồng và căn biệt thự triệu USD của cựu Chủ tịch TP Hà Nội ở CIPUTRA
Vụ 12 cựu quan chức “chây ì” không bàn giao nhà ở công vụ đang lùm xùm trên mạng mấy bữa nay đã thấm gì, có một vị có thể xem là “ông cụ của chây ì”, hơn 8 năm không chịu trả lại biệt thự công vụ, là vị cựu Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên. Đáng nói, ông Nghiên mặc dù đã sở hữu căn biệt thự triệu USD tại Khu đô thị Nam Thăng Long – Ciputra vẫn quyết không chịu trả nhà. Bí hiểm hơn, căn chung cư Ciputra, nơi ông Nghiên sở hữu biệt thự, trước khi khởi công đã được UBND TP Hà Nội “bật đèn xanh” tiếp tay mua đất với giá thấp khiến nhà nước thiệt hại tới 3.000 tỉ đồng.
“Ông cụ của chây ì” Hoàng Văn Nghiên khi còn ở cương vị công tác là Chủ tịch UBND TP (từ 1994 – 2004) đã được bố trí ở tại biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Thế nhưng, đáng ra khi không còn đảm nhận cương vị công tác đó nữa thì ông Nghiên cũng phải trả lại nhà. Tuy nhiên, khi đã được ưu ái cho một căn biệt thự khác thay cho căn số 12 Nguyễn Chế Nghĩa thì ông Nghiên lại không đồng ý và đòi ở một chỗ khác trong khu đô thị Ciputra. Chính là căn hộ được đồn đoán là trị giá tới hơn 1 triệu USD mà chúng ta đang bàn tới.
Việc bố trí cho ông Nghiên một căn biệt thự khác của UBND HN rõ ràng là “nể nang”. Nể nang cũng là điều dễ hiểu thôi, chẳng lẽ người ta lại có thể đối xử một cách không nể nang với vị Chủ tịch thành phố trước kia? Nhưng xét theo các quy định của pháp luật, thì cựu Chủ tịch UBND thành phố không có đặc quyền gì mà đòi hỏi như thế cả. Nhà công vụ là để phục vụ cho nhu cầu công vụ, nay không còn đương chức nữa thì còn giữ nhà công vụ làm gì?
Cũng chỉ vì hai từ “nể nang” các cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà công vụ đã để vụ việc kéo dài tới 8 năm trời mới được giải quyết. Những người chây ì không chịu trả nhà đúng thời hạn, vi phạm các quy định của Nhà nước có phải là hành vi vi phạm pháp luật không? Nếu vi phạm trong thời gian dài, bị nhắc nhở nhiều lần, vậy tại sao không tiến hành cưỡng chế? Những người từng làm cán bộ, công chức, từng giữ cương vị cao trong bộ máy nếu vi phạm pháp luật thì càng phải xử lý nghiêm hơn thường dân mới phải?
Còn căn biệt thự mà ông Nghiên nằng nặc đòi ở cho bằng được thực ra là có lý do của nó. Ngày 14-12-2004, UBND TP Hà Nội đã ra một quyết định “kỳ lạ” vào thời điểm cực kỳ nhạy cảm nhưng vấn “cố đấm ăn xôi” – duyệt giá thu tiền sử dụng đất của Dự án khu đô thị Nam Thăng Long (KĐTNTL) sớm hơn 16 ngày so với việc công bố giá đất theo Luật Đất đai (ngày 1-1-2005) – mà ngân sách Nhà nước đã thiệt hại 3.000 tỉ đồng. Được hưởng siêu lợi nhuận này là một nhà đầu tư bất động sản nước ngoài, tập đoàn CIPUTRA (Indonesia).
Vì “động cơ” gì mà UBND TP Hà Nội thời điểm cuối năm 2004 dù biết chắc chắn rằng bảng giá đất công bố theo Luật Đất đai (có hiệu lực từ ngày 1-1-2005) sẽ cao hơn giá cũ rất nhiều nhưng vẫn ký duyệt cho dự án KĐTNTL được hưởng giá đất thấp hơn từ 8-10 lần so với giá đất được công bố sau đó 16 ngày? Một chữ ký mà nhà nước thiệt, người dân thiệt, chỉ có nhà đầu tư có lợi, vậy thì tại sao người đại diện cho Nhà nước lại ký vào thời điểm đó?
Khu Đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) là nơi ông cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên đề xuất thành phố mua đất xây biệt thự để ông thuê ở.
Phải chăng đây là một động thái “lách luật” rất cao tay của nhà đầu tư dự án KĐTNTL đã được UBND TP Hà Nội “bật đèn xanh” tiếp tay với hậu quả là số tiền thiệt hại từ 927.000m2 (92,7 ha) đất lên tới 3.000 tỉ đồng – hay nói cách khác, cơ quan có thẩm quyền của TP Hà Nội đã giúp cho liên doanh CIPUTRA tránh được khung giá đất mới để khỏi phải trả khoản tiền sử dụng đất hàng ngàn tỉ đồng?
Không rõ là ông Hoàng Văn Nghiên khi đó đã về hưu từ đầu năm 2004 có dính dáng tới vụ việc hay không, nhưng ông biết rõ sẽ hưởng lợi rất nhiều nếu “đòi hỏi” mua bằng được căn biệt thự ở Ciputra với “giá hời” nhờ “sự nể nang”. Điều đó cũng chả có gì lạ khi mà một số quan chức của TP Hà Nội và quận Tây Hồ khi đó cũng mua một số ngôi nhà biệt thự có vị trí đẹp nhất ở dự án KĐTNTL, mà theo một số người dân ở gần đấy cho biết có ngôi biệt thự trị giá tới hơn 1 triệu USD.
Thiệt không ngờ các quan nhà mình giàu có đến vậy, cũng không ngờ có những kẻ “tham quyền cố vị” như ông Nghiêm, và cũng không ngờ Hà Nội nhiều “thủ đoạn làm giàu” đến vậy!
Hà Min