Bao giờ lãnh đạo mới không bị bối rối khi xử lý tài sản tham nhũng?
Những ngày này, Quốc Hội đang thảo luận về một vấn đề mà có lẽ đối với người dân thì ai cũng hiểu còn đối với một bộ phận, có lẽ không nhỏ quan chức thì không hiểu hoặc cố tình không hiểu hay không có nhu cầu hiểu. Đó là: Xử lý tài sản tham nhũng.
Hai luồng ý kiến đang được đưa ra bàn thảo tại phiên thảo luận của ủy ban thường vụ QH là xử lý tài sản bất minh thông qua quy trình tố tụng tại tòa án và đánh thuế với phần tài sản cán bộ không giải trình được về nguồn gốc.
Có một thực tế hiện nay ở xã hội chúng ta là người có tiền thì chưa chắc là người có quyền nhưng nếu đã là người có quyền thì kèm theo đó là bổng lộc, lợi ích và hiển nhiên đi cùng với nó là tiền. Nếu chiếu theo bảng lương của quan chức đang được áp dụng theo luật hiện nay thì ngay cả đến Chủ tịch nước, Tổng Bí Thư nếu lấy lương cơ bản nhân với hệ số 13, cùng với các phụ cấp chức vụ đi kèm cũng chỉ ở mức dưới 20tr đồng một tháng. Vậy mà chỉ một ông bí thư xã ở một huyện thuộc một tỉnh nào đó vẫn được xếp vào dạng tỉnh nghèo cũng đã có thể xây nhà cỡ chục tỷ, mua xe bốn bánh,con cái được học ở Thủ Đô cũng đang sống trong những căn nhà riêng biệt, hoành tráng và khép kín. Vậy thì còn không biết bao nhiêu quan chức cấp cao hơn, nằm trong một hệ thống chính trị phức tạp thuộc HDND, UBND, rồi các cơ quan đoàn thể khác, không hiểu là với những vị đó, bao nhiêu phần tài sản họ đang sở hữu là nổi, bao nhiêu là chìm.
Trở lại với phương án một, lý lẽ được đưa ra không nên áp dụng có rất nhiều, nào là sẽ xuất hiện đơn thư tố cáo tăng cao đối với cán bộ, nào là hệ thống tòa án sẽ phải gồng ghánh thêm trách nhiệm gây áp lực lên hệ thống tư pháp..Thiết nghĩ, nếu cán bộ của chúng ta không tham ô, tham nhũng thì lấy gì làm cơ sở để các vị có thể nói rằng , mọi thứ sẽ phức tạp và rắc rối hơn. Nói như vậy, rõ ràng là chúng ta đang thừa nhận những tài sản tạm được gọi là bất minh, không chứng minh được gì gì đó là tài sản do tham ô, tham nhũng mà có .Và rằng, liệu có khả thi không khi người dân thấp cổ bé họng hay công chức dưới quyền tố cáo, khiếu nại chính các cấp cao hơn, quyền lực hơn của mình?Nếu như thế, lượng cán bộ bị ra tòa hay kỷ luật có lẽ cũng không ít. Và như thế, nói như nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng là nếu kỷ luật hết, lấy đâu cán bộ để làm việc nữa.
Phương án hai được nói đến là đánh thuế 35% với những tài sản mà quan chức không chứng minh được. Điều này chẳng khác nào là nguồn cổ vũ, khích lệ động viên to lớn các cán bộ chúng ta tham ô, tham nhũng. Hiểu một cách đơn giản là khi không thể chứng minh được là tài sản do ông bà để lại, buôn chổi đót hay lao động thối móng tay ..thì có thể công khai, sau khi bị đánh thuế thì số tiền còn lại từ tham nhũng sẽ được pháp luật thừa nhận.Và nếu như thế, liệu chúng ta có cần phải nghiên cứu gì thêm về vấn đề này nữa hay không.
Suy cho cùng, dù là phương án nào thì chúng ta cũng thấy một điều hiển nhiên rằng, luật phòng chống tham nhũng chỉ hướng đến đối tượng có chức quyền, chứ người dân thì chẳng thể nào mà tham ô tham những cho được. Vậy mới thấy, có lẽ, việc người dân cướp một chiếc bánh mỳ hay bắt chộm con gà thì pháp luật mới xử lý nhanh và không phải bàn cãi tranh luận gì nhiều. Còn tham ô, tham nhũng, nếu xử lý cương quyết và triệt để thì khác gì ta đánh ta vậy.
Cái gốc của vấn đề không nằm ở việc xử lý khi đã xảy ra hậu quả mà là phải làm sao hạn chế thấp nhất hậu quả đó xảy ra, và nếu có xảy ra cũng phải có chế tài xử lý được một cách minh bạch và rõ ràng. Tất cả hệ thống tòa án, viện KS, cơ quan an ninh điều tra suy cho cùng vẫn chịu sự chi phối, quản lý của một bộ phận nào đó nằm trong rất nhiều tên gọi khác nhau từ thanh tra của các bộ nghành đến,thanh tra CP, UBKT TW.. chồng chéo và phức tạp. Vậy thử hỏi, khi những cán bộ quyền chức dính tới tham ô, tham nhũng mà gần như tất cả họ đều là đảng viên, thậm chí là Ủy viên TW hay các cấp cao hơn. Hiệu quả của luật phòng chống tham nhũng sẽ thế nào chắc cũng không khó để chúng ta đánh giá được.
Nghĩ đến nước Mỹ, ngay cả Tổng Thống được nhận quà từ các tổ chức cá nhân, cơ quan ngoại giao, chính khách nước ngoài cũng đều phải sung công quỹ nếu giá trị quà tặng lớn hơn 390USD, còn nếu Tổng Thống muốn sỡ hữu những món quà lớn hơn thì phải bỏ tiền túi ra mua lại. Đó là quy định của Quốc Hôi Mỹ, thuộc một nền dân chủ tam quyền phân lập.
Chỉ khi nào Tòa án, VKS của chúng ta được tách riêng, được hoạt động độc lập về mặt pháp lý thì lúc đó, chúng ta mới hy vọng luật phòng chống tham nhũng đi vào thực chất và phát huy hiệu quả. Bằng không, nếu vừa đá bóng vừa thổi còi như lúc này, người dân cũng không nên quá trông đợi một điều gì, cho dù là có thêm năm bảy luồng ý kiến nữa được đưa ra để thảo luận.
Xin trích lại câu nói của chủ tịch QH: Thực tế khi xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản vừa qua có thể thấy nhiều cán bộ có tài sản rất lớn mà không giải trình được nguồn gốc, nhà nước cũng không có cơ sở pháp lý nào để xử lý. Về phía dư luận thì người dân chỉ cần biết, tài sản tham nhũng đó đã thu hồi được chưa”
Bao giờ cán bộ có thể giải trình được khối tài sản rất lớn đó?. Bao giờ nhà nước có cơ sở pháp lý để xử lý được? Có lẽ, câu hỏi của Chủ tịch QH cũng rất khó nếu mọi thứ vẫn đang như hiện tại, mà cũng không quá khó để chính Quốc Hội của chúng ta, những đại biểu của nhân dân nếu sáng suốt sẽ trả lời được.