Ai dại? Ai khôn?
Ngay sau bức thư của Tổng thống Hoa Kỳ gửi nhà lãnh đạo tối cao họ Kim của Triều Tiên, tuyên bố huỷ bỏ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều đã được lên lịch vào ngày 12/6 tại Singapore, Thông tấn xã trung ương Triều Tiên đã lập tức loan báo thông điệp hồi đáp từ Bình Nhưỡng, nhân danh Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gưan, với những lời lẽ mà giới ngoại giao của một số nước nên tự vấn:
“Chúng tôi trân trọng các nỗ lực của Tổng thống Trump, chưa từng có trước nay bởi bất kỳ vị Tổng thống nào, muốn tạo nên một thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử,” Thông tấn xã trung ương của Triều Tiên dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này ngày 25/5.
“Chúng tôi một lần nữa muốn nói với Hoa Kỳ rằng chúng tôi mở ngỏ giải quyết các vấn đề bất kỳ lúc nào, bất cứ cách nào,” ông Kim Kye Gwan tuyên bố. (Nguồn: VOA)
Còn nhớ:
– Những ngày cuối tháng Tư 1975, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Cộng Hoà Martin đã từng chần chừ trước khi di tản, trông chờ một lời mời ở lại từ phe đang thừa thắng hành quân hướng về Sài Gòn, nhưng viên đại sứ đã thất vọng, đơn giản là không ai trong phe chiến thắng màng nghĩ tới điều này.
– Những năm 1978~1979, trước tín hiệu từ phía Hoa Kỳ để ngỏ cơ hội thiết lập bang giao và bình thường hoá quan hệ Mỹ – Việt, chính giới VN lúc đó — chưa nguôi ngoai cơn say no chiến thắng — đã đưa yêu cầu Mỹ phải thực hiện điều khoản đền bù chiến tranh $3B ghi trong Hiệp định Paris như một điều kiện tiên quyết cho việc bình thường hoá quan hệ song phương, trong khi cố ý quên (một cách trơ trẽn) rằng bằng việc đuổi cùng diệt tận một trong các bên ký Hiệp định Paris, phe thắng cuộc đã đơn phương xé toạc bản hiệp định mà họ đã từng long trọng ký kết, trong đó có điều khoản mà họ đòi hỏi.
(Theo nhận định của cố Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ trong hồi ký của ông, sự kiêu ngạo này đã đẩy lùi các cơ hội phát triển của VN gần 20 năm.)
– Năm 1992, trong chuyến thăm VN của Thái Thủ tướng (Senior Minister) Singapore Lý Quang Diệu, khi đáp lại lời cảm ơn của người đứng đầu chính phủ VN Võ Văn Kiệt về mức độ đầu tư của Singapore vào VN lúc đó đang dẫn đầu khối ngoại, ông Lý Quang Diệu chỉ nhắc cụ Kiệt: “Điều các ngài cần hơn phải là đầu tư của Hoa Kỳ. Hãy thu hút vốn của họ một cách nhiều nhất có thể.”
– Năm 2013, trong chuyến đi Hoa Kỳ của cựu Chủ tịch nước TT Sang, nghị trình ban đầu — nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên tầm “đối tác chiến lược” — đã bị thay đổi vào phút chót từ quê nhà, chỉ giữ ở mức “quan hệ hợp tác toàn diện”, được biết là do một chỉ đạo của chính Big Brother.
– Trong khi Tổng thống Mỹ Obama khi còn đương nhiệm đã đến Hiroshima, và Thủ tướng Nhật Abe đã đến Pearl Harbor như những động thái biểu tượng cho sự hoà giải hậu Thế Chiến giữa hai quốc gia Mỹ – Nhật, thì đến tận năm nay, chúng ta vẫn nhắc lại Mỹ Lai (cho dù chính giới, cựu chiến binh và người dân Mỹ đã nhiều lần bày tỏ sự sám hối), vẫn kỷ niệm chiến công (không có thật) Tết Mậu Thân, vẫn mừng 30/4 (thực chất là ngày kết thúc nội chiến).
Vào ngày Hôm Nay, hầu như tất cả mọi người Việt Nam có lương tri đều đã biết rõ rằng: để thu hút được vốn của giới đầu tư Mỹ, VN cần chuẩn bị sẵn một hành lang pháp lý thông thoáng và một môi trường kinh doanh minh bạch, song mong muốn này đã thất vọng sau 43 năm, để đến lúc này, khi nợ quốc gia đã dâng lên cao ngất, nền kinh tế đất nước vẫn đang loay hoay với những bài toán lúng túng và bế tắc:
– Thay từ tiếng Việt “thu phí” bằng “thu giá” để trơ trẽn lách luật, có thể tự ý nâng giá mãi lộ ở các trạm cướp đường BOT mà không cần xin phép Bộ Tài chính.
– Trăn trở “phát minh” ra những sắc thuế mới để tận thu, “vặt lông” người đóng thuế, bằng mọi cách tăng thu để nuôi bộ máy công chức song trùng Đảng – Chính thừa biên chế, chỉ ngày đêm nghĩ ra các dự án bán đất, bán tài nguyên, và các sắc thuế bóc lột chúng sinh.
– Quốc hội thì đang tranh biện lấy lệ để ngày mai, ngày kia sẽ thông qua quy chế “đặc khu” với các ưu đãi ô nhục, trong đó có điều khoản đất đai tô nhượng đến 99 năm.
Quoc Khanh