“Xin đừng chọn Trung Quốc” – Khẩu hiệu của dân nhưng lại là lựa chọn của quan

Đã bao giờ bạn nghe người khác than vãn lên rằng “Xin đừng chọn Trung Quốc”? Tôi thì luôn luôn nghe những câu nói như vậy ở bất kì đâu, bất kì khi nào, trong bất cứ lĩnh vực nào. Đặc biệt, nếu đã là một công trình, một dự án đầu tư thì chắc hẳn người ta sẽ càng sợ những cái mang danh Trung Quốc hơn.

Theo số liệu từ Ủy ban Tài chính – Ngân sách, tính đến năm 2010 có đến 90% các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Sau giai đoạn này, trước sự phản ứng của dư luận, sự góp ý của đại biểu quốc hội và với tổng kết thực tiễn thì tỷ lệ trên đã giảm, nhưng tỷ lệ giảm vẫn còn rất chậm chạp.

Từ thực trạng quá nhiều dự án liên quan đến Trung Quốc được thực hiện, sau đó hầu hết các dự án đề phát sinh vấn đề như đội vốn, chất lượng kém, phát sinh thiệt hại bất ngờ về người và của, tốn kém chi phí bảo trì,… đã tạo ra một làn sóng tâm lý sợ hãi và tẩy chay Trung Quốc. Và cũng từ đó, “Xin đừng chọn Trung Quốc” vô tình trở thành câu nói cửa miệng của đa số người dân Việt Nam.

Sai rồi vẫn sai tiếp…

Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, tỉnh Bình Thuận gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Sau ba quả dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Vũng Áng 2 và Vĩnh Tân 3 với sự hiện diện của nhà thầu Trung Quốc, công nghệ Trung Quốc mà thực tế xảy ra là dân cư khu vực lân cận “không sống nổi” vì ô nhiễm không khí thì ngành điện vẫn còn đang tiếp tục dự kiến làm thêm nhiều dự án nhiệt điện mà nhà thầu Trung Quốc tham dự nữa. Mặc kệ các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc đang đem công nghệ lạc hậu, cơ sở vật chất bỏ đi để chuyển “rác thải” sang Việt Nam thì nghe vẻ ở trên cao có những người vẫn chưa nghe thấy.

Sau một tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đội vốn gấp 5 lần, lùi thời hạn vô số, công nghệ lạc hậu, cảnh quan xấu xí và đến nay vẫn chưa biết ngày hoàn thành thì tới đây người ta vẫn đang tính toán đưa phương án sử dụng công nghệ Trung Quốc vào thi công tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam?

Thực sự, với những gì đã xảy ra, thì nên khẳng định một câu chắc nịch rằng, trong các dự án lớn mà Việt Nam làm, việc chọn nhà thầu Trung Quốc, chọn công nghệ Trung Quốc là hoàn toàn sai lầm. Đã sai rồi, hậu quả thấy rồi, người dân kêu than rồi, đại biểu quốc hội rút kinh nghiệm, đưa ra chất vấn rồi nhưng con số 90% chỉ giảm chút ít. Như thế, chỉ có thể hiểu là chúng ta đã sai nhưng vẫn cứ muốn sai tiếp.

Đó là cách họ “lách luật”…

Nói đúng ra là sau mỗi dự án đội vốn, kém hiệu quả, các bộ phận chuyên môn có liên quan đều sẽ bị khiển trách, chất vấn. Nhưng, đáng sợ là ai cũng có riêng cho mình một lý do, thậm chí, lý do ấy còn có thể sẽ “đúng quy trình”.

Vừa rồi có câu chuyện thế này, Chủ đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỷ của thánh phố Hồ Chí Minh – tập đoàn Trung Nam đã tự ý đổi vật liệu, dùng thép Trung Quốc để thi công công trình mặc dù trong chỉ định ban đầu là phải dùng thép của Nhật hoặc các nước G7. Khi được hỏi về vấn đề thì tập đoàn Trung Nam ngay lập viện dẫn sự đồng ý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh.

 

Dự án chống ngập tại thành phố Hồ Chí Minh chuyển sang dùng thép Trung Quốc

Thế đấy, việc họ tự ý chuyển sang dùng thép Trung Quốc lại có sự đồng ý của một cơ quan khác, nhưng bản chất là cơ quan này lại không có thẩm quyền. Giờ mà truy trách nhiệm ra thì cũng sẽ chỉ ra một mớ lộn xộn theo kiểu Luật chồng chéo Luật mà thôi. Vẫn cái mô típ quen thuộc ấy nhưng hết dự án này đến dự án khác vẫn “chót lọt”. Tự hỏi, sau này mà dự án chống ngập chục tỷ có hỏng hóc, phải bảo trì thì cuối cùng vẫn cứ là ngân sách thất thoát. Họ đã lách luật một cách thật chuyên nghiệp. Và chắc chỉ riêng ở Việt Nam mới có loại hình chỉ định làm một đằng nhưng làm thật một nẻo mà vẫn đúng quy định mà thôi.

Dân than trời mặc… kệ!

Cũng vẫn ở dự án chống ngập nói trên, ngay khi bài báo phản ánh chủ đầu tư đổi thép Trung Quốc trong thi công thì ngay lập tức bên dưới hàng ngàn lượt bình luận phản đối được đăng tải. Vẫn là câu kêu cứu đầu tiên: “Xin đừng chọn Trung Quốc” vang lên. Nhưng rồi, có ai nghe được những lời than ấy, khi chủ đầu tư thì đã thi công rồi, các cơ quan ban ngành thành phố đồng ý giấy trắng mực đen mất rồi….

Rất đáng buồn nhưng cứ phải nói, các chuyên gia đã chỉ ra việc sử dụng thép Trung Quốc trong thi công có thể sẽ làm tăng phí duy tu, bảo dưỡng lên gấp nhiều lần. Với điều kiện ngập úng nặng như thành phố Hồ Chí Minh hiện tại, công trình này được dự báo sẽ sớm bị quá tải. Tương lai của một sự lãng phí, tốn kém dường như đã được định trước mà chính người dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ gánh chịu đầu tiên. Và cả người dân cả nước cũng sẽ lại tiếp tục “oằn mình” đóng góp thêm cho ngân sách chi tiêu cứu vãn công trình chục nghìn tỷ.

Tự hỏi, sao không ai, không một cơ quan nào “sợ hãi” trước tiếng kêu của người dân, sao không ai một lần thỏa mãn tâm nguyện của người dân. Nó chỉ đơn giản thế này thôi: “Xin đừng là Trung Quốc”. Lựa chọn nhà đầu tư Nhật Bản, châu Âu khó thế à? Lựa chọn công nghệ Nhật, công nghệ châu Âu, công nghệ Mỹ khó thế à? Tiền của người dân nộp ngân sách, sao người dân lại không có quyền quyết định chọn công nghệ, chọn nhà thầu mình muốn đây?

(Theo But Danh)