Vụ Gate – way: Càng cố cởi thoát lại càng buộc chặt

Một bài toán rất khó giải trong vụ bà Quy là việc bà được hãng vận tải thuê làm người đưa đón trẻ mà không có hợp đồng lao động, cũng không được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn gì cả.

Mặc dù Bộ luật lao động của VN như quy định ở phần 2, điều 16, cho phép người ta có thỏa thuận lao động bằng lời nói đối với những công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng, nhưng có thể thấy là trong trường hợp này, đặc trưng khó chứng minh của hợp đồng miệng, khiến rủi ro nằm trọn về bên thuê lao động, tức công ty vận tải được thuê chở học sinh.

Thiếu vắng một hợp đồng bằng văn bản có quy định rõ ràng trách nhiệm của người lao động, đồng nghĩa với việc người ta không thể quy trách cho bà Quy, ngay cả khi người ta thành công trong việc bắt ép bà chịu trách nhiệm về việc bỏ quên cháu bé trong xe.

Sự thiếu vắng hợp đồng lao động trong đó quy định rõ ràng công việc bà Quy phải làm, và trách nhiệm của bà trong việc hoàn thành việc đó, đồng nghĩa với việc bà Quy bây giờ (nếu muốn) có thể viện dẫn lý do đó để tránh mọi trách nhiệm liên quan đến sự cố đã xảy ra, nếu đúng là đã có việc cháu bé bị bỏ quên trong xe do bà xao lãng.

Việc bà Quy liên tục nói bà mất ăn mất ngủ, cảm thấy có lỗi, có trách nhiệm… phản ánh một thứ trách nhiệm đạo đức thường thấy ở người vô tội, chứ không ràng buộc vào bà bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào.

Thiếu vắng hợp đồng lao động hay bằng chứng chứng minh hai bên đã thỏa thuận với nhau bằng lời cho một công việc tạm thời, thời hạn dưới 3 tháng theo luật định, người ta hoàn toàn không có căn cứ để khởi tố bà Quy.

Bà Quy miễn trách hoàn toàn thì trách nhiệm nếu có thuộc về bên công ty vận tải được thuê chở học sinh. Muốn biết trách nhiệm của hãng xe này có hạn mức tới đâu, người ta cần xem xét hợp đồng mà hãng xe ký với trường xem quy định trong đó về việc thuê người đưa đón trẻ đi kèm xe là gì.

Nhiều người gào thét lên, nằng nặc đòi bà Quy phải nhận tội, nhưng họ làm thế là vô lý.

Thứ nhất, mọi bằng chứng đều cho thấy xác suất cháu bé bị bỏ quên rồi chết vì sốc nhiệt trong xe là bằng 0.

Thứ hai, bà Quy đã bàn giao đủ 13 cháu như trong giấy tờ mà trường ghi nhận.

Thứ ba, giả sử là bà Quy có xao nhãng để quên cháu bé trong xe thật, thì bà VẪN không phải chịu trách nhiệm pháp lý về việc đó, do hoàn toàn không tồn tại một văn bản quy định trách nhiệm cụ thể của bà.

Không bàn tới việc xao nhãng này là đúng/sai, nhưng đây là một thách thức kỹ thuật hoàn toàn không dễ vượt qua để buộc tội người ta. Và nếu bên công tố không thể vượt qua thách thức kỹ thuật đó để chứng minh bà Quy có tội thì bà Quy vô tội.

Thế nên dù kết quả của cơ quan điều tra sắp công bố có là thế nào đi nữa, thì khi ra toà, bên công tố vẫn sẽ thua. Người ta càng cố cởi thoát ra cho ai đó, thì người ta lại càng buộc chặt vào đấy thôi.

Anh Phạm

* P/s: Được biết, gia đình cháu Long đã mời 2 luật sư Vũ Gia Trưởng và Phạm Hương Giang – Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội – bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên bị hại là bé Lê Hoàng Long và gia đình.

VPLS này do PGS.TS.LS Phạm Hồng Hải, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam sáng lập (từng tham gia bảo vệ cho bên bị hại vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường năm 2013).

Hy vọng các Luật sư sẽ nhanh chóng, quyết liệt bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình cháu, đồng thời làm rõ trách nhiệm của tất cả các cá nhân, tập thể liên quan.

(Song Pham)