VTV làm ô nhục quốc thể, Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo chẳng lẽ vô can?
Mạng xã hội đang chửi bới lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) bằng những lời lẽ vô cùng thậm tệ khi Đài này từ chối mua bản quyền truyền hình Á vận hội 2018 (ASIAD 18) để cho hàng chục triệu người dân Việt Nam bất đắc dĩ phải vào xem lậu các kênh tường thuật không hợp pháp các trận đấu, trong đó có lực lượng vận động viên hùng hậu của Việt Nam tham gia. Báo chí cũng chỉ trích nhưng với lời lẽ nhẹ hơn. Đáng tiếc là bản thân tôi hoàn toàn ủng hộ sự chửi bới.
Trong sự kiện này, nước ta là nước duy nhất ở châu Á người dân phải xem các trận thi đấu của vận động viên thân yêu của đất nước mình bằng con đường bất hợp pháp. Dù viện dẫn bất kỳ lý do gì thì lãnh đạo VTV cũng là những kẻ vô trách nhiệm. Đẩy hàng chục triệu người Việt Nam tham gia vào hoạt động trộm cắp bản quyền không phải là sai lầm khuyết điểm thông thường chỉ chịu đôi ba câu chửi rủa là đủ. Đó là nỗi ô nhục quốc thể. Càng nhục nhã hơn khi các nhà lãnh đạo nước ta đang say sưa với những lời hay ý đẹp về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nghe nói VTV cứ khệnh khạng trong việc mua bản quyền, cuối cùng bị “hét giá” lên khoảng 4 hay 5 triệu đô la gì đó (có tin nói chỉ 2-3 triệu đô), nên từ chối không mua. Số tiền đó tuy là lớn, nhưng để phục vụ cho toàn dân thì thật quá bé nhỏ. Mới chỉ làm 13 km đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, cơ quan nhà nước đã vung tay nhẹ như không phê duyệt đội vốn tới hơn 300 triệu đô la chỉ vì lỡ đưa đầu vào cái thòng lọng chỉ định thầu của chủ nợ Trung Quốc và sự yếu kém trong quản lý. Những cái vung tay nhẹ như không tương tự tiêu tốn của đất nước hàng tỷ đô la nhưng chẳng quan chức nào thấy tiếc, còn bỏ ra chỉ mấy triệu đô la để phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân thì tính toán như người buôn thúng bán mẹt (xin lỗi bà con buôn thúng bán mẹt về sự so sánh thất lễ này, vì tầm nhìn của bà con còn xa hơn VTV). Bỏ tiền ra mua bản quyền đâu phải mất trắng, VTV có thể thu lại bằng quảng cáo, thu quảng cáo không đủ và nếu vì khoản tiền này mà VTV thua lỗ thì đã có ngân sách bù vào, thậm chí nếu ngân sách không bù được thì có thể tăng phí hoặc tăng một khoản thuế nào đó cho đủ số tiền thiếu hụt, người dân vẫn vui vẻ chấp nhận.
Quản lý nhà nước về truyền thông nước ta thuộc loại chặt chẽ nhất thế giới, có lẽ chỉ đứng sau Triều Tiên, Cu Ba và Trung Quốc, do Bộ TT&TT chịu trách nhiệm. Nền báo chí cách mạng nước ta mà VTV là cơ quan chủ lực, cũng được định hướng chặt chẽ nhất thế giới, thông qua Ban Tuyên giáo Trung ương. Dưới sự lãnh đạo và quản lý song kiếm hợp bích đó, đến con kiến cũng khó mà bò sai đường. Bộ TT&TT thừa biết trong sự kiện thể thao lớn nhất châu Á này nếu VTV không mua bản quyền truyền hình thì người dân sẽ phải tìm cách xem lậu. Ban Tuyên giáo Trung ương, nơi có các chuyên gia lão luyện về truyền thông, chắc chắn cũng phải hiểu điều đó. Chỉ cần một động tác can thiệp từ Bộ hoặc từ Ban thì nỗi nhục quốc thể không xảy ra, nhưng đã không hề có một sự can thiệp “thiện lành” nào như vậy. Để cho Đài truyền hình quốc gia “tự diễn biến, tự chuyển hóa” thành kẻ buôn thúng bán mẹt đẩy hàng chục triệu người dân tiếp tay cho hoạt động trộm cắp bản quyền làm nhục quốc thể, Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương chẳng lẽ lại vô can?
(Theo FB Hoàng Hải Vân)