Nghỉ học tiếp hay không: Bài học nhìn từ tấm gương Hàn Quốc

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh vừa qua tuyên bố TP.HCM đã “không còn người nhiễm, nghi nhiễm”. Ngay cả sốt, ho hen và “nghi ngờ” bị nhiễm Covid-2019 cũng biến mất. Trước đó, TP.HCM có 3 ca được công bố là bị nhiễm. Dù rằng 3 người này sau khi đi khắp nơi, tiếp xúc nhiều người và không một ai bị – hay bị “nghi” là nhiễm vi khuẩn corona.

Với bằng đó “phép lạ”, các nhà quản lý Việt Nam đang thảo luận xem liệu có nên chấp thuận nối lại tự do đi lại với người Trung Quốc qua các cửa khẩu như lời đề nghị của ông Vương Nghị hay không, đồng thời có nên cho học sinh, sinh viên trở lại trường học hay không.

Khoan trả lời vội những câu hỏi hóc búa trên, hãy nhìn sang 2 quốc gia Châu Á mới đang nổi lên như tâm dịch thứ hai sau Trung Quốc là Hàn Quốc và Nhật Bản. Cả 2 đất nước đều là quốc gia phát triển hơn rất nhiều so với Việt Nam cả về kinh tế, khoa học kĩ thuật, y học… cũng như khả năng quản lí xã hội, trình độ nhận thức, ý thức xã hội của người dân.

Câu chuyện khủng hoảng coronavirus của Hàn Quốc bắt nguồn từ một bà già Hàn Quốc cứng đầu và lạc quan quá mức.

Bà đã có triệu chứng ho, sốt, đủ triệu chứng nhiễm bệnh, đi khám 2-3 lần, nhưng từ chối lời đề nghị xét nghiệm của các bác sĩ, vẫn đi nhà thờ, đi siêu thị, đi ăn cưới…, bà cứ khăng khăng tôi không đi nước ngoài, nhà tôi không có ai lây nhiễm.

Ngày 19 Hàn Quốc mới chỉ có 30 ca nhiễm, ngày tiếp theo đã là 82 và tiếp đó đã lên 156 ca nhiễm. Có thể trong vài ngày tới số ca nhiễm sẽ lên vài trăm. Hàn Quốc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa cả thành phố Daego 2.5 triệu dân. Khả năng lớn là Daegu của Hàn Quốc là một ổ dịch lớn thứ 2 sau Hồ Bắc.

Nhìn Hàn Quốc mà không thể không lo lắng cho Việt nam. Những ngày gần đây, xu hướng lạc quan đang tăng lên trong nước, các biện pháp phòng dịch chặt chẽ đang có xu hướng bị nới lỏng, người ta bắt đầu tính đến chuyện trở lại mọi hoạt động bình thường, mở lại cửa khẩu, cho học sinh đi học lại bình thường.

Dù UBND TP HCM trước đó đưa ra đề xuất lùi thời gian đi học trở lại của các trường đến hết tháng 3/2020 và được nhiều sự đồng tình. Nhưng có vẻ mấy ngày gần đây, trong không khí lạc quan về dịch bệnh ở Việt Nam và Trung Quốc, đã có nhiều ý kiến phản đối đề xuất này, sự đồng tình đang dần ít đi.

Tôi cho rằng, với sự bùng phát dịch mạnh mẽ tại Hàn quốc, không gì để bảo đảm rằng dịch sẽ không bùng phát tại Việt nam. Chúng ta cần ngăn chặn hết mức khả năng này. Và, việc cần làm là tiếp tục hạn chế tập trung đông người, cụ thể là việc các cháu học sinh tập trung tại trường.

Trong hoàn cảnh các phương tiện phòng dịch đơn giản của chúng ta còn thiếu, khả năng chịu đựng của nền kinh tế chúng ta yếu hơn Trung Quốc, nếu dịch bùng phát như đang xảy ra tại Hàn Quốc, chúng ta rất dễ lâm vào khủng hoảng. Khi đó tình hình có thể sẽ còn tồi tệ hơn ở Trung quốc rất nhiều.

Dù được kiểm soát thì vẫn phải cảnh giác. Chỉ khi nào Trung Quốc hết dịch, thế giới hết dịch thì ta mới mới có thể yên được. Tại sao Trung Quốc cấm công dân họ ra đường? Tại sao các thành phố, kể cả thủ đô Bắc Kinh vắng quạnh như thành phố chết mà họ lại đề nghị các nước tạo điều kiện cho họ qua lại? Điều đó có nghịch lý không?

Dẫu biết rằng đóng cửa biên giới sẽ gây thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế. Trung Quốc còn không chịu nổi sức ép kinh tế thì một nước nhỏ như VN, các nhà quản lý nôn nóng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sức khoẻ tính mạng của người dân, các cháu bé và lòng tin, sự ủng hộ đồng lòng của người dân cần đặt cao hơn lợi ích kinh tế và tình hữu nghị quốc tế.

Kinh nghiệm tại Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy chỉ cần một, hai trường hợp lây nhiễm là sẽ có nguy cơ rất lớn cho việc dịch bệnh bùng phát trở lại, không nên mạo hiểm trong lúc này.

Tâm Bão