Việt Nam có công nhận hải phận 12 hải lý nhưng không hề cộng nhận “Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc”, đừng xảo ngôn!
Trung Quốc lại một lần nữa vịn vào “Công thư năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng” để yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Có kẻ lại cổ súy cho hành động của Trung Quốc cho rằng, Công hàm này đã “gây rắc rối” cho Việt Nam trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc khi giành chủ quyền trên hai quần đảo này. Tuy nhiên, Công hàm này vốn dĩ không hề phù hợp với thực tiễn và bối cảnh lịch sử giai đoạn 1954–1975 cũng như với các nguyên tắc giải thích luật pháp quốc tế. Do đó, nó không hề được công nhận thì làm sao có thể gây rắc rối cho VN khi giành lại chủ quyền chính nghĩa của mình?
Thật vậy, trong nội dung Công hàm của Cố Thủ tướng có ghi: Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành” tuyên bố nói trên của chính phủ Trung Quốc và “sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”. Việt Nam đã đã nhiều lần nhấn mạnh, Công hàm chỉ nói lên một điều duy nhất, đó là sự ủng hộ với phía Trung Quốc về nguyên tắc của chiều rộng lãnh hải (ND: 12 hải lý) và không bày tỏ quan điểm gì về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, Trung Quốc vẫn cố gắng giải thích ngược lại với tuyên bố của các nhà lãnh đạo nước này vào tháng 9 năm 1975, theo đó đơn phương thừa nhận “có tồn tại tranh chấp giữa hai quốc gia” đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và “vấn đề này cần được hai nước giải quyết trong tương lai”. Một kiểu nhận vơ vô lý bất chấp luật pháp quốc tế.
Thứ hai, xét vào bối cảnh lịch sử, Công thư gửi cho Trung Quốc trong bối cảnh Hoàng Sa, Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa theo Hiệp định Genève 1954 mà Trung Quốc có tham gia. Tức là Công hàm không bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa (phía nam VN) mà chỉ công nhận chủ quyền 12 hải lý ở phía Bắc VN. Nói nôm na là Thủ tướng Phạm Văn Đồng không thể công nhận cái mà ông không có quyền được công nhận.
Để rồi từ việc đơn phương nhận vơ “cái không có thành của mình” Trung Quốc đã bóp méo sự thật để tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, từ đó thực hiện các hành vi sử dụng vũ lực trái phép tại Biển Đông hòng chiếm lấy quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể ở quần đảo Trường Sa trong các năm 1974 và 1988. Những hành động này đã vi phạm một cách trắng trợn Hiến chương Liên Hợp Quốc và nguyên tắc không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Hơn nữa, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vào thời kỳ đó đã được nhiều nước công nhận VN có chủ quyền. Tại Hội nghị Hòa bình San Francisco năm 1951, khi đại diện Việt Nam tuyên bố rõ ràng về chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các nước đều tán thành, kể cả Pháp.
Trong khi đó, một hiệp định quan trọng mà Trung Quốc cố tình ngó lơ đó là tại điều 4 Hiệp định Geneve 1954 quy định Việt Nam Cộng hòa quản lý vùng biển đảo phía nam vĩ tuyến 17, tức bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhất và duy nhất trong thế kỷ 20 khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Trong khi đó, so với Công hàm của Thủ tướng chỉ mang tính nội bộ giữa VN và TQ, Hiệp đinh Geneve được cả thế giới công nhận. Cái nào có giá trị pháp lý vững vàng hơn?
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp – Ảnh: AFP
Năm 1975, sau khi Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa (1/1974), Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho công bố Sách Trắng, trong đó chỉ ra một cách rõ ràng những bằng chứng lịch sử thuyết phục từ các tài liệu chính thức của nhà nước để khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngược lại, chính trong Sách Trắng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công bố năm 1980 lại không chỉ ra được bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào để củng cố cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này. Vậy tại sao năm 1980 TQ không thể công nhận nhưng bây giờ lại công nhận? Là vì nó vốn dĩ không thuộc chủ quyền của TQ, mãi đến bây giờ, hòng thực hiện âm mưu bành trướng nên TQ cố tình tiến hành thủ đoạn “biến không thành có”?
Từ những lập luận trên, có thể khẳng định Trung Quốc đang cố tình xuyên tạc “Công hàm năm 1958”. Cái mà Trung Quốc muốn là lừa bịp người dân thế giới về cái gọi là “Việt Nam công nhận chủ quyền biển, đảo của Trung Quốc”, hòng hợp thức hóa mưu đồ chiếm trọn biển Đông của họ. Và vốn dĩ Công thư này không phải là một bằng chứng pháp lý để TQ yêu sách chủ quyền. Do đó, VN không hề gặp rắc rối vì sự tồn tại của Công thư, và không tồn tại cái gọi là “tranh chấp lãnh thổ” vì vốn dĩ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, được quốc tế công nhận.
Hà Min